Cái bắt tay giữa nữ tướng xăng dầu và 'ông trùm' ngành nhựa
Mới đây, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bình Đông, tỉnh Tiền Giang.
Theo đó, nhà đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Bình Đông là Công ty CP Điện mặt trời miền Trung MK (viết tắt là Solar Power MK).
TMD Group và Plaschem Group đang thể hiện tham vọng "chinh phạt" lĩnh vực năng lượng tái tạo. |
Dự án có quy mô sử dụng đất là 211,96 ha tại xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Vốn đầu tư của dự án là 2.428,376 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 365 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm.
Phó thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang hướng dẫn nhà đầu tư quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án, trong đó lưu ý tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện dự án phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai...
Mặt khác, Solar Power MK chỉ được triển khai thực hiện dự án sau khi thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; có trách nhiệm nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng đất trồng lúa...
Gần đây, Solar Power MK nổi lên như một hiện tượng trong cộng đồng doanh nghiệp trong nước. Trước khi được trao chủ trương đầu tư dự án hơn 2.400 tỷ đồng ở Tiền Giang, trong năm nay, Solar Power MK cũng được chính quyền tỉnh Nghệ An tin tưởng, giao cho chủ trương đầu tư một dự án nhà ở xã hội trong Khu công nghiệp Nam Cấm với tổng vốn đầu tư 3.495 tỷ đồng, và hai dự án nhà máy điện mặt trời, lên đến 7.800 tỷ đồng, nằm trên mặt hồ thuộc huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, dưới vai là công ty mẹ của nhà đầu tư.
Trước nữa, hồi năm 2020, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận cho Solar Power MK thực hiện việc khảo sát, nghiên cứu lập dự dự án đầu tư xây dựng dự án nhà máy điện gió Kỳ Anh tại khu vực trên đất liền và trên biển các xã Kỳ Khang, xã Kỳ Phú.
Đây là dự án có 4 nhà máy với tổng công suất 403,2MW, sản lượng điện phát lên lưới của toàn bộ dự án là 1.139 GWh/năm. Tổng mức đầu tư cho dự án này là 16.206,9 tỷ đồng. Dự án đã được Hà Tĩnh đề xuất Bộ Công Thương, Chính phủ xem xét bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh).
Những thành tích trong lĩnh vực năng lượng tái tạo là minh chứng chân thực cho thấy tiềm lực lớn mạnh, và vị thế của doanh nghiệp chưa đầy 3 năm tuổi này. Câu hỏi đặt ra là sự lớn mạnh của DN này đến từ đâu?
Theo tìm hiểu, Solar Power MK phát triển "thần tốc" như vậy, là nhờ sự hậu thuẫn đến từ hai tập đoàn rất có uy thế trên thương trường, đó là Công ty CP Hoá chất nhựa - Plaschem Group của ông Bùi Tố Minh, và Công ty CP Tập đoàn Thiên Minh Đức - TMD Group của nữ tướng Chu Thị Thành, vốn nổi danh trong lĩnh vực xăng dầu trong nước.
Vào ngày 25/9/2019, Solar Power MK "chào đời" với vốn sáng lập 450 tỷ đồng, trong đó Plaschem Group nhận góp 225 tỷ đồng, tương ứng 50% cổ phần; TMD Group góp 45% cổ phần và ông Chu Đăng Khoa, con trai bà Thành góp 5% còn lại. Bà Thành giữ cương vị Chủ tịch hội đồng quản trị doanh nghiệp.
Sang năm 2020-2021, Solar Power MK chứng kiến hai bước tăng vốn, lần lượt lên 650 tỷ đồng và 750 tỷ đồng. Ở lần thay đổi vốn gần nhất (ngày 4/10/2021), Plaschem Group giảm tỷ lệ cổ phần xuống mức 40%, còn hai cổ đông TMD Group và ông Chu Đăng Khoa giữ nguyên tỷ trọng sở hữu.
Nhìn chung, sự xuất hiện của Solar Power MK chính thức đánh dấu cú "bẻ lái" của hai đại gia ngành nhựa, xăng dầu sang một lĩnh vực hoàn toàn mới - năng lượng tái tạo.
