Cụ thể, tại cuộc họp báo sáng 23-9 của NHNN, đại diện cơ quan này cho biết, tính đến nay vẫn còn hơn 9.400 tỷ đồng nợ từ các chủ tàu ở 23/27 tỉnh, thành trong chương trình đóng tàu vỏ sắt theo Nghị định 67 vẫn chưa được thu hồi. Có tới 70% trong tổng số nợ này là nợ xấu và các chủ tàu cho biết đã mất hết khả năng chi trả.
Về câu hỏi nêu ra, có nên đưa khoản nợ 9.400 tỷ đồng này vào phần trích lập dự phòng rủi ro hay không, đại diện NHNN cho rằng điều này do các NHTM quyết định. “Cái này thì bây giờ các NHTM phải chịu thôi, còn phía NHNN chỉ có thể tham mưu, đề xuất về chính sách nhằm tháo gỡ”, vị đại diện NHNN cho hay.
Hàng loạt tàu vỏ sắt nằm bờ, ngư dân không có khả năng trả nợ nên phó mặc ngân hàng... tự giải quyết. Ảnh minh họa
Cũng theo phía NHNN, hiện nay, giải pháp đang được đề xuất đó là sửa đổi Nghị định 67 với nội dung cơ cấu lại khoản nợ và lãi suất để cho các chủ tàu có thể khắc phục. Về việc này, phía Bộ NN-PTNT đã đề nghị Bộ Tư pháp thẩm định lại các quy định Nghị định 67, trước khi gửi lên Chính phủ đề nghị sửa đổi.
Trước đó, Nghị định 67/2014/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 7-7-2014, với mục đích nhằm khẩn trương xây dựng một đội tàu đánh bắt xa bờ hiện đại vừa phát triển kinh tế biển, vừa khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Nghị định 67 có cơ chế hỗ trợ tương đối toàn diện để phát triển ngành thủy sản nói chung, đặc biệt hỗ trợ đóng mới tàu cá công suất lớn, có khả năng hoạt động khai thác xa bờ dài ngày với trang thiết bị công nghệ hiện đại.
Tuy nhiên đến nay, sau 7 năm triển khai thực hiện, mục tiêu hiện đại hóa tàu cá bước đầu đã đạt được nhưng tổng dư nợ cho vay và nợ xấu ở mức cao, nhiều tàu cá nằm bờ, hiệu quả khai thác không cao.
Nhằm tiếp tục hỗ trợ ngư dân bám biển, phát triển khai thác hải sản vùng khơi hiệu quả cũng như khai thác tốt tiềm năng từ kinh tế biển, hiện nay Bộ NN-PTNT vẫn đang xây dựng dự thảo nghị định mới nhằm thay thế Nghị định 67.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dong-tau-vo-sat-theo-nghi-dinh-67-khoan-no-9400-ty-dong-van-chua-duoc-giai-quyet-a176275.html