Tập trung giải quyết vướng mắc cho các dự án trọng điểm

Là tỉnh nằm ở cực Bắc của khu vực Bắc Trung bộ, trong những năm qua tỉnh Thanh Hóa đã thay da, đổi thịt và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương và sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh trong việc thu hút và huy động các nguồn lực cho đầu tư, nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng đã hoàn thành, đưa vào hoạt động tạo động lực thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển.

chu-tich-ubnd-tinh-cung-cac-thanh-vien-trong-doan-cong-tac-kiem-tra-ban-do-quy-hoach-du-an-quang-truong-bien-1663733170.jpg
Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên trong đoàn công tác kiểm tra bản đồ quy hoạch dự án Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội và các dự án đối ứng tại TP Sầm Sơn. Ảnh: Phong Sắc

Vai trò, vị thế và uy tín ngày càng được nâng cao, từng bước hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai các dự án trọng điểm vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, tập trung giải quyết vướng mắc cho các dự án trọng điểm của tỉnh, cũng chính là tháo gỡ nút thắt quan trọng để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn nữa trong giai đoạn tới.

***

Huy động, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho phát triển là một nhiệm vụ quan trọng để đưa nền kinh tế của tỉnh bước vào giai đoạn mới với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững. Vì vậy, cùng với huy động các nguồn lực, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án đầu tư lớn, trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong những năm qua luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh xác định là một nhiệm vụ quan trọng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp cả trước mắt và lâu dài đã được ban hành, tổ chức thực hiện, như: (i) Phân công, giao nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương chịu trách nhiệm đầu mối, theo dõi dự án; phân công các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo tiến độ thực hiện của từng dự án lớn, trọng điểm; (ii) Thường xuyên đi kiểm tra thực tế, làm việc với các chủ đầu tư/nhà đầu tư để giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện; (iii) Tổ chức hội nghị giao ban đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư; (iv) Thành lập ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng cấp tỉnh; giao chỉ tiêu diện tích giải phóng mặt bằng hằng năm đến từng dự án và yêu cầu UBND cấp huyện tổ chức ký cam kết về tiến độ giải phóng mặt bằng với các chủ đầu tư; (v) Ban hành các văn bản chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng của dự án...

Từ các giải pháp chỉ đạo điều hành nêu trên, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền, các nhà đầu tư, đến nay nhiều dự án quan trọng, quy mô lớn, có sức lan tỏa rộng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư như: tuyến nối các huyện ở Tây Thanh Hóa; Đại lộ Nam sông Mã (giai đoạn 1); đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; Dự án Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn; Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, 2; Dự án xi măng Long Sơn; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn; khu đô thị mới phường Điện Biên, TP Thanh Hóa (Tập đoàn Vingroup); Cảng container Long Sơn; Nhà máy luyện cán thép Nghi Sơn (giai đoạn 1); Dự án chăn nuôi bò sữa (Vinamilk), TH True Milk; nhà máy sản xuất sợi dệt kết hợp phát triển vùng nguyên liệu cây gai xanh. Đồng thời, nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng đang được triển khai thực hiện như: tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam; tuyến đường bộ ven biển; dây chuyền 4 - Nhà máy Xi măng Long Sơn; Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn, Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa, Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa... Kết quả đầu tư này đã góp phần tạo ra bước đột phá về tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) giai đoạn 2016 - 2020 đạt 11,3%, trong nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,85%, đứng thứ 5 cả nước; 6 tháng đầu năm 2022 ước đạt 13,41% đứng thứ 3 cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: (i) Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; giá nguyên vật liệu đầu vào liên tục tăng trong những tháng đầu năm 2022 và duy trì ở mức cao; nguồn cung cấp vật liệu san lấp cho các dự án khan hiếm; (ii) Việc lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu chức năng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại các địa phương còn chậm; (iii) Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do thiếu hồ sơ minh chứng, dữ liệu xác định nguồn gốc đất; việc đầu tư xây dựng một số khu tái định còn chậm dẫn đến không có đất để bố trí tái định cư; (iv) Trách nhiệm của một số chủ đầu tư/nhà đầu tư chưa cao, năng lực tài chính còn hạn chế, chưa tập trung bố trí máy móc, thiết bị, nhân lực để triển khai thực hiện dự án; (v) Một số chính quyền địa phương trách nhiệm chưa cao, chưa quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ, chưa tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng triển khai thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh. Vì vậy, để đầu tư phát triển thực sự là cú hích cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung tháo gỡ, giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, phấn đấu đến năm 2025 đưa Thanh Hóa trong nhóm các tỉnh thành phố dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc. Trong đó cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Một là, nâng cao tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện của các cấp chính quyền. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị và chủ đầu tư phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh của từng dự án. Trước mắt, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án do việc tăng giá vật liệu xây dựng và khan hiếm nguồn cung vật liệu san lấp.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và trình duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết trong Khu Kinh tế Nghi Sơn; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các huyện, thị xã, thành phố; điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện; kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2025 cấp tỉnh. Sớm hoàn thành phê duyệt Đề án quản lý và khai thác quỹ đất hai bên các tuyến đường lớn làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư.

Ba là, tập trung giải quyết các nút thắt trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký cam kết tiến độ bàn giao mặt bằng giữa UBND các huyện, thị xã, thành phố với các chủ đầu tư, gắn trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu chính quyền các cấp với kết quả giải phóng mặt bằng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách về đất đai, bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước và doanh nghiệp thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Bốn là, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kịp thời hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư; duy trì đối thoại với doanh nghiệp định kỳ hằng tháng, thực hiện nghiêm việc tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để kịp thời xử lý theo thẩm quyền những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp, nhất là các vấn đề liên quan đến mặt bằng, điện, nước, hạ tầng kỹ thuật đấu nối... Tổ chức hoạt động có hiệu quả tổ công tác rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn tỉnh; rà soát, kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng...

Năm là, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; tổ chức giao ban định kỳ giữa tổ công tác với các chủ đầu tư, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong công tác triển khai thực hiện dự án. Tập trung đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị tư vấn, nhà thầu và các đơn vị liên quan trong việc huy động thiết bị, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ lập và trình duyệt dự án đầu tư, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công. Chủ động, linh hoạt trong việc điều chỉnh kế hoạch vốn; kiên quyết cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư đối với các chủ đầu tư chậm giải ngân, có tỷ lệ giải ngân thấp để chuyển sang ưu tiên bố trí cho các dự án có khả năng giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn.

Sáu là, đổi mới mạnh mẽ phương thức chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, tăng cường trách nhiệm và đạo đức trong thực thi công vụ; kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật, cố tình cản trở, gây khó khăn, làm chậm tiến độ thực hiện của các dự án.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tap-trung-giai-quyet-vuong-mac-cho-cac-du-an-trong-diem-a175537.html