Ngày 2/9, Nga thông báo, nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu sẽ bị đình chỉ vô thời hạn. (Nguồn: AFP)
Chỉ vài ngày sau khi Nga tuyên bố sẽ không tái khởi động đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đưa khí đốt đến châu Âu, các bộ trưởng năng lượng của EU đã ủng hộ kế hoạch tổng thể về giới hạn giá (giá trần) đối với tất cả khí đốt nhập khẩu và đánh thuế đối với phần siêu lợi nhuận mà các công ty năng lượng hưởng lợi do giá điện tăng cao.
Tại châu Âu, giá điện bán buôn tăng mạnh do được gắn với giá khí đốt tự nhiên và xu hướng này diễn ra bất kể điện được sản xuất bằng khí đốt hay không.
Tuy nhiên, trong một cuộc họp khẩn cấp vào cuối tuần đầu tiên của tháng 9, các quan chức châu Âu đã khá khó khăn để thống nhất các chi tiết của kế hoạch. Các nước EU vẫn phải quyết định có nên áp giá trần đối với tất cả khí đốt nhập khẩu hay chỉ áp dụng với dòng nhiên liệu đến từ Nga.
Hơn nữa, các quốc gia EU cũng bàn thảo về cách thức làm thế nào để thiết lập một cơ chế nhằm loại bỏ hoặc giảm bớt lợi nhuận của các công ty năng lượng đang hưởng mức giá cao kỷ lục.
Với việc Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến trong bài phát biểu thường niên tại trụ sở Liên minh vào thứ Tư tuần này tập trung vào năng lượng, các quan chức đang cố gắng tìm ra điểm chung giữa 27 quốc gia thành viên để ngăn chặn tình trạng mất điện và giảm tải gánh nặng tài chính về năng lượng cho các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng trong mùa Đông này.
Ông Fredrik Persson, Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp châu Âu (BusinessEurope), cho biết: “Giải quyết giá năng lượng tăng vọt và tìm cách giảm thiểu chúng là vấn đề cấp bách mang ý nghĩa sống còn đối với cả các ngành công nghiệp và hộ gia đình ở châu Âu”.
Áp lực phải hành động ngay
Hôm 2/9, Nga ra thông báo rằng, nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 tới châu Âu sẽ không được khôi phục cho đến khi các lệnh trừng phạt nước này được dỡ bỏ. ĐIều này làm dấy lên lo ngại về việc Moscow sẽ cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt cho châu Âu.
Năm 2021, EU nhập khẩu khoảng 155 tỷ mét khối khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 của Nga, chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung của toàn liên minh. Con số này hiện đã giảm xuống còn 9%, với đường ống chuyển nhiên liệu đến châu Âu thông qua Thổ Nhĩ Kỳ và Ukraine.
Sức ép về nguồn cung đã đẩy giá khí đốt tại châu lục này tăng lên hơn 10 lần mức trung bình trong thập niên qua.
Tuy nhiên, mức dự trữ khí đốt của EU đã đạt 83% tổng công suất, vượt xa mục tiêu 80% được đặt ra vào cuối tháng 10, làm dấy lên hy vọng sẽ có đủ nguồn cung cho toàn châu lục trong mùa Đông này.
Nhưng trên thực tế, vẫn có áp lực buộc các chính trị gia phải tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sử dụng nhiều năng lượng như sản xuất phân bón và thép đã phải đóng cửa hoặc giảm sản lượng, trong khi các hộ gia đình đang phải cắt giảm những thứ cơ bản như thực phẩm để trang trải hóa đơn năng lượng ngày một tăng cao.
Các đề xuất của EU
Ngày 7/9, Ủy ban châu Âu đã đưa ra các đề xuất, bao gồm đánh thuế, cắt giảm lợi nhuận của các công ty năng lượng, chuyển số tiền thu được đó cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, nới lỏng các quy tắc viện trợ của nhà nước để cứu trợ các công ty bị ảnh hưởng bởi hóa đơn năng lượng cao, áp dụng các biện pháp tiết kiệm tối đa điện, áp giá trần đối với khí đốt nhập khẩu, gồm cả từ Nga.
