Phi lý đến không tưởng ở dự án Khu dân cư Tân An Huy - Bài 3: Hàng chục tỷ đồng tiền thuế phải nộp đã đi đâu?

Chủ đầu tư Dự án Khu dân cư Tân An Huy bán 2 khu đất lớn cho đối tác và đã thu hết tiền. Vậy số tiền này đi đâu, để giờ này, lãnh đạo mới của Tân An Huy than thiếu thốn tài chính, ép khách hàng đóng thêm tiền để… trả thuế cho doanh nghiệp?

Đóng 95-100% tiền mua nền, nhưng gần 2 thập kỷ trôi qua, khách hàng Dự án Khu dân cư Tân An Huy (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) vẫn chưa được xây nhà. Thậm chí, chủ đầu tư ép “thượng đế” đóng thêm tiền để Công ty trả nợ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Kết luận thanh tra yêu cầu xử lý một đằng, doanh nghiệp lại “biến hóa” một nẻo.

Nợ hơn 72 tỷ thuế thu nhập doanh nghiệp dù đã “ẵm” hơn 554 tỷ đồng

Kết luận thanh tra số 02/KL-TTTP-P3 ngày 4/1/2018 của Thanh tra TP.HCM thể hiện, tháng 12/2005, UBND TP.HCM có Quyết định 6520/QĐ-UBND giao đất cho Công ty Tân An Huy để đầu tư xây dựng Dự án Khu dân cư Tân An Huy (huyện Nhà Bè, TP.HCM), có diện tích 20,8 ha thành khu đô thị loại I, gồm chung cư cao cấp, nhà phố biệt thự mới, biệt thự ven sông, cơ sở y tế, trường học...

Tới tháng 7/2009, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng gần 3,3 ha đất trong tổng số hơn 20,8 ha, để chủ đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng.

Một góc Dự án Khu dân cư Tân An Huy.

Một góc Dự án Khu dân cư Tân An Huy.

Thay vì thực hiện, năm 2011, Công ty Tân An Huy đã đem quyền sử dụng diện tích này đi góp vốn với Công ty Indochina và Công ty VPF lập ra Công ty TNHH Nam Sài Gòn Residences (Công ty Nam Sài Gòn Residences) để thực hiện Dự án.

Theo hợp đồng góp vốn tháng 6/2011, giá trị gần 3,3 ha đất được xác định là 35 triệu USD. Trong số trên, hơn 21% giá trị quyền sử dụng đất, tương đương 7,5 triệu USD, được Công ty Tân An Huy góp vốn tương ứng 25% cổ phần tại Công ty Nam Sài Gòn Residences; hơn 78% giá trị quyền sử dụng đất còn lại, tương đương 27,5 triệu USD, sẽ được Công ty Nam Sài Gòn Residences hoàn lại cho Công ty Tân An Huy theo hình thức chuyển khoản.

Với 21% giá trị quyền sử sụng đất được Tân An Huy góp, tháng 5/2012, Công ty Nam Sài Gòn Residences thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần 2, tăng vốn điều lệ từ 540 tỷ đồng lên 648 tỷ đồng. Theo đó, Công ty Indochina góp 17,1 triệu USD (47,5% cổ phần), Công ty VPF góp 11,4 triệu USD (hơn 31%) và Công ty Tân An có tỷ lệ cổ phần chỉ còn hơn 20%.

5 tháng sau, Công ty Tân An Huy bán số cổ phần ưu đãi cho Công ty Nam Sài Gòn Residences.

Lấy được số cổ phần ưu đãi này, tháng 12/2014, Công ty Nam Sài Gòn Residences thay đổi giấy chứng nhận đầu tư lần 4, điều chỉnh giảm vốn điều lệ, nên lúc này, tỷ lệ vốn góp của Công ty Tân An Huy chỉ còn 5% và 2 cổ đông còn lại chiếm 95%.

Sau đó, Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng đã mua lại toàn bộ vốn góp của 3 cổ đông sáng lập với 24,7 triệu USD.

Như vậy, tiếng là góp vốn hơn 21% giá trị quyền sử dung đất, nhưng thực chất, Công ty Tân An Huy đã chuyển nhượng bất động sản và doanh nghiệp đã thanh toán khoản nợ thuế liên quan.

