Ngân hàng TMCP Quốc dân: Nợ xấu tăng "phi mã", lợi nhuận ở mức “lãi cho có”

Nợ xấu của NCB tăng mạnh trong nửa đầu năm, từ 1.248 tỷ đồng lên gần 4.900 tỷ đồng, tăng lên gấp gần 4 lần. Trong đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) từ hơn 181 tỷ lên hơn 2.626 tỷ đồng, tăng gần 15 lần.

Tỷ lệ nợ xấu lên mức 11%

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quốc dân (NCB; Mã chứng khoán: NVB) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022 đã soát xét. Theo đó, tính đến ngày cuối tháng 6, tổng tài sản của NCB đạt mức 75.469 tỷ đồng, tăng 2,3% so với hồi đầu năm.

Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm 39,2 % xuống còn 1.196 tỷ đồng. Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng tăng mạnh hơn 48%. Tiền gửi của khách hàng giảm 2% so với đầu năm xuống mức 63.203 tỷ đồng.

 

ti-le-no-xau-theo-nhom-1663555120192-1663569389.jpg
Nợ xấu nhóm 4 của NCB đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng nợ xấu.

 

Giữa năm 2022, NCB cho vay khách hàng đạt mức 44.355 tỷ đồng, tăng 2.740 tỷ đồng so với thời điểm 1.1.2022. Để dự phòng rủi do từ việc cho vay, NCB trích lập khoản tiền ở mức 858 tỷ đồng, tăng 167 tỷ so với hồi đầu năm.

Đáng chú ý, về chất lượng cho vay của NCB trong quý 2.2022 có một số vấn đề khiến nhà đầu tư băn khoăn. Theo đó, nợ xấu của ngân hàng tăng mạnh trong nửa đầu năm, từ 1.248 tỷ đồng lên gần 4.900 tỷ đồng, tăng lên gấp gần 4 lần.

Trong đó, nợ nghi ngờ (nhóm 4) từ hơn 181 tỷ lên hơn 2.626 tỷ đồng, tăng gần 15 lần; nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) từ 464 tỷ lên 1.129 tỷ đồng, tăng hơn 2,4 lần. Tỷ lệ nợ xấu của NCB vào thời điểm giữa năm 2022 đã lên mức hơn 11% (đầu năm 3%).

Ngân hàng Nhà nước đặt "ngưỡng trần" nợ xấu các ngân hàng ở mức 3%, nhằm đánh giá chất lượng tài sản. Khi ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu dưới mức này sẽ bị giới hạn hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, như không được mua trái phiếu doanh nghiệp, cấp tín dụng cho khách hàng đầu tư kinh doanh cổ phiếu hay không được mua và nắm giữ cổ phiếu nhà băng khác... Con số kỷ lục của NCB đưa nhà băng này vào danh sách những ngân hàng có nợ xấu cao nhất hệ thống hiện nay.

Lợi nhuận sau thuế giảm 85%

Bức tranh tài chính quý 2 của NCB không mấy khả quan khi nhiều mảng thu nhập chính của ngân hàng giảm.

Theo đó, thu nhập lãi thuần giảm hơn 30%, mang về cho NCB 453 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi do tín dụng giảm 29,2 % xuống 226 tỷ so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, ngân hàng cũng tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên 167 tỷ đồng, gấp hơn 12 lần cùng kỳ năm trước.

ngan-hang-ncb-1663555311172-1663569418.jpeg
NCB có lợi nhuận sau thuế quý 2.2022 ở mức 15 tỷ đồng.

 

Trước bối cảnh nêu trên, tổng lợi nhuận trước thuế trong 6 tháng đầu năm 2022 của NCB chỉ đạt mức khiêm tốn 19 tỷ đồng. Nếu chia bình quân, mỗi tháng doanh nghiệp này chỉ có mức lợi nhuận trước thuế “bọt bèo” hơn 3 tỷ đồng, mức lợi nhuận này có thể nói chỉ là mức “lãi cho có”. Sau thuế, lợi nhuận doanh nghiệp chỉ còn 15 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ.

bu-i-thi-thanh-hu-o-ng-ta-n-ct-1663555737208-1663569441.jpeg
Bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị NCB. (Ảnh: NCB)

Trong Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2022, đơn vị kiểm toán đưa ra một số lưu ý về khoản trích lập dự phòng đối với các khoản cấp tín dụng của NCB cho Công ty Cổ phần tập đoàn FLC và người có liên quan. Về vấn đề này, NCB đã có báo cáo, đề xuất tiến độ trích lập dự phòng gửi các cơ quan có thẩm quyền.

Ngân hàng TMCP Quốc Dân – NCB được thành lập từ năm 1995 theo Giấy phép số 00057/NH–CP ngày 18.9.1995 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dưới tên gọi Ngân hàng Sông Kiên. Sau đó, từ một ngân hàng nông thôn, NCB đã chuyển đổi quy mô thành ngân hàng đô thị, đổi tên thành Ngân hàng TMCP Nam Việt– Navibank. Đến năm 2014, NCB chính thức được đổi tên thành Ngân hàngTMCP Quốc Dân – NCB.

Tại kỳ Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra ngày 29.7.2021, cổ đông NCB đã bầu bổ sung vào Hội đồng quản trị hai “nữ tướng” mới là bà Bùi Thị Thanh Hương và bà Trương Lệ Hiền. Sau đó, NCB đã họp và bầu bà Bùi Thị Thanh Hương vào vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Hiền hiện đang giữ vị trí Thành viên thường trực Hội đồng quản trị.

Kể từ thời điểm có sự thay đổi ở “thượng tầng” tại NCB, điểm qua các kỳ báo cáo cho thấy, bức tranh tài chính của NCB khá ảm đạm. Điển hình như thời điểm kết thúc quý 4.2021, NCB có khoản lỗ sau thuế lên tới 163 tỷ đồng; đến quý 1.2022, NCB có lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức 20 tỷ đồng và đến quý 2.2022 mức lãi sau thuế tiếp tục tụt giảm chỉ còn vỏn vẹn 15 tỷ đồng. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu đã có sự tăng đột biến gấp 3,6 lần so với tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng Nhà nước quy định để đánh giá chất lượng tài sản.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/ngan-hang-tmcp-quoc-dan-no-xau-tang-phi-ma-loi-nhuan-o-muc-lai-cho-co-a174901.html