Trong thông báo ngày 5/9/2022, Tổng giám đốc Công ty ANI Đặng Tất Thành viện dẫn điểm a, Khoản 1, Điều 32, Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14 quy định: “Công ty đại chúng là công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu là 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ”. Thực tế hiện nay, ANI có vốn điều lệ đã góp là gần 240 tỷ đồng và chỉ có 9,7% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do 506 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ (theo danh sách cổ đông do Trung tâm Lưu ký chứng khoán chốt ngày 14/6/2022). Theo đó, ANI đã không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo quy định của Luật Chứng khoán. Đây cũng chính là căn cứ pháp lý để Hội đồng quản trị ANI trình Đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 9/7/2022 thông qua việc hủy tư cách công ty đại chúng, hủy niêm yết trên sàn HNX.
Trong thông báo này, ANI cũng bổ sung căn cứ pháp lý: “Tuy nhiên, căn cứ khoản 4, Điều 135, Luật Chứng khoán số 59/2019/QH14, quy định công ty đại chúng có cổ phiếu đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trước ngày luật này có hiệu lực thi hành mà vẫn đáp ứng điều kiện theo quy định của Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 62/2010/QH12 và các văn bản quy định chi tiết thi hành thì không bị hủy tư cách công ty đại chúng, không bị hủy niêm yết, đăng ký giao dịch, trừ trường hợp đại hội đồng cổ đông có quyết định khác”. ANI công nhận với cổ đông Công ty vẫn đủ điều kiện công ty đại chúng.
Dù vậy, Ban lãnh đạo ANI vẫn khẳng định: Việc hủy tư cách công ty đại chúng là quyền lựa chọn của cổ đông và phụ thuộc vào quyết định của đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần ANI.
Nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường ngày 9/7 là căn cứ pháp lý để Ban lãnh đạo, nhóm cổ đông lớn của ANI quyết định vẫn tiếp tục thực hiện các thủ tục hủy tư cách công ty đại chúng. Nghị quyết này được thông qua trên cơ sở một tờ trình nêu căn cứ pháp lý chưa chuẩn, quan trọng hơn là không đáp ứng điều kiện về tỷ lệ đồng thuận của nhóm cổ đông nhỏ.
Điều 121, Nghị định 155/2020/NĐ-CP có quy định về hủy bỏ niêm yết chứng khoán tự nguyện với điều kiện được hủy bỏ niêm yết cổ phiếu như sau: “Quyết định hủy bỏ niêm yết tự nguyện được ĐHĐCĐ, đại hội nhà đầu tư biểu quyết thông qua theo quy định pháp luật doanh nghiệp, quy định tại Điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán, trong đó phải được trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua”.
Trong bài viết “Thâu tóm ngược và chuyện bảo vệ cổ đông nhỏ”, đăng trên Báo Đầu tư Chứng khoán số 36, bà Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia quản trị công ty ASEAN cho rằng, chiếu theo Nghị định 155/2020/NĐ-CP thì quyết định hủy bỏ niêm yết phải có tờ trình riêng và chỉ có nhóm cổ đông nhỏ biểu quyết ý kiến cho tờ trình này. Việc tổ chức đại hội cổ đông bất thường của ANI vào ngày 9/7/2022 và lấy ý kiến cổ đông với tỷ lệ biểu quyết thông qua bao gồm số phiếu của các cổ đông lớn là chưa phù hợp quy định luật pháp.
Một lần nữa, Ban lãnh đạo, cổ đông lớn ANI lại đưa ra các căn cứ pháp lý chưa thuyết phục cho hủy niêm yết, quyết định quan trọng ảnh hưởng đến nhiều cổ đông nhỏ?
Ngày 14/7/2022, ANI đã nộp hồ sơ hủy tư cách công ty đại chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Ban lãnh đạo ANI cũng thông báo đến cổ đông, sau khi nhận được thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc hủy tư cách công ty đại chúng, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ ban hành quyết định hủy bỏ niêm yết và công bố thông tin về việc hủy bỏ niêm yết đối với cổ phiếu SIC. Sau đó, Công ty sẽ nộp hồ sơ hủy đăng ký chứng khoán với Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD). Thời gian VSD xem xét, xử lý hồ sơ hủy đăng ký chứng khoán là trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ.
Liệu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có chấp thuận hồ sơ hủy niêm yết của ANI với cơ sở pháp lý nói trên?
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ani-sic-van-muon-huy-niem-yet-can-cu-vao-nghi-quyet-sai-can-cu-a173532.html