Nhưng với hơn 78% giá trị quyền sử dụng đất còn lại (tương đương 27,5 triệu USD), Thanh tra TP.HCM xác định, Công ty Tân An Huy đã nhận được 27,5 triệu USD hoàn lại từ Công ty Nam Sài Gòn Residences vã đã xuất hóa đơn với doanh thu hơn 554 tỷ đồng.

Công ty Tân An Huy đã nộp thuế VAT hơn 55 tỷ đồng, kê khai thu nhập chịu thuế từ hoạt đồng bán bất động sản trên 293 tỷ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp hơn 73 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty mới nộp hơn 1,2 tỷ đồng, nợ hơn 72 tỷ đồng (tính tới thời điểm thanh tra).

Thu hơn trăm tỷ đồng vẫn không “nhả” hơn 7,6 tỷ đồng thuế

Theo Thanh tra TP.HCM, ở Khu đất giáo dục, Công ty Tân An Huy cũng bán và cũng… nợ thuế.

Cụ thể, tháng 1/2012, Công ty Tân An Huy được Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng hơn 1,2 ha đất trong tổng số 20,8 ha đất để làm Dự án giáo dục. Chỉ vài ngày ngay sau khi nhận giấy, ngày 16/1/2012, Công ty Tân An Huy đã chuyển nhượng phần đất nêu trên cho Công ty TNHH Giáo dục Đào tạo Ngân Hà với tổng giá trị hơn 107 tỷ đồng, trong đó, giá trị đất hơn 38 tỷ đồng và giá trị hạ tầng trên 63 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra khẳng định, với việc bán khu đất trên, Công ty Tân An Huy đã xuất hóa đơn ký hiệu AA/11P số 0000062 ngày 16/2/2012 và có kê khai doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp với thu nhập chịu thuế hơn 30 tỷ đồng, số tiền thuế thu nhập doanh nghiệp tương ứng trên 7,6 tỷ đồng. Tới thời điểm thanh tra, Công ty Tân An Huy cũng mới nộp thuế VAT, chưa nộp hơn 7,6 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.

“Tiền tươi, thóc thật” đi đâu?

Kết luận thanh tra cho thấy, trong tổng diện tích hơn 20,8 ha đất Dự án Khu dân cư Tân An Huy, từ năm 2005, chủ đầu tư đã bồi thường để thu hồi hơn 17 ha đất với số tiền gần 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp này lại còn được UBND huyện Nhà Bè hỗ trợ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng hơn 10.000 m2 khác.

Theo quy hoạch xây dựng, trong tổng hơn 20,8 ha đất, ngoại trừ đất giao thông, cây xanh... thì có 4 khu phải đầu tư xây dựng lớn, gồm khu đất y tế, khu đất giáo dục, khu cao tầng và khu nhà ở thấp tầng.

Thế nhưng, không chỉ bán đất Dự án Khu cao tầng và hơn 1,2 đất dự án giáo dục, thu về hàng trăm tỷ đồng, mà vẫn nợ thuế thu nhập doanh nghiệp gần 80 tỷ đồng, Công ty Tân An Huy còn thu về “tiền tươi, thóc thật” nhờ bán Dự án tại Khu đất y tế khác có diện tích 7.667,4 m2 cho Công ty TNHH Đầu tư Nhân Phúc Đức, với tổng giá trị chuyển nhượng hơn 130 tỷ đồng.

Đến khu đất cuối cùng là Dự án Khu nhà ở thấp tầng (diện tích hơn 58.000 m2), chủ đầu tư phân ra 313 nền đất, nhưng lại chia cho Công ty Tân Phúc Hưng 93 nền và Doanh nghiệp tư nhân Phan 29 nền để bán cho khách hàng. Còn lại 191 nền, Công ty Tân An Huy chuyển nhượng hết cho khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn. Từ năm 2004, khách hàng đã đóng 95-100% tiền mua nền, đã bao gồm cả tiền đất, tiền hạ tầng, thuế thu nhập doanh nghiệp…

Trong khi đó, tới thời điểm thanh tra (từ tháng 9-11/2017), hạ tầng Dự án mới đạt khoảng 80%; xây dựng nhà ở khu thấp tầng mới đạt 4% (xây dựng 14/313 căn).

Các dữ liệu trên cho thấy, chủ đầu tư đã thu trọn vẹn “tiền tươi, thóc thật”, không có chuyện nợ đọng dẫn tới khốn đốn.

