Thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, ngày 8.9, Tổng cục Ngoại Thương Ấn Độ ban hành thông báo, quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm, mã HS 1006 4.000, có hiệu lực kể từ ngày 9.9.2022. Nguyên nhân Ấn Độ hạn chế xuất khẩu là do hạn hán, mất mùa có thể ảnh hưởng đến an ninh lương thực nội địa.
Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo tấm, nhiều chuyên gia cho rằng sẽ tạo động lực giúp gạo Việt Nam tăng cả lượng, giá trị trong năm 2022. Đây là cơ hội chưa từng có để đưa giá gạo xuất khẩu của Việt Nam vươn lên dẫn đầu thế giới.
Trao đổi với Lao Động, TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương - cho rằng chính sách cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ tạo ra lợi thế cho Việt Nam. "Doanh nghiệp Việt Nam cần hợp tác chặt chẽ với các công ty Ấn Độ để xác định xu hướng, nhu cầu thị trường nhằm mở rộng xuất khẩu" - ông khẳng định.
Trong khi đó, dữ liệu từ Statista cho thấy Thái Lan sản xuất 21,4 triệu tấn gạo vào năm 2021, tăng 2,18 triệu tấn so với năm trước.
Khảo sát tại các sàn giao dịch lớn cho thấy, giá chào bán gạo xuất khẩu Việt Nam đang ở đà tăng mạnh. Ngày 15.9, giá gạo 5% tấm được chào bán ở mức 400 USD/tấn, tăng 7 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 25% tấm và 100% tấm giữ ổn định ở mức 378 USD/tấn và 383 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước cũng ghi nhận giá các mặt hàng gạo nguyên liệu, thành phẩm tiếp tục tăng. Cụ thể, ngày 15.9, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang ở mức 8.250 - 8.300 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 8.850 - 8.900 đồng/kg, tăng 50 - 100 đồng/kg. Giá tấm ở mức 8.400 - 8.500 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg, giá cám khô 7.750 - 7.850 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg. Chia sẻ về tình hình mua, bán gạo những ngày gần đây, ông Phan Văn Có - Giám đốc Công ty TNHH Vrice Group - cho hay, hiện tại, giá gạo trong nước đang được thu mua tăng từ 200 - 300 đồng/kg so với 1 tuần trước đó. Với đơn hàng mới, hiện doanh nghiệp đang tạm ngưng ký thêm các hợp đồng gạo trắng và tấm do giá đang lên, khả năng 5 - 7 ngày tới, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ chào bán tăng 15 - 20 USD/tấn.
Theo đánh giá của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện, Việt Nam vẫn đứng sau Ấn Độ và Thái Lan về xuất khẩu gạo sang các thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn cung ở các nước này đang thiếu hụt hơn so với Việt Nam và gạo Việt Nam ngày càng có lợi thế cạnh tranh hơn so với đối thủ Thái Lan. Nhiều thương nhân Thái cũng đang lo ngại trước sức cạnh tranh của gạo Việt khiến Thái Lan có thể bị mất thị phần.
Ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho Lao Động biết, Ấn Độ đang xuất khẩu gạo tới hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Do đó, sự sụt giảm lượng gạo xuất khẩu từ quốc gia này sẽ làm tăng áp lực lên giá lương thực vốn đang có xu hướng tăng trên thế giới do hạn hán và ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine.
Bày tỏ sự lạc quan về thị trường lúa, gạo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, giá lúa trong nước đang tăng là điều đáng mừng cho người nông dân, bởi vụ Hè thu, giá lúa thấp, bà con bị lỗ nên rất cần giá lúa lên.
Khi giá lúa tốt hơn sẽ tạo động lực để người nông dân đầu tư cho vụ Đông Xuân 2022 -2023 sắp tới cũng là vụ lúa chính trong năm. Giá lúa gạo tăng cũng giúp Việt Nam sớm đạt mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2022 sản lượng 6,3 tấn, trị giá 3,3 tỉ USD.
Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 4,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,33 tỉ USD, tăng 20,7% về lượng và tăng 9,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Dự báo đến tháng 10, khi các nước đã thu hoạch xong vụ lúa, chính phủ nhiều nước sẽ nhập khẩu gạo trở lại, khi đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng bắt đầu thu hoạch lúa Thu Đông, chất lượng gạo tốt cộng với nhu cầu thị trường mạnh sẽ giúp giá lúa gạo tăng lên.
Gạo Việt Nam đã tìm được chỗ đứng ở các thị trường mới, cao cấp như: Mỹ, Châu Âu... Đặc biệt, Nhật Bản đã nhập khẩu 100 tấn gạo ST25 đầu tiên của Việt Nam để bán tại các siêu thị, cửa hàng... Trong khi đó, nguồn cung lúa mì, ngũ cốc trên thế giới đang khan hiếm nên nhu cầu nhập khẩu gạo từ Việt Nam trên thị trường rất cao.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/co-hoi-cho-xuat-khau-gao-viet-dung-dau-the-gioi-a175471.html