Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn. Ảnh: Đ.X
Thông tin này được Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2023 chiều 12/9.
Theo ông Tuấn, dự kiến kế hoạch kiểm toán của năm 2023 gồm 141 nhiệm vụ, giảm 37 nhiệm vụ so với năm 2022.
Việc lựa chọn các vấn đề kiểm toán, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho hay là các chủ đề lớn gắn với quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, hay lĩnh vực trọng yếu dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...
Ngoài kế hoạch kiểm toán về thực hiện, quản lý ngân sách Nhà nước tại các bộ, ngành, địa phương, dự kiến, Kiểm toán Nhà nước sẽ có kiểm toán 25 chuyên đề.
Các chuyên đề kiểm toán sẽ liên quan tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô gần 350.000 tỷ đồng; lập, phân bổ vốn đầu tư gói phục hồi kinh tế; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động...
Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước dự kiến thực hiện 16 cuộc kiểm toán, gồm: Ngân hàng Nhà nước; 10 tập đoàn, tổng công ty nhà nước; 6 tổ chức tài chính, ngân hàng.
Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Bảo Việt... nằm trong danh sách dự kiến kiểm toán.
Với doanh nghiệp, dự kiến sẽ kiểm toán tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV)... và một số tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quy mô lớn.
Nội dung kiểm toán sẽ xoay quanh vấn đề quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2022, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài.
Kiểm toán chuyên đề năm sau cũng sẽ xem xét vấn đề xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong bao tiêu sản phẩm của dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.
Lĩnh vực đầu tư xây dựng, dự kiến cơ quan kiểm toán sẽ thực hiện 28 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn.
Chẳng hạn, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành - giai đoạn 1; các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng khu vực miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung và Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các dự án đường ven biển...
Thẩm tra nội dung này, ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cho hay, đa số ý kiến trong Ủy ban này đề nghị giảm chủ đề, số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động, lĩnh vực đầu tư xây dựng, doanh nghiệp… để tập trung kiểm toán về quyết toán ngân sách Nhà nước.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Njguyễn Phú Cường |
Trong đó, lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, theo ông Cường, đa số ý kiến đề nghị rà soát, cắt giảm số lượng để các doanh nghiệp tập trung sản xuất kinh doanh, phục hồi phát triển, chỉ lựa chọn một số ít doanh nghiệp ít chịu sự tác động của đại dịch để tổ chức kiểm toán.
“Nội dung kiểm toán bảo đảm tính chuyên sâu, toàn diện để bảo đảm chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán”, ông Cường nói.
Chuyển hồ sơ 8 vụ việc sang cơ quan điều tra
Với năm 2022, theo ông Tuấn, qua tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 168 báo cáo kiểm toán đã phát hành đến thời điểm 31/8/2022, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó số kiến nghị tăng thu ngân sách Nhà nước hơn 1.140 tỷ đồng, giảm chi ngân sách hơn 7.600 tỷ đồng và kiến nghị khác hơn 13.260 tỷ đồng.
Cơ quan này cũng kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 102 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp.
Cạnh đó, kiến nghị chấn chỉnh hoạt động của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành một số cuộc kiểm toán chuyên đề quan trọng như chuyên đề: “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 và các chính sách hỗ trợ”; “Quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021”; “Công tác quản lý Nhà nước về đất đai giai đoạn 2017-2021”.
“Kiểm toán Nhà nước luôn phối hợp chặt chẽ, kịp thời và có hiệu quả với các cơ quan có liên quan. Trong 8 tháng đầu năm 2022, đã chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định 8 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua hoạt động kiểm toán”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Trong đó, 7 vụ việc qua kiểm toán chuyên đề quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2017-2021 tại TP Hải Phòng, 7 công ty lập dự án để được cấp phép nhưng không tổ chức khai thác mà chuyển cho doanh nghiệp khác khai thác.
1 vụ việc có dấu hiệu trốn thuế của Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp, tỉnh Tây Ninh trong việc chuyển nhượng cổ phần, cổ phiếu.
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 724 báo cáo kiểm toán, các tài liệu có liên quan cho các cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và xây dựng chương trình công tác.
Ông Tuấn cho biết thêm, tại cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID -19 và các chính sách hỗ trợ”, cơ quan kiểm toán đã kịp thời chuyển danh sách các đơn vị, địa phương mượn, mua kit test có dấu hiệu bất thường sang Thanh tra Chính phủ để lưu ý khi thanh tra theo chuyên đề tại các bộ, ngành, địa phương.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhieu-ngan-hang-lon-vao-danh-sach-du-kien-kiem-toan-trong-nam-2023-a173344.html