Gập ghềnh con đường góp vốn
Có lẽ nhờ vào uy tín, cũng như danh tiếng của hai đại gia hàng đầu cả nước, nên Solar Power MK đã thuyết phục được chính quyền các địa phương trao cơ hội đầu tư loạt dự án lớn, giá trị lên đến cả hàng chục nghìn tỷ đồng, dù nguồn vốn tài chính khá eo hẹp.
Cụ thể, trong năm đầu thành lập (2019), Solar Power MK chứng kiến vốn góp của chủ sở hữu chỉ ở mức 5 tỷ đồng, tổng tài sản lúc này đạt vẻn vẹn chưa tới 10 tỷ đồng.
Đến hết năm 2020, cổ đông Solar Power MK vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn như đăng ký, vốn thực góp khi đó dừng ở mức 82,3 tỷ đồng. Với nợ phải trả 43,4 tỷ đồng, tổng nguồn vốn trong doanh nghiệp đạt 124 tỷ đồng, theo số liệu tại ngày 31/12/2020.
Phải hết năm 2021, nhóm cổ đông Solar Power MK dường như mới thu xếp xong dòng tiền, từ đó nâng nguồn lực nội tại của doanh nghiệp lên 791,3 tỷ đồng. Tuy vậy, phần lớn tài sản lại được đưa ra ngoài doanh nghiệp, với 617 tỷ đồng đang bị các đối tác chiếm dụng, thể hiện qua khoản phải thu về cho vay ngắn hạn (520 tỷ đồng) và phải thu ngắn hạn khác (92,5 tỷ đồng).
Ngày 4/10/2021, TMD Group tăng vốn điều lệ lên 750 tỷ đồng |
Trong khi đó, cho vay ngắn hạn nửa nghìn tỷ đồng, song doanh thu hoạt động tài chính của Solar Power MK chỉ đạt 1,5 tỷ đồng, chưa đủ để trả một nửa số tiền lãi vay (3,4 tỷ đồng) trong năm 2021. Trước đó năm 2020, doanh nghiệp cũng đi vay, với khoản vay dài hạn 31,4 tỷ đồng, tiếp tục tăng lên 36,7 tỷ đồng vào năm 2021.
Doanh nghiệp phân bổ 68 tỷ đồng cho mục đích đầu tư dài hạn vào công ty liên doanh, liên kết. Trong khi đó, Solar Power MK được biết đến rộng rãi là công ty mẹ nắm giữ cổ phần chi phối của hai thành viên là Công ty CP Điện mặt trời Khe Gỗ MK và Công ty CP Điện mặt trời hồ Vực Mấu MK, với số vốn đăng ký thành lập là 600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng, trước thời điểm kết thúc năm 2021.
Đây cũng là các nhà đầu tư từng được UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư 2 dự án nhà máy điện mặt trời với tổng mức đầu tư 7.800 tỷ đồng hồi tháng 3/2022 gây xôn xao dư luận địa phương, như đã đề cập phía trên.
Sau lần bắt tay ở Công ty MK, Plaschem Group và TMD Group đã sớm có thêm một thành quả hợp tác nữa, trọng tâm hướng đến lĩnh vực bất động sản tiềm năng, dưới cái tên Công ty CP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Hà Nam, ra đời tháng 6/2020, với vốn điều lệ 475 tỷ đồng.
Những khoản nợ lớn củaTMD Group
Thời gian qua, TMD Group liên tục mở rộng quy mô kinh doanh, trở thành tập đoàn đa ngành, đa lĩnh vực trong và ngoài nước. Giờ đây TMD Group không chỉ là một thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu ở Nghệ An, mà đã vươn lên thành "ông lớn" với hệ thống đơn vị thành viên bao phủ khắp cả nước, hoạt động trong các mảng quan trọng như logistic, vận tải, khách sạn, nông trại, sản xuất giấy, bao bì, bất động sản và năng lượng tái tạo.
Để có thể phát triển với tốc độ nhanh là vậy, TMD Group buộc phải huy động một số vốn khổng lồ. Điều này phần nào lý giải tình trạng nợ của TMD Group tăng vọt những năm gần đây, chẳng hạn tổng nợ năm 2017 chỉ ở ngưỡng 1.735 tỷ đồng (cao gấp 8 lần vốn chủ sở hữu), nhưng đến năm 2021 đã nhảy vượt lên 9.583 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi so với năm trước, và gấp 9,58 lần vốn chủ sở hữu (999,6 tỷ đồng).
