Sau 2 ngày xét xử, nghị án, trưa 24/9, TAND quận Đống Đa, Hà Nội tuyên phạt bị cáo Lê Thị Hiền (39 tuổi) 7 năm tù về tội "Cướp tài sản". Cùng vụ án, 17 người còn khác bị tuyên phạt từ 3 năm 6 tháng tù đến 8 năm tù giam cùng tội danh trên.
Theo cáo buộc, năm 2019, Hiền cùng bị cáo Vũ Anh Hoàng (SN 1991, quê Quảng Ninh) và Nguyễn Đức Thăng (SN 1992, người Hà Nội) góp hơn 2 tỷ đồng mở quán Magic Lounge trên đường Tôn Đức Thắng, Đống Đa.
Quán này chuyên kinh doanh đồ uống, bóng cười, phần lợi nhuận của quán sẽ chia đều theo phần trăm vốn góp. Riêng Hiền được giao nhiệm vụ quản lý mảng hậu cần thu - chi, giám sát hoạt động và lo “đối ngoại”.
Đến tháng 3/2020, nhóm Hiền ký hợp đồng thuê bị cáo Nguyễn Thị Minh Trang (SN 1993, ở quận Hà Đông) lên chương trình hoạt động cho quán với 3 mục tiêu: “Tháng thứ nhất là xây dựng, tuyển chọn, đào tạo 50 nhân viên đặt bàn, 6 nhân viên phục vụ bàn, 1 bảo vệ, kèm điều kiện doanh số tháng phải đạt 1,6 tỷ đồng; tháng thứ 2 phải tuyển thêm 50 nhân viên đặt bàn, doanh số đạt 1,7 tỷ đồng; tháng thứ 3 tuyển thêm 50 nhân viên đặt bàn, doanh số đạt 2 tỷ đồng”.
Nếu đạt doanh số, Trang được trả 60 - 90 triệu đồng/tháng. Nếu không đạt, Trang phải làm tiếp đến khi nào đạt được thì thôi.
Cơ quan truy tố cho rằng, sau khi ký hợp đồng, Trang tuyển nhân sự và trình nội dung cách thức hoạt động tìm kiếm khách qua mạng xã hội Tinder đưa về quán. Nếu thấy khách có tiền, họ sẽ tìm cách đẩy thêm đồ ăn (trái cây), đồ uống (rượu, bia), bóng cười để khách phải thanh toán hoặc phải để lại tài sản có giá trị.
Do ảnh hưởng đại dịch COVID-19, quán Magic không có khách, Trang chỉ đạo các nữ nhân viên lên mạng xã hội Tinder, Badoo để hẹn hò, làm quen, lôi kéo khách sử dụng dịch vụ. Sau khi khách đến quán, các nữ nhân viên bỏ trốn, mặc cho khách ở lại thanh toán. Trường hợp không chịu trả tiền, “đội bảo an” của quán gồm các nhân viên nam sẽ đánh, ép khách, cách làm này trong quán gọi là “dí bill”.
Với phương thức hoạt động này, trong tháng 3/2021, Trang hoàn thành tất cả các mục tiêu và được nhóm Hiền đề nghị ký thêm hợp đồng mới.
Dù được Trang trao đổi nếu muốn đạt doanh số cao phải đẩy mạnh áp dụng hình thức “dí bill” nhưng việc này dễ liên quan pháp luật. Tuy nhiên, các đối tượng tiếp tục yêu cầu Trang đẩy mạnh, “liên quan pháp luật đã có ban cổ đông đứng ra giải quyết”.
Một thời gian sau, cách “dí bill” tại quán Magic Lounge đã bị “bóc phốt” lên mạng xã hội vì xảy ra việc nhân viên đánh khách khi họ không chịu trả tiền.
Cơ quan tố tụng xác định, từ 31/3 – 14/4/2021, nhóm Hiền đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản, chiếm đoạt hơn 84 triệu đồng.
Trong số các khách hàng bị “dí bill” có anh Lê Anh Đức (32 tuổi, ở quận Hà Đông), đêm 31/3/2021, Nguyễn Phương Trang (nhân viên quán Magic Lounge) gọi điện cho anh đến đón vì say rượu. Sau khi bước vào quán, Trang biến mất, còn anh Đức bị "đội bảo an" giữ lại, đánh đập buộc anh Đức phải chuyển khoản thanh toán số tiền hơn 35 triệu.
Sau khi thanh toán xong, "đội bảo an" lấy điện thoại của nạn nhân xóa mọi dữ liệu liên quan đến Nguyễn Phương Trang.
Ngoài trường hợp trên, nhân viên quán Magic Lounge còn đánh đập, ép buộc anh Trương Phát Tài (19 tuổi ở Thanh Hóa), anh Phạm Hồng Duyên (25 tuổi, ở Hưng Yên) và anh Lê Xuân Bách (quê Thái Bình) buộc phải viết giấy vay nợ hoặc trả số tiền hàng chục triệu đồng.
Bị cáo Hiền là người trực tiếp xuống quán giải quyết và dặn các nhân viên lần sau nếu gặp khách có quan hệ thì nên né tránh.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ, gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên cần xử lý nghiêm.
Tháng 8/2019, Lê Thị Hiền (khi đó là đại úy, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông, trật tự, phản ứng nhanh Công an quận Đống Đa) gây mất trật tự tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Hiền sau đó bị giáng hai cấp hàm xuống trung úy. Bị can tự viết đơn xin ra khỏi ngành nên tháng 11 cùng năm, Công an TP Hà Nội có Quyết định xuất ngũ với Hiền.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/cuu-dai-uy-dai-nao-san-bay-linh-7-nam-tu-vi-cuop-tai-san-a176644.html