Tại cuộc họp hôm 9/9, theo Czech, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, các bộ trưởng năng lượng EU đã nhất trí về 4 giải pháp cấp bách để giảm giá năng lượng.
Bốn giải pháp gồm: Nhất trí về mức giới hạn chung đối với giá khí đốt nhập khẩu vào châu Âu, dù là từ Nga hay từ các quốc gia khác; giới hạn doanh thu của các nhà sản xuất điện; can thiệp tạm thời và khẩn cấp vào thị trường khí đốt, với mức giá trần do Bỉ và Italy cùng một số nước khác đề xuất; đề nghị EC trình bày các biện pháp để điều phối việc giảm nhu cầu điện trên toàn EU, đặc biệt trong giờ cao điểm, và giúp giải quyết các vấn đề thanh khoản trên các thị trường năng lượng.
Một số quốc gia EU cũng kêu gọi cắt đứt mối liên hệ giữa giá khí đốt và giá điện. Trong khi đó, số khác lại muốn tạm thời cắt giảm chi phí mà các công ty phải trả cho lượng khí carbon họ thải ra môi trường.
Còn nhiều tranh luận
Về giá trần khí đốt, các nước bao gồm Italy, Áo và Hy Lạp phản đối việc chỉ áp giá trần đối với hàng nhập khẩu của Nga vì e ngại Moscow sẽ cắt nguồn cung.
Sau cùng, các nước cũng tìm được đồng thuận về mức giới hạn nhập khẩu. Tuy nhiên, liệu mức giới hạn đó sẽ chỉ áp dụng cho khí đốt nhập qua đường ống hay cho cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng, thì vẫn chưa được thống nhất.
Các hộ gia đình ở châu Âu đang phải cắt giảm cả thực phẩm để trang trải hóa đơn năng lượng ngày một tăng cao. (Nguồn: edie.net)
Trong khi đó, Đan Mạch và Hà Lan không quan tâm đến giới hạn tổng thể vì họ sợ rằng việc giảm giá sẽ chỉ làm tăng tiêu dùng.
Ông Hans Vijlbrief, Bộ trưởng phụ trách các ngành công nghiệp khai thác của Hà Lan cho biết: “Tất cả những giới hạn rộng rãi này đều có nhược điểm là bạn không thể phân biệt nguồn cung cấp từ các quốc gia khác nhau".
Ngoài ra, còn có tranh luận về việc liệu các ngưỡng áp thuế nên cụ thể cho từng nguồn phát điện như than, hạt nhân, gió và mặt trời hay được áp dụng thống nhất. Trong trường hợp áp dụng như nhau, các nhiên liệu tốn tiền hơn như than sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Người tiêu dùng có lợi gì?
Các nhà phân tích tại cơ quan định giá năng lượng Argus cho biết, mặc dù nỗ lực của EU trong việc bảo vệ các hộ gia đình khỏi đói nghèo là “đáng ca ngợi”, nhưng “tốc độ xây dựng chính sách chưa từng có đã dẫn đến việc một số đề xuất không đạt được mục tiêu này”.
Việc giới hạn giá tất cả khí đốt nhập khẩu có thể khiến các nhà sản xuất như Algeria và Na Uy cắt giảm nguồn cung. Mặc dù Na Uy cho biết họ sẵn sàng chấp nhận ý tưởng này, nhưng các nhà phân tích của Argus cho rằng, điều đó có thể khiến giá khí đốt tăng thêm.
Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng và khí hậu tại Eurasia Group, cho biết, sự kết hợp giữa giới hạn giá cả, đánh thuế và tiết kiệm "đã đi xa hơn mục đích ngăn chặn chi phí năng lượng tăng lên".
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dap-tra-don-trung-phat-nga-tung-at-chu-bai-khi-dot-eu-khan-cap-ra-chieu-mang-tinh-song-con-a173229.html