Trong các khoản nợ, thông thường được chia làm nợ thương mại và nợ vay tài chính. Nợ thương mại hình thành giữa doanh nghiệp và nhà cung cấp, đối tác, khách hàng, với đặc điểm là doanh nghiệp không phải chịu chi phí tài chính phát sinh.
Ngược lại, nợ vay tài chính gây ra nhiều rủi ro với doanh nghiệp, nếu sử dụng tỷ trọng nợ cao sẽ gây áp lực tài chính lớn, gánh nặng lãi vay. Ở TMD Group, dư nợ vay từng có thời điểm cao gấp 3,18 lần vốn chủ sở hữu, như tình trạng của ngày 31/12/2019, với 935 tỷ đồng vay ngắn hạn và 794,8 vay dài hạn, trong khi vốn chủ sở hữu bị "ăn mòn" bởi khoản lỗ lũy kế 329 tỷ đồng, xuống còn 542,8 tỷ đồng.
Tình hình kinh doanh không mấy khởi sắc của TMD Group |
Thông qua cách rót thêm vốn điều lệ, từ 872 tỷ đồng (2019) lên 1.470,8 tỷ đồng (2021), tỷ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của TMD Group trong ngày 31/12/2021 cải thiện hơn, giảm xuống 2,58 lần, bất chấp tổng nợ vay chưa thể thoát khỏi chiều hướng "phình to", lên đến 2.580 tỷ đồng.
Hệ quả là trong năm 2021, TMD Group mất 129,5 tỷ đồng cho chi phí tài chính, con số này cao hơn 2,3 lần năm trước đó.
Trên thực tế, chuyện vay nợ trong quá trình mở rộng, phát triển kinh doanh với các doanh nghiệp là điều bình thường, đặc biệt với các doanh nghiệp đang hoạt động ổn định, tạo ra lợi nhuận khả quan, hiệu quả. Nhưng với trường hợp TMD Group lại khác, tình hình làm ăn đang không mấy thuận lợi, các chỉ số kinh doanh trở nên kém sắc, làm gia tăng áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
Suốt giai đoạn 2016-2019, TMD Group không hề có lãi. Năm 2019, doanh nghiệp thua lỗ nặng nề nhất với 302 tỷ đồng, gấp đôi mức lỗ của năm trước. Trong khi đó, doanh thu thuần dưới sự điều hành của bà Chu Thị Thành, liên tiếp tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm, ví dụ năm 2018 tăng gấp 2,8 lần cùng kỳ, đạt trên 6.175 tỷ đồng; năm 2019 tiếp tục tăng 60% lên 9.837 tỷ đồng... Đến cuối năm 2021, doanh thu cán đích hơn 11.000 tỷ đồng.
Hai năm gần đây (2020-2021), tuy TMD Group đã cải thiện tình cảnh "càng làm càng lỗ", song những ảnh hưởng sâu sắc của giai đoạn trước vẫn làm cho mức lợi nhuận vài chục tỷ đồng/năm hoàn toàn bị lu mờ. Cuối năm 2021, doanh nghiệp lỗ lũy kế 471 tỷ đồng.
Tình hình tài chính ở Plaschem đỡ căng thẳng hơn TMD Group, doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực sản xuất nhựa, từng sở hữu 5 bộ dây chuyền sản xuất tổng công suất vận hành đến cuối năm 2015 đạt khoảng 20.000 tấn/năm, chiếm khoảng 48-50% tổng sản lượng cả nước, đang có 2.151 tỷ đồng nợ phải trả, cao hơn 15% vốn chủ sở hữu là 1.863 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2021.
Doanh thu của Plaschem các năm qua trong xu thế suy giảm, tuy nhiên vẫn giữ ở ngưỡng ấn tượng với vài nghìn tỷ đồng/năm. Điểm sáng là biên lãi thuần khá tốt, có năm 2020 đạt 14,6%, giúp doanh nghiệp thu lãi 445 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/gap-ghenh-duong-gop-von-vao-solar-power-mk-cua-dai-gia-chu-thi-thanh-va-bui-to-minh-a174992.html