Trong thời gian qua, nhiều tiểu thương, cửa hàng buôn bán các mặt hàng rau, củ đã “gắn mác” rau sạch, rau an toàn; không ít trường hợp “tự xưng” để bán được giá cao. Một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP rồi bán cho siêu thị.
Theo Luật sư Phan Thanh Bình, Đoàn Luật sư TPHCM, việc “mạo danh, gắn mác” sẽ bị phạt theo điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP mức phạt từ 500.000 đến 20 triệu đồng. Ngoài ra hành vi này cũng có thể bị xử lý hình sự theo tội "lừa dối khách hàng" quy định tại điều 198 bộ Luật Hình sự.
Hiện nhiều siêu thị cho biết đã ngừng nhập rau được cung cấp bởi các doanh nghiệp như: Trình Nhi, Đông A, HugoFram...
Tối 21/9, Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường TPHCM đã có văn bản khẩn gửi các Đội quản lý thị trường trực thuộc yêu cầu rà soát, kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM yêu cầu người đứng đầu, người được giao quản lý các Đội Quản lý Thị trường khẩn trương thực hiện rà soát địa bàn. Quản lý thị trường sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Ban Quản lý An toàn Thực phẩm, tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi tập kết, phân loại, đóng gói, kinh doanh rau, củ, quả không rõ nguồn gốc hoặc gian lận về nguồn gốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các hành vi gian lận thương mại khác.
Người tiêu dùng ngày quan tâm và sẵn sàng trả giá cao hơn để mua những sản phẩm được quảng cáo là sạch và an toàn.
Thế nhưng, lợi dụng nhu cầu có thật ấy, nhiều tiểu thương, cửa hàng buôn bán các mặt hàng rau, củ đã “gắn mác” rau sạch, rau an toàn; không ít trường hợp “tự xưng” để bán được giá cao.
Nhiều người dân trả giá cao để mua "rau an toàn" và “đạt chuẩn VietGAP” tại các siêu thị, nhưng thực tế một số công ty lại đi gom rau ở chợ đầu mối, dán nhãn VietGAP. Nhiều loại rau "bẩn" gắn mác giả ấy còn được bán trong siêu thị, nhất là trong các siêu thị có tiếng, được nhiều người dân tin tưởng. Hành vi gian dối ấy khiến dư luận rất bức xúc.
Các cơ quan chức năng như Cục Quản lý Thị trường TPHCM, Ban An toàn Vệ sinh Thực phẩm TPHCM cũng đã nhanh chóng vào cuộc.
Theo Luật sư Phan Thanh Bình, kinh doanh thực phẩm cần đạo đức của người kinh doanh hơn các quy định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Hơn thế nữa doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm càng liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của con người.
Chất lượng, vệ sinh, an toàn hàng hóa càng quan trọng, nó không chỉ liên quan đến sự tồn vong của doanh nghiệp mà còn cả cộng đồng. Do đó doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định của pháp luật...
Hiện nhiều siêu thị cho biết đã ngừng nhập rau được cung cấp bởi các doanh nghiệp như: Trình Nhi, Đông A, HugoFram... Ảnh minh họa |
Theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn Nông nghiệp Nhiệt đới, hiện nay rất nhiều người tiêu dùng vẫn chưa hiểu rõ “thế nào là rau sạch, rau an toàn, rau hữu cơ”. Nhìn chung, khi chọn sản phẩm, phần lớn người tiêu dùng lựa chọn rau sạch để sử dụng.
Rau an toàn phải an toàn từ “bên trong” và bên ngoài cũng không còn lẫn đất, cát hay vi sinh vật. Theo tiêu chuẩn về rau an toàn ở Việt Nam, rau an toàn không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm (dưới ngưỡng cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO); không còn tồn dư hàm lượng Nitrat (dưới ngưỡng cho phép của WHO); không tồn tại vi sinh vật gây hại (Collifor, E.Coli…); không tồn lưu những kim loại nặng trong rau.
Cũng theo TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chúng ta cần phân biệt rõ canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ và sản xuất nông sản hữu cơ. Rau canh tác theo hướng hữu cơ là rau khi trồng trọt được giảm thiểu tối đa những loại phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Còn sản xuất những loại rau hữu cơ phải tuân thủ những qui định của tổ chức quốc tế có thẩm quyền cấp chứng chỉ cho sản phẩm rau hữu cơ sau khi đã trực tiếp giám sát và theo dõi đến vụ và đóng gói. Chứng chỉ được cấp cho nông sản hữu cơ chỉ có thời hạn nhất định, hết thời hạn phải làm lại.
Các yêu cầu về đất trồng và nguồn nước của rau cũng được đảm bảo nghiêm ngặt như: không nhiễm kim loại nặng, không chịu ảnh hưởng của nước thải công nghiệp; không trồng rau ở những vùng ô nhiễm không khí hay các vùng lân cận các khu nhà máy, xí nghiệp, khu chăn nuôi vì khi trồng rau sẽ dễ hấp thụ các khí ô nhiễm và hút các chất kim loại nặng, hay dễ nhiễm giun, sán và các bệnh truyền nhiễm.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/rau-gan-mac-vietgap-vao-sieu-thi-chi-bi-phat-tu-500000-den-20-trieu-dong-a176423.html