Quỹ đầu tư chủ động thắng thế trong 8 tháng đầu năm

Giữa lúc thị trường hồi phục mạnh trong tháng 8/2022, các quỹ đầu tư đều ghi nhận thành quả tích cực, nhưng phần lớn các quỹ đều có thành tích tệ hơn VN-Index. Tuy nhiên, nếu xét trong 8 tháng đầu năm, nhiều quỹ đầu tư chủ động đang có thành tích tốt hơn thị trường trong 8 tháng đầu năm.

Trong tháng 8, chứng khoán Việt Nam hồi phục trở lại sau nhiều tháng biến động mạnh, với VN-Index tăng 6.15% và lọt top các chỉ số tăng mạnh nhất thế giới. Hầu hết các tổ chức lớn trên thị trường đều đã ghi nhận hiệu suất đầu tư dương, nhưng chỉ có một vài quỹ đầu tư chiến thắng VN-Index như DCVFM VNDiamond ETF, Lion Global Vietnam Fund, VEIL Dragon Capital và DCDS.

Trong đó, DCVFM VNDiamond ETF – quỹ ETF dựa trên chỉ số bao gồm các cổ phiếu kín room ngoại tại Việt Nam – có hiệu suất cao nhất trong tháng 8/2022, với hơn 7%. Cổ phiếu MWG đóng góp nhiều nhất vào hiệu suất của quỹ.

Kế đó là Lion Global Vietnam Fund, VEIL Dragon Capital và DCDS với hiệu suất tương ứng 6.83%, 6.6% và 6.34% trong tháng 8 vừa qua. Đó là nhờ việc duy trì tỷ trọng cổ phiếu cao trong bối cảnh thị trường chứng khoán hồi phục.

Ở chiều ngược lại, nhiều quỹ đầu tư đang có thành tích tệ hơn so với VN-Index. Chẳng hạn như quỹ đầu tư nổi tiếng đến từ Phần Lan, PYN Elite có thành tích khá khiêm tốn trong tháng 8/2022, với hiệu suất chưa tới 2%.

Hai quỹ ETF nước ngoài là FTSE ETF và VNM ETF cũng có thành tích thấp hơn Index, với hiệu suất tương ứng 4.43% và 3.4%.

Trong khi đó, Passion Investment lãi 4.43% trong tháng 8/2022 nhờ đầu tư với quan điểm thị trường có sóng hồi. Tuy nhiên, dường như công ty đầu tư này đã chốt lời và trở lại với tiền gửi tiết kiệm trong những tuần đầu tháng 9.

Nhiều quỹ đầu tư chủ động lỗ ít hơn VN-Index trong 8 tháng đầu năm

Nhìn qua gương chiếu hậu, trong 8 tháng đầu năm, các quỹ đầu tư đều có hiệu suất âm, nhưng so với đà giảm của VN-Index, nhiều quỹ đầu tư chủ động có thành tích tốt hơn.

Chẳng hạn, VLGF SSIAM với hiệu suất gần -3% trong 8 tháng đầu năm. Kế đó là Passion Investment với hiệu suất -3% nhờ chuyển đổi danh mục theo hướng phòng thủ, gửi tiền tiết kiệm và thoát được cú sụp mạnh trong tháng 4-5/2022.

Ngoài ra, các quỹ KIM Vietnam Growth, CBTC Vietnam Equity Fund, Vietnam Holding và Lion Global Vietnam Fund đều có thành tích đỡ tệ hại hơn VN-Index (-14.5%). Quỹ nổi tiếng từ Phần Lan, Pyn Elite đang thua lỗ 17.8% trong 8 tháng đầu năm, nhưng người đứng đầu vẫn luôn tỏ ra lạc quan về triển vọng thị trường chứng khoán Việt.

Trong khi đó, các quỹ ETF đang có hiệu suất tệ hơn VN-Index, với VNM ETF và FTSE Vietnam ETF đều lỗ trên 25% từ đầu năm và đang ở cuối bảng xếp hạng hiệu suất 8 tháng đầu năm. Quỹ SSIAM VNFinLead ETF cũng đang lỗ nặng…

Giai đoạn thử thách của chứng khoán Việt

Hiện tại môi trường toàn cầu đang chịu nhiều áp lực từ chính sách tiền tệ thắt chặt từ các NHTW trên thế giới cùng với sự suy giảm trong tăng trưởng của doanh nghiệp. SGI Capital nhận định đây là giai đoạn xảy ra đồng thời với cả hai tác động tiêu cực: Thắt chặt dòng tiền vào tài sản rủi ro và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp điều chỉnh giảm gây áp lực lên định giá và giá cổ phiếu.

Dữ liệu lịch sử của các gói nới lỏng định lượng (QE) và thắt chặt định lượng (QT) cho thấy tác động cùng chiều của tăng/giảm bảng cân đối của Fed đến dòng tiền chảy vào ba thị trường lớn là tín dụng, trái phiếu và chứng khoán. Đây sẽ là bài toán thử thách lớn nhất cho thị trường chứng khoán toàn cầu trong những tháng còn lại của năm 2022. Sự sụt giảm, nếu xảy ra trong giai đoạn này, có thể là nhịp giảm đồng pha cuối cùng trước khi tạo phân hoá theo sức mạnh vĩ mô của từng quốc gia.

Theo SGI Capital, kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi khả quan dựa trên yếu tố nội tại khi sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, xuất nhập khẩu và cân đối ngân sách duy trì tích cực. Quý 3 có thể tăng trưởng mạnh trên nền so sánh với nền thấp của năm 2021, nhưng SGI Capital cho rằng vẫn cần quan sát các tác động tiêu cực từ bên ngoài như tỷ giá và nhu cầu suy giảm lên nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước.

“Giai đoạn tháng 9 và 10/2022 có thể là thuốc thử mạnh với thị trường chứng khoán Việt Nam khi đối mặt với rủi ro đến từ thị trường tài chính toàn cầu khi Fed tăng gấp 2 quy mô hút tiền”, SGI Capital cho biết.

Ngoài ra, áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong bối cảnh việc nới room sẽ được thực hiện thận trọng, lãi suất tiếp tục tăng và áp lực chốt lời của nhiều nhóm cổ phiếu đã tăng mạnh cũng sẽ ảnh hưởng đến thị trường.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/quy-dau-tu-chu-dong-thang-the-trong-8-thang-dau-nam-a175502.html