Vậy cả ngàn tỷ đồng thu về từ bán sạch cả đất nền và hầu hết dự án nhỏ liên quan của Công ty Tân An Huy đã “bốc hơi” đi đâu, để dẫn tới nợ Nhà nước hơn 150 tỷ đồng, trong đó có gần 80 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp?

Số tiền đó đi đâu để dẫn tới tình trạng tại thời điểm thanh tra, Thanh tra TP.HCM phải viết: “Quá trình làm việc với Đoàn Thanh tra, Công ty Tân An Huy không chứng minh được khả năng nộp khoản nợ thuế và khả năng tài chính để tiếp tục thực hiện Dự án”?

Những bí ẩn cần làm rõ

Không chỉ số tiền khủng thu về “bốc hơi” bí ẩn, mà cả lãnh đạo cũ và lãnh đạo mới của Dự án Khu dân cư Tân An Huy hiện cũng như “bức màn”, cần làm rõ.

Theo hồ sơ, Công ty Tân An Huy có “chủ cũ” gồm 3 cổ đông là ông Lê Đình Mạnh (góp vốn 0,5%), Vũ Hoàng Long (góp vốn 0,5%) và ông Lê Anh Tuấn (góp vốn 99%). Ông Lê Anh Tuấn là Tổng Giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty.

Khi cơ quan Thanh tra vào cuộc (tháng 9/2017), thì phát hiện, Công ty không có người đại diện mới theo quy định của pháp luật tới 6 tháng, bởi ông Lê Anh Tuấn đã mất từ tháng 2/2017.

Từ tháng 10/2017, Công ty Tân An Huy đã bổ nhiệm bà Vũ Thanh Thúy làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hồng Anh Tuấn làm Tổng giám đốc. Sau đó, năm 2018, Công ty bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Hải làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hồng Anh Tuấn làm Tổng giám đốc. Tới tháng 1/2020, Công ty bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Thu Hiền làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hồng Anh Tuấn làm Tổng giám đốc. Lần cuối cùng, tháng 12/2020, Công ty bổ nhiệm ông Nguyễn Hồng Hải làm Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Hồng Anh Tuấn làm Tổng giám đốc.

Chúng tôi nêu kỹ tên và thời điểm thay thế như vậy để thấy, tất cả cá nhân làm chủ Công ty Tân An Huy sau thời ông Lê Anh Tuấn đều không có ai là cổ đông sáng lập ban đầu, tức toàn “người lạ” .

Và “chủ mới” Tân An Huy cho rằng, các sai phạm mà thanh tra nêu bao gồm cả nợ đọng là do “chủ cũ”.

Vấn đề đặt ra, tại sao “chủ mới” Công ty Tân An Huy lại dễ dàng chấp nhận thay thế chủ cũ khi phần lớn đất dự án, phần lớn “miếng bánh” đã rơi vào tay “chủ cũ”, để dẫn tới chủ mới phải viết trong thông báo gửi khách hàng: “Việc thay đổi thành viên HĐQT cũng như Ban Tổng giám đốc của Công ty, tình hình sản xuất, kinh doanh của Công ty cũng không được cải thiện và có chiều hướng đi vào bế tắc do những khoản nợ trước đây quá lớn, nguồn tiền ứng cá nhân để đầu tư thì Công ty không thu hồi được. Theo báo cáo kiểm toán từ ngày 1/1/2019 đến ngày 31/12/2019, Công ty có khoản lỗ lũy kế là 206,138 tỷ đồng, khoản lỗ này đã vượt quá vốn chủ sở hữu một khoản là 98,138 tỷ đồng. Đồng thời, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 108,963 tỷ đồng”.

Ngoài đơn vị công ích, liệu có doanh nghiệp nào bỏ tiền túi ra để gánh lấy những hậu quả nhìn thấy rõ như trên để rồi làm điều phi lý gây bức xúc là ép khách hàng đóng thêm tiền để trả nợ thuế thu nhập doanh nghiệp?

Những bí ẩn về số tiền khủng thu về, bí ẩn về thay đổi chủ, cũng như khả năng tài chính nêu trên cần phải làm rõ, để thu hồi tiền về cho Nhà nước, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư, chứ không chỉ dừng ở những chỉ đạo tỏ ra rất “quyết liệt”, nhưng nợ vẫn đọng, dân vẫn khiếu kiện.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phi-ly-den-khong-tuong-o-du-an-khu-dan-cu-tan-an-huy-bai-3-hang-chuc-ty-dong-tien-thue-phai-nop-da-di-dau-a174536.html