Lãi suất tăng, cổ phiếu bảo hiểm thăng hoa

Thị trường có tín hiệu suy yếu trong phiên sáng nay khi nhà đầu tư cố gắng “tiêu hóa” thông tin tăng lãi suất chiều qua. Số cổ phiếu giảm giá đang dần áp đảo và các chỉ số giảm. Tuy nhiên đà tăng giá lại nổi bật ở nhóm cổ phiếu bảo hiểm, những mã được cho là hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng cao...

co-phieu-bao-hiem-1663916152.png Cổ phiếu bảo hiểm tăng nổi bật trong nhóm tài chính.

 

Thị trường có tín hiệu suy yếu trong phiên sáng nay khi nhà đầu tư cố gắng “tiêu hóa” thông tin tăng lãi suất chiều qua. Số cổ phiếu giảm giá đang dần áp đảo và các chỉ số giảm. Tuy nhiên đà tăng giá lại nổi bật ở nhóm cổ phiếu bảo hiểm, những mã được cho là hưởng lợi từ môi trường lãi suất tăng cao.

Hiện trên các sàn có khoảng 12 mã bảo hiểm thì tới 10 mã tăng giá mà cổ phiếu tăng yếu nhất là ABI cũng tới +2,65%. BMI và MIG đang tăng kịch trần với dư mua trần khá lớn.

Hầu hết cổ phiếu bảo hiểm đều tăng giá ngay lập tức khi thị trường mở cửa, nhưng dòng tiền đổ vào nhóm này có khác nhau. BVH là blue-chips được chú ý nhất, thanh khoản vượt trội với 3,41 triệu cổ, tương đương 197,9 tỷ đồng khớp lệnh. Khoảng 10h30 BVH được đẩn tăng kịch trần. Tuy vậy thanh khoản cao cũng là một hạn chế, vì lượng cổ phiếu lỏng lẻo nhiều. BVH tụt nhẹ xuống và chốt phiên sáng còn tăng 6,16%. Dù mới hết phiên sáng như BVH đã lập kỷ lục về thanh khoản từ đầu năm 2022 và trong 5 phiên giao dịch gần nhất tăng 10,36%.

Ngoài MIG và BMI đang kịch trần, các cổ phiếu bảo hiểm khác tăng mạnh là VNR tăng 8,24%, AIC tăng 4,67%, PVI tăng 4,62%, BIC tăng 4,26%, PGI tăng 3,3%. Tuy nhiên cần nhấn mạnh là thanh khoản của phần lớn cổ phiếu bảo hiểm đều nhỏ, tức là dư địa không cho phép các dòng tiền lớn giao dịch thoải mái. Ngoài BVH thanh khoản lớn, chỉ có MIG đạt 43,3 tỷ đồng, BMI khoảng 41,2 tỷ, VNR khoảng 8,7 tỷ, PVI khoảng 6,6 tỷ, còn lại chỉ giao dịch vài chục tới vài trăm triệu đồng.

Trái ngược với nhóm bảo hiểm, cổ phiếu ngân hàng sáng nay chủ yếu là giảm. Dù mức giảm không quá nhiều, nhưng việc giá bùng tăng chiều qua ở nhiều cổ phiếu nhóm ngân hàng cho thấy thị trường đang cân nhắc những ảnh hưởng từ việc tăng lãi suất đối với triển vọng lợi nhuận. KLB đang giảm 2,82%, VCB giảm 1,79%, VIB giảm 1,33% là những mã mất giá nhiều nhất. Số tăng chỉ có một số mã nhỏ như NVB, PGB, BVB, NAB, ABB, OCB.

Cổ phiếu chứng khoán dẫn dắt phiên trước sáng nay chủ đạo cũng giảm. DSC, BSI, ART, AAS, BMS tăng giá nhưng không nổi bật. Trong khi đó nhóm blue-chips chủ đạo giảm với SSI giảm 0,71%, HCM giảm 0,74%, VCI giảm 0,89%, VND giảm 0,53%...

vn-index-1663916210.png VN-Index tụt giá do không có lực đỡ từ blue-chips.

 

VN-Index chốt phiên sáng giảm 5,66 điểm tương đương 0,47%. Đây không phải là mức giảm lớn, nhưng thị trường đã khựng lại sau đà phục hồi ấn tượng chiều qua. Sự kiện tăng lãi suất điều hành ra sau giờ giao dịch nghĩa là nhà đầu tư có thời gian khá dài để đánh giá. Tâm lý thận trọng quay lại được phản ánh rõ trong sáng nay. VN-Index đầu phiên có 207 mã tăng/92 mã giảm trong khoảng 30 phút đầu tiên. Ở nhịp vượt nhẹ tham chiếu lúc 10h40, độ rộng ghi nhận 239 mã tăng/150 mã giảm. Đến cuối phiên sáng độ rộng chỉ còn 189 mã tăng/228 mã giảm.

VN30 kết phiên sáng cũng giảm 0,68% với 4 mã duy nhất tăng là GAS tăng 1,62%, BVH tăng 6,16%, KDH tăng 0,16% và SAB tăng 0,43%, trong khi có tới 24 mã giảm. Như vậy sức ép chính lên các chỉ số vẫn đến từ nhóm blue-chips, với 9/10 mã ảnh hưởng nặng nhất đến từ rổ VN30.

Với độ rộng vẫn còn khá nhiều mã tăng giá, thị trường vẫn có các địa chỉ để dòng tiền đầu cơ hoạt động tốt. Ngoài nhóm bảo hiểm cực mạnh, nhiều cổ phiếu hút dòng tiền khá ấn tượng như HBC tăng 4,52% giao dịch 86 tỷ đồng thanh khoản; HAG tăng 3,61% giao dịch 335,9 tỷ; CTD tăng 2,94% giao dịch 37,5 tỷ, HNG tăng 3,03% giao dịch 45,1 tỷ; DBC tăng 2,47% giao dịch 135,8 tỷ... Dù vậy thống kê ở HoSE thì thanh khoản trong nhóm tăng giá sáng nay cũng chỉ chiếm gần 42% tổng giá trị khớp của sàn này, trong khi thanh khoản nhóm giảm chiếm 46%.

Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng không phản ánh rõ quan điểm của dòng vốn này với việc tăng lãi suất. Tổng giá trị bán ra chỉ là 391,8 tỷ đồng, chiếm 7,2% tổng giao dịch của HoSE. Mua vào 303,3 tỷ đồng, tương ứng bán ròng nhẹ 88,5 tỷ đồng. Bán lớn nhất là KDH với -21,2 tỷ đồng, những mã duy nhất còn lại bị bán trên 10 tỷ ròng là CII, VCB, CTG và DPM. Phía mua ròng cũng chỉ duy nhất HPG là trên 10 tỷ đồng, đạt 19 tỷ đồng.

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lai-suat-tang-co-phieu-bao-hiem-thang-hoa-a176198.html