Những tháng ngày qua, bà Nguyễn Thị Loan (65 tuổi, ở xã Liêm Chính, TP Phủ Lý, Hà Nam) cùng nhiều người dân nơi đây cảm thấy buồn mỗi lần đi ngang qua công trình xây dựng hai Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 đã cơ bản hoàn thiện nhưng đang bỏ hoang gây lãng phí.
Người từng giao đất để xây Bệnh viện xong bỏ hoang nói gì. Clip: Gia Khiêm
Cách đây hơn 10 năm, gia đình bà Loan cùng nhiều hộ dân trong xã đã nhường đất xây dựng bệnh viện. Lúc này, không riêng gì bà Loan mà người dân tỉnh Hà Nam đều rất vui mừng, phấn khởi. Họ kỳ vọng hai bệnh viện lớn được xây dựng đi vào hoạt động. Thế nhưng, sau khi khánh thành, cả 2 bệnh viện lại rơi vào cảnh bỏ không, đến nay vẫn không phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Trong mắt người dân nơi đây, bệnh viện không còn khang trang, sạch sẽ và hiện đại như trong trí tưởng tượng. Thay vào đó, hình ảnh nhếch nhác, hoang tàn, cỏ mọc um tùm của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khiến ai nấy đều tiếc nuối. Trong đó có nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp.
"Khi có ý định xây bệnh viện, người dân chúng tôi ở đây đã sẵn sàng nhất trí bàn giao với giá rất rẻ chỉ 11,5 triệu/sào. Tôi nhường đất mong ngày bệnh viện mở cửa, giờ bỏ hoang phí phạm. Nhiều hộ dân ở đây mất ruộng, đành phải kiếm kế sinh nhai, người bỏ đi nơi khác làm ăn, kẻ bám trụ lại như tôi thì tìm đủ mọi việc.
Người dân cũng mong muốn bệnh viện gần đi lại thuận tiện. Thế nhưng suốt bao nhiêu năm triển khai đến nay chưa đi vào hoạt động. Bao nhiêu mong mỏi của người dân gần như bị dập tắt hy vọng", bà Loan chia sẻ.
Theo bà Loan, cách đây không lâu, chồng bà phát hiện bị ung thư máu phải lên Bệnh viện Bạch Mai để điều trị kéo dài 9 tháng. Bà bảo, nếu bệnh viện cơ sở 2 được đưa vào hoạt động thì gia đình bà đỡ khổ phần nào.
"Chồng tôi hồi đó điều trị đi đi về về suốt rất khó khăn. Nếu bệnh viện ngay đây hoạt động thì gần biết bao, giảm được rất nhiều chi phí tàu xe bởi đi lại tốn kém. Không riêng gì gia đình tôi mà nhiều người khi đi Hà Nội điều trị cực khổ quá, người thì say xe, người có bệnh không dám đi. Bệnh viện xây xong bỏ không quá lãng phí", bà Loan kể.
Theo bà Loan, có người thầu công trình xây dựng tại bệnh viện nợ số tiền hàng tạp hoá hơn 10 triệu đến nay mấy năm chưa trả. "Trước đây công nhân cũng hay mua hàng của gia đình tôi nên khi họ ngỏ ý mua chịu khất, bảo bao giờ lấy tiền công trình trả sau. Thấy họ đều là lao động khó khăn nên tôi đồng ý cho mua chịu trả sau nhưng rồi sau họ không trả. Khi gọi điện đòi thì nhận được câu trả lời làm công trình tiền tỷ nhưng chưa lấy được", bà Loan lắc đầu chia sẻ.
Cũng tương tự như bà Loan, gia đình Nguyễn Đăng Khoa (71 tuổi) cũng bán hàng tạp hoá gần ngay sát Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2. Theo ông ban đầu nhóm xây dựng rất uy tín mua trả nhưng sau họ mua chịu, thấy hoàn cảnh khó khăn, đều là dân làm thuê nên gia đình ông chợ nợ hơn 10 triệu đồng tiền gạo, tạp hoá.
"Trước đây khi bệnh viện được xây dựng công nhân các nơi đổ về đông lắm. Vì họ hay mua hàng nên khi ngỏ ý nợ vì chưa được thanh toán tiền xây dựng tôi đồng ý ngay. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã mấy năm rồi họ không trả. Khi tôi gọi điện thì nhận được câu trả lời làm ăn thua lỗ quá, chưa có tiền trả. Họ khất như vậy cũng không còn cách nào", ông Khoa nói.
Còn với bà Nguyễn Thị Khoa (67 tuổi) mong muốn, bệnh viện sớm đi vào hoạt động để mọi người khám chữa bệnh thuận tiện, đỡ khổ.
"Ngày xây bệnh viện tôi phấn khởi lắm, chỉ mong nhờ trời cho khoẻ, sau này ốm đau chạy lên bệnh viện đây cho gần gũi, đỡ phải đi xa, cơ sở tại Hà Nội luôn rơi vào tình trạng quá tải. Giờ công trình bỏ hoang thế này lãng phí lắm. Chúng tôi ai cũng mong muốn bệnh viện sớm được hoạt động. Ngoài ra, vết bong tróc tại công trình khi chưa vào sử dụng tôi cho rằng có vấn đề ở khâu kỹ thuật có phần phải xem xét lại, làm đúng chất lượng công trình bền lâu dài được", bà Khoa nói thêm.
PGS.TS.BS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, cơ sở 2 của bệnh viện tại Hà Nam có chủ đầu tư là Bộ Y tế, bệnh viện chỉ tiếp nhận và sử dụng.
Theo ông Khánh, hiện bệnh viện đã chuẩn bị tất cả phương án, từ đào tạo nguồn nhân lực đến bố trí khu vực nội trú, chờ khi nào được Bộ bàn giao sẽ triển khai cũng như bố trí các khâu tiếp theo để đi vào sử dụng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/benh-vien-nghin-ty-bo-hoang-nhung-chia-se-cay-dang-cua-nguoi-tung-giao-dat-de-xay-benh-vien-a174441.html