Chứng khoán toàn cầu sụt điểm trước khi Fed công bố quyết định lãi suất, giá dầu giảm mạnh

Các hợp đồng lãi suất tương lai ở Phố Wall đang phản ánh khả năng 81% Fed áp dụng bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này...

chung-khoan-my-1663726523.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

Thị trường chứng khoán thế giới, trong đó có Mỹ, giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (20/9), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng lên mức cao nhất 15 năm và nhà đầu tư chuẩn bị tinh thần đón nhận mức tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá dầu thô cũng giảm mạnh khi bị chi phối bởi nỗi lo về nguy cơ suy thoái kinh tế gây suy giảm nhu câu tiêu thụ năng lượng.

Fed đã khởi động cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài 2 ngày và cuộc họp này sẽ kết thúc vào khoảng đầu giờ chiều ngày thứ Tư theo giờ Mỹ, tức rạng sáng ngày thứ Năm theo giờ Việt Nam. Các hợp đồng lãi suất tương lai ở Phố Wall đang phản ánh khả năng 81% Fed áp dụng bước nhảy lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong lần họp này. Khả năng tăng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm là 19%.

Loạt ngân hàng trung ương khác, gồm Anh, Na Uy, Thuỵ Sỹ và Nhật Bản cũng sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ trong tuần này, trong bối cảnh thế giới “chạy đua” thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát.

Ngày thứ Ba, Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển nâng lãi suất tròn 1 điểm phần trăm - một bước nhảy nằm ngoài dự báo – lên mức 1,75%, đồng thời cảnh báo lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong vòng 6 tháng tới.

Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) giữ nguyên lãi suất cơ bản trong bối cảnh Bắc Kinh cố gắng cân bằng giữa một bên là vực dậy tăng trưởng kinh tế đang suy yếu và một bên là bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ đang giảm mạnh so với USD.

Phản ánh kỳ vọng lãi suất tăng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm, có lúc đạt 3,992% trong phiên ngày thứ Ba. Lần gần đây nhất lợi suất của kỳ hạn này vượt 4% là vào tháng 10/2007 – theo hãng tin Reuters.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm nhảy vọt qua mức 3,6% trước khi rút về mức 3,569%. Hôm thứ Hai, lợi suất của kỳ hạn này lần đầu tiên trong 11 năm vượt mốc 3,5%.

Fed và các ngân hàng trung ương khác đang ra sức thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, nhưng nhà đầu tư cũng lo ngại về “tác dụng phụ” của việc nâng lãi suất này đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo Reuters, giới đầu tư ở Phố Wall đang không muốn xuống tiền trước khi quyết định lãi suất của Fed được công bố.

“Nhà đầu tư đang bán trước khi Fed họp xong. Tất cả những yếu tố tiêu cực bị phớt lờ trước đây giờ đang quay lại. Mọi người cảm thấy bi quan”, CEO Jake Dollarhide của công ty quản lý tài sản Longbow Asset Management nhận định.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 313,45 điểm, tương đương giảm 1,01%, còn 30.706,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tụt 1,13%, còn 3.855,93 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 0,95%, còn 11.425,05 điểm.

Tại châu Âu, chỉ số Stoxx 600 của chứng khoán khu vực mất 1,09% điểm số. MSCI All Country World Index - thước đo của chứng khoán toàn cầu - sụt 0,85%.

Đồng USD vững giá, giao dịch gần mức cao nhất 2 thập kỷ, nhờ kỳ vọng của nhà đầu tư rằng Fed sẽ tiếp tục tăng mạnh lãi suất. Chỉ số Dollar Index đạt 110,13 điểm vào cuối phiên, cách không xa mức cao nhất 20 năm là 110,79 điểm thiết lập vào tuần trước.

Nỗi lo lãi suất tăng, nguy cơ suy thoái và đồng USD mạnh cùng lúc gây áp lực giảm lên giá dầu, khiến giá “vàng đen” tụt mạnh. Dù vậy, nỗi lo về sự thắt chặt nguồn cung vẫn giữ vai trò nhân tố hỗ trợ, kiềm chế bớt mức giảm của giá dầu.

Một tài liệu từ OPEC+ cho thấy sản lượng khai thác dầu thực tế của khối trong tháng 8 ít hơn 3,58 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra. Con số này tương đương 3,5% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số nước ngoài khối gồm Nga.

“Thị trường dầu đang bị kẹt giữa những yếu tố trái chiều”, nhà phân tích Giovanni Staunovo của ngân hàng UBS nhận định.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London hạ 1,38 USD/thùng, tương đương giảm 1,5%, còn 90,62 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,28 USD/thùng, tương đương giảm 1,49%, còn 84,45 USD/thùng.

Cả giá dầu WTI và Brent đang tiến tới hoàn tất quý giảm mạnh nhất tính theo phần trăm kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu. Hồi tháng 3, giá dầu Brent đạt 139 USD/thùng, cao nhất kể từ năm 2008.

“Đồng USD và Fed đang là nhân tố chi phối chính. Họ sẽ ‘tiêu diệt’ nhu cầu đối với bất kỳ thứ gì gây lạm phát”, chuyên gia Robert Yawger của ngân hàng Mizuho nói với Reuters.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-toan-cau-sut-diem-truoc-khi-fed-cong-bo-quyet-dinh-lai-suat-gia-dau-giam-manh-a175481.html