Taseco là một trong những thương hiệu nổi danh tại miền Bắc, hoạt động chính trong hai lĩnh vực là dịch vụ hàng không và bất động sản. Thành lập năm 2005, Taseco được biết đến rộng rãi là cơ nghiệp của ông Phạm Ngọc Thanh. Vị doanh nhân sinh năm 1967 này từng là “dân chuyên” Lê Hồng Phong (Nam Định) – ngôi trường trung học có lịch sử trăm năm, xếp hàng đầu Việt Nam về thành tích đào tạo. Đồng môn chuyên Lê Hồng Phong với ông Thanh còn có những doanh nhân tài năng khác như: Phạm Việt Khoa (Chủ tịch Công ty CP FECON, HOSE: FCN), Nguyễn Huy Thắng (Công ty CP Kính Cộng)…
Gần 20 năm phát triển, Taseco đã có hình hài của một tập đoàn, với Công ty CP Tập đoàn Taseco là công ty mẹ. Dưới Công ty này là 2 công ty con cấp 1 gồm: Công ty CP Dịch vụ hàng không Taseco (HOSE: AST, công ty mẹ trong lĩnh vực dịch vụ,) và Công ty CP Đầu tư bất động sản Taseco (Taseco Land, công ty mẹ trong lĩnh vực bất động sản).
Dưới 2 công ty con cấp 1 này còn hàng chục công ty khác, trong đó AST có 6 công ty con, Taseco Land có 12 công ty con (chưa kể số công ty liên doanh, liên kết).
Bên cạnh AST đã niêm yết, Taseco Land bắt đầu chia sẻ thông tin tài chính, một động thái mang tính chạy đà cho toan tính niêm yết trên sàn chứng khoán. Thông tin tài chính của công ty mẹ - Công ty CP Tập đoàn Taseco (từ đây gọi là Tập đoàn Taseco) vẫn là một điều gây tò mò cho nhà đầu tư, giới quan sát. Trong phạm vi của bài viết này, chúng ta sẽ xem xét báo cáo tài chính riêng của Tập đoàn Taseco.
Nhà cung cấp vốn
Với vai trò của một công ty mẹ, không lấy gì làm khó hiểu khi cơ cấu tài sản của Tập đoàn Taseco có trọng tâm là khoản đầu tư tài chính dài hạn. Cụ thể, xét giai đoạn 2019 – 2021, tổng tài sản của Tập đoàn Taseco dao động từ 2.290 tỷ đồng lên 2.697 tỷ đồng rồi lại xuống 2.206 tỷ đồng; trong đó, khoản đầu tư tài chính dài hạn chiếm tỷ trọng lần lượt là 68% (1.565 tỷ đồng), 64% (1.741 tỷ đồng) và 84% (1.852 tỷ đồng). Cơ cấu tài sản này là nguyên nhân chính khiến bức tranh kinh doanh trong cùng giai đoạn bị tác động mạnh (sẽ nói kỹ ở phần sau).
Ngoài đặc trưng của một công ty đầu tư, cơ cấu tài sản của Tập đoàn Taseco nhìn chung không có gì đáng lo ngại: các khoản phải thu có tỷ trọng tương đối thấp (28% năm 2019, 31% năm 2020 và 14% năm 2021); hàng tồn kho không đáng kể (chỉ vài chục tỷ đồng). Duy có lượng tiền và tương đương tiền khá ít ỏi, lần lượt là: 7 tỷ đồng, 17 