Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - vốn theo dõi rổ hàng hoá và dịch vụ của Mỹ - tăng 0.1% so với tháng trước và tăng 8.3% so với cùng kỳ. Loại trừ giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0.6% so với tháng 7 và 6.3% so với cùng kỳ.
Đây là kết quả rất bất ngờ vì các chuyên gia kinh tế đều đang kỳ vọng lạm phát tổng thể giảm 0.1% so với tháng trước và chỉ tăng 8% so với cùng kỳ.
Giá năng lượng giảm 5% trong tháng qua, dẫn đầu là đà lao dốc 10.6% của giá xăng. Tuy nhiên, đà giảm này được bù đắp bởi đà tăng ở những lĩnh vực khác.
Chỉ số thực phẩm tăng 0.85 trong tháng 8/2022 và chi phí nhà ở - vốn chiếm 1/3 tỷ trọng CPI – tăng 0.7% so với tháng trước và tăng 6.2% so với cùng kỳ.
Giá dịch vụ chăm sóc y tế cũng tăng 0.8% so với tháng trước và tăng 5.6% so với cùng kỳ. Giá xe hơi mới cũng tăng 0.8%, dù giá xe đã qua sử dụng giảm 0.1%.
Thị trường lập tức lao dốc sau thông tin về lạm phát, với hợp đồng tương lai Dow Jones quay đầu lao dốc gần 600 điểm.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 13 điểm cơ bản lên 3.704%.
Trước đó, thị trường phần lớn đều kỳ vọng Fed nâng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 9/2022. Sau báo cáo CPI, khả năng nâng 50 điểm cơ bản đã bị gạt bỏ và thậm chí có khả năng Fed nâng 100 điểm cơ bản, theo dữ liệu từ CME Group.
“Họ đang tìm hiểu lạm phát đang đến từ nguồn nào”, Quincy Krosby, Chiến lược gia cổ phiếu tại LPL Financial, cho hay. “Rõ ràng đó là thực phẩm, vận tải và giá thuê nhà. Giá thuê nhà cứ tăng không ngừng nghỉ. Đây là một trong những yếu tố cứng đầu nhất mà Fed đang phải đối mặt tại thời điểm này”.
Báo cáo mới cũng vẽ ra bức tranh tương phản về lạm phát. Sau khi chạm đỉnh hơn 5 USD/gallon trong hè này, giá xăng đã quay đầu giảm mạnh. Tuy nhiên, chi phí ở các lĩnh vực khác như thực phẩm và nhà ở tiếp tục tăng, qua đó làm dấy lên lo ngại lạm phát đang bắt đầu lan rộng hơn.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lam-phat-my-tang-manh-hon-du-bao-a173437.html