Một cửa hàng bán lẻ xăng dầu của Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà tại tỉnh Thái Bình.
Nợ thuế tăng vọt, vốn chủ sở hữu âm 1.664 tỷ đồng
Công ty TNHH Vận tải Thủy bộ Hải Hà được thành lập năm 2003 tại thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) với người đại diện là ông Tô Văn Thọ. Từ lâu, Công ty Hải Hà đã chiếm lĩnh thị trường xăng dầu tại tỉnh Thái Bình và được coi là một trong những “đại gia” ngành xăng dầu lớn nhất , nổi tiếng nhất vùng đất “quê lúa”.
Tính đến ngày 26/6/2020, Công ty Hải Hà có vốn điều lệ ở mức 356 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông nắm giữ vốn điều lệ của Công ty Hải Hà bao gồm: Ông Tô Văn Thọ (24,62%), ông Lê Phi Quang (8,64%), bà Trần Tuyết Mai (36,895%), bà Trần Thị Thu Hằng (17,463%) và ông Trần Văn Chính (12,382%).
Với mạng lưới phân phối xăng dầu rộng khắp tỉnh Thái Bình cùng nhiều tỉnh thành khác như: Hà Nội, Hà Nam, Kiên Giang, Cần Thơ, Đồng Nai, Đà Nẵng, Ninh Bình, Hải Phòng và Cà Mau; Công ty Hải Hà là doanh nghiệp có quy mô lớn và đạt mức doanh thu rất lớn.
Dù kinh doanh vô cùng phát đạt là vậy, thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà Công ty Hải Hà lại gây bất ngờ lớn khi luôn trong tình trạng thua lỗ triền miên, thậm chí tới mức âm cả vốn chủ sở hữu.
Theo đó, trong giai đoạn 5 năm gần đây (từ năm 2017-2021), Công ty Hải Hà chưa từng ghi nhận doanh thu dưới 10.000 tỷ đồng. Cụ thể, doanh thu của Hải Hà lần lượt đạt 10.800 tỷ đồng (năm 2017); 15.115 tỷ đồng (năm 2018); 15.807 tỷ đồng (năm 2019); 10.892 tỷ đồng (năm 2010) và đạt “đỉnh” vào năm 2021 ở mức 18.932 tỷ đồng.
Trái ngược với những con số ấn tượng về doanh thu kể trên, Công ty Hải Hà trong giai đoạn từ năm 2017-2021 lại chìm trong thua lỗ triền miên, với các khoản lỗ lần lượt là 268 tỷ đồng (năm 2018), 224 tỷ đồng (năm 2019), 781 tỷ đồng (năm 2020) và 160 tỷ đồng (năm 2021).
Chuỗi ngày thua lỗ của Công ty Hải Hà đã kéo dài suốt nhiều năm, khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng âm nặng vốn, dù kinh doanh rất tốt. Tại thời điểm ngày 31/12/2017, vốn chủ sở hữu của Công ty Hải Hà âm 451 tỷ đồng. “Lỗ chồng lỗ”, các khoản thua lỗ dần được “tích lũy” trong 4 năm tiếp theo khiến mức âm vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đạt con số “khổng lồ” ở mức 1.664 tỷ đồng (tính tới ngày 31/12/2021).
Nữ doanh nhân Trần Tuyết Mai - người nắm giữ 36,895% vốn điều lệ của Công ty Hải Hà.
Vì thua lỗ triền miên như vậy, nên chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty Hải Hà thường xuyên là 0 đồng. Chưa dừng lại ở đó, nợ thuế của doanh nghiệp cũng ngày một gia tăng. Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2021, thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước của Công ty Hải Hà đã lên đến con số 2.209 tỷ đồng - tăng mạnh so với mức 1.463 tỷ đồng ghi nhận hồi cuối năm 2020.
Trước tình hình này, lãnh đạo Công ty Hải Hà đã có động thái đề xuất chính quyền tỉnh Thái Bình lưu tâm giúp đỡ và tạo điều kiện để doanh nghiệp tháo gỡ khó khan trong quá trình kinh doanh; đồng thời cam kết đến cuối năm 2022 Công ty sẽ nộp đủ số thuế đã kê khai năm 2020. Theo đại diện Công ty Hà Hải, nguyên nhân dẫn đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước của doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn là do hiệu quả hoạt động kinh doanh của Công ty đã bị suy giảm.
“Nợ nần chồng chất” vẫn “ôm” hơn 2.000 tỷ đồng cho vay
Được biết, việc nợ thuế vốn chỉ là một phần rất nhỏ trong tổng số nợ mà Công ty Hải Hà hiện đang phải “gánh”. Cụ thể, tại thời điểm ngày 31/12/2021, số nợ phải trả của Công ty này đã lên mức 15.048 tỷ đồng - tăng 4.982 tỷ đồng (tương đương 49,5%) so với cùng kỳ năm 2020. Những chỉ số này cho thấy, nợ đã chiếm tới 1,1 lần tổng tài sản (nguồn vốn) của Công ty Hải Hà.
Đáng chú ý, trong cơ cấu các khoản nợ phải trả của Công ty Hải Hà, ngoài nợ thuế ra thì chỉ tiêu phải trả người bán ngắn hạn của doanh nghiệp này chính là khoản nợ lớn nhất, khi tăng rất mạnh đạt tới con số 7.936 tỷ đồng - chiếm 52,7% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp.
Ngoài ra, Công ty Hải Hà còn có thêm khoản 1.638 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn; cùng 356 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Những chỉ số này đã phản ánh rất rõ nét hiện trạng “nợ nần chồng chất” của Công ty Hải Hà. Vì “ôm” nợ lớn nên chi phí lãi vay của doanh nghiệp cũng tăng cao; cụ thể trong năm 2020 và 2021, khoản lãi mà Công ty Hải Hà đã phải trả lần lượt là 85,1 tỷ đồng và 99 tỷ đồng.
Nợ nhiều như vậy, nhưng trong năm 2021, Công ty Hải Hà lại dành tới 2.771 tỷ đồng để cho vay và mua lại các công cụ nợ của đơn vị khác – con số này tăng mạnh so với mức 863 tỷ đồng của năm 2020. Ngày 31/12/2021, Công ty Hải Hà ghi nhận khoản cho vay ngắn hạn phải thu về là 2.074 tỷ đồng. Trong khi đó, chỉ tiêu này ở thời điểm cuối năm 2020 chỉ ở mức 1.303 tỷ đồng. Từ đó dẫn tới “hậu quả” lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp âm nặng 887 tỷ đồng.
Cũng từ đây, bức tranh tài chính của Công ty Hải Hà đã hiện lên rất rõ nét. Có thể nhận thấy rằng, doanh nghiệp này hiện đang trong tình trạng thua lỗ thảm, âm vốn chủ sở hữu và vay nợ triền miên nhưng vẫn mang hơn 2.000 tỷ đồng để cho vay.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/am-von-1664-ty-dong-dai-gia-xang-dau-hai-ha-van-mang-cho-vay-nghin-ty-a173850.html