Chuyên gia World Bank chỉ ra động lực tăng trưởng bền vững cho Việt Nam

Theo chuyên gia World Bank, kinh tế xanh và kinh tế số là những động lực tăng trưởng bền vững cho kinh tế Việt Nam giữa bối cảnh nhiều biến động.

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia kinh tế trưởng World Bank (Ngân hàng Thế giới) tại Việt Nam, đánh giá, trong khi các nước trên thế giới đang dấy lên nỗi quan ngại về tình hình lạm phát, Việt Nam vẫn đang thực hiện linh hoạt các chính sách kinh tế, kìm hãm tốt lạm phát.

Tỷ lệ lạm phát của Việt Nam ở mức thấp so với thế giới. GDP tăng trưởng ở mức khả quan, đặc biệt, cơ cấu kinh tế tương đối hợp lý, tỷ lệ đóng góp của khối ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế là khá lớn, và không ngừng tăng nhanh trong thời gian gần đây.

Trong quý II/2022, khối ngành công nghiệp và dịch vụ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó, ngành kinh doanh nhà hàng, khách sạn có bước tăng trưởng nhảy vọt.

“Điều này cho thấy, nền tảng kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng qua hơn hai năm đại dịch, và những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất cũng đang có được đà hồi phục ấn tượng”, ông Andrea Coppola nhận định tại Diễn đàn kinh tế – xã hội Việt Nam 2022 mới đây.

Việt Nam đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa mang tính hỗ trợ, chính sách tiền tệ linh hoạt và hệ thống ngân hàng được tăng cường.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng World Bank, để đạt được mục tiêu đó, Việt Nam cần đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tích lũy, đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.

a
Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Andrea Coppola.

Hiện tại, chính sách quản trị nguồn lực của Việt Nam đang xoay quanh nguồn vốn sản xuất và vốn con người. Trong đó, phát triển doanh nghiệp theo hướng năng động, xây dựng hạ tầng đảm bảo hiệu suất hướng đến tích lũy và phát huy vốn sản xuất; cùng với tích cực nâng cao kỹ năng của người lao động, mở rộng cơ hội việc làm cho mọi người, hướng đến làm giàu thêm vốn con người.

Để đạt được bước đột phá, hướng đến phát triển bền vững, vị chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần nhận thức rõ và chú trọng vào vốn thiên nhiên, hướng đến tăng trưởng xanh. Đồng thời, Việt Nam cần kịp thời nhập cuộc, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số để nhanh chóng tăng năng suất.

Xây dựng nền kinh tế xanh, hướng tới tăng trưởng xanh

Về việc xây dựng nền kinh tế xanh, hướng tới tăng trưởng xanh, ông Andrea Coppola cho rằng, các nhiệm vụ cần đặt ra là nâng cao khả năng chống chịu, giảm thải carbon, đảm bảo hiệu suất sử dụng tài nguyên.

Đối với việc nâng cao khả năng chống chịu, ông cho rằng, Việt Nam cần định hướng ngăn chặn sụt lún đất và xâm mặn, chỉnh trang cơ sở vật chất hiện có để ứng phó ngập lụt tốt hơn, sửa đổi Luật Đất đai để hạn chế tiếp tục xâm phạm thảm thực vật, tăng cường Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khuyến khích sử dụng trái phiếu xanh để huy động tài chính cho các dự án mới.

Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, cần đầu tư tổng hợp thích ứng khí hậu cho các trung tâm đô thị chính & hạ tầng kết nối vùng duyên hải, với các mục tiêu nâng cấp tài sản đường bộ và điện lực theo các tiêu chuẩn chống chịu khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu, bao gồm ở cả các khu công nghiệp, đầu tư công nghệ số cho hệ thống cảnh báo sớm, giới thiệu các công cụ bảo hiểm và tự bảo hiểm rủi ro, tăng cường thực thi hiệu lực chính sách và quy hoạch sử dụng đất.

a 1
Khuyến nghị từ đại diện World Bank.

Hướng đến mục tiêu giảm thải carbon, vị chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần cải thiện khung pháp quy, giới thiệu các thỏa thuận mua năng lượng khả thi về tài chính, đảm bảo đầu tư cho năng lực lưới điện, điều chỉnh chính sách giá hiệu quả, theo dõi dấu ấn carbon tại các doanh nghiệp tư nhân lớn.

Các biện pháp thiết thực và khả thi này sẽ giúp đẩy nhanh chuyển đổi sang năng lượng sạch, ông Andrea Coppola phân tích.

Việt Nam cũng cần giảm phụ thuộc vào than, giảm sử dụng đầu vào gây ô nhiễm và giảm đốt rác thải, áp dụng chuẩn mực chặt chẽ hơn về khí thải xe cơ giới, cải thiện giao thông công cộng.

Không chỉ vậy, Việt Nam nên thiết lập một khế ước xã hội mới để bảo vệ người dân có nguy cơ dễ tổn thương nhất, mở rộng quy mô mạng lưới an sinh xã hội, đầu tư tăng cường kỹ năng người lao động, cải cách giáo dục đào tạo hướng đến các ngành công nghiệp xanh, nâng cao nhận thức và kêu gọi hành động từ phía người dân.

Chuyên gia World Bank chỉ ra động lực tăng trưởng bền vững cho Việt Nam 2
Khuyến nghị lộ trình giảm thải carbon.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tăng cường đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất

Đối với việc chuyển đổi số nhằm tăng cường đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất, đại diện World Bank tại Việt Nam lưu ý chuyển đổi số cần xoay quanh việc xây dựng các nền tảng dữ liệu tối ưu, nâng cao kỹ năng số cho đại đa số dân cư, đặc biệt là người lao động, xây dựng những doanh nghiệp số hoạt động hiệu quả.

Trong đó, việc nâng cao kỹ năng số cho người lao động là công tác quan trọng, vì nhân lực số, những người sử dụng thành thạo, sáng tạo các phương tiện số, hòa nhập và tham gia tích cực vào vận hành công việc trên không gian số chính là nền tảng tối quan trọng, quyết định mức độ phát triển của nền kinh tế số.

Theo ông, Việt Nam cần xây dựng lộ trình về kỹ năng số của quốc gia, khuyến khích đầu tư cho chất lượng giáo dục, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp và người lao động để có được những kỹ năng mới.

Việt Nam cũng nên khuyến khích hạ tầng số (5G) năng lực cao, xử lý những thách thức về pháp lý, kỹ thuật và thể chế trong chia sẻ dữ liệu, tăng cường môi trường thuận lợi và đảm bảo an toàn trong không gian mạng.

Ngoài ra, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp số phát triển, vị chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần hoàn thiện thể chế theo hướng giảm rào cản gia nhập để ủng hộ cạnh tranh, mở rộng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ số và ứng dụng công nghệ, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý phục vụ các hoạt động công nghệ tài chính (fintech).

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chuyen-gia-world-bank-chi-ra-dong-luc-tang-truong-ben-vung-cho-viet-nam-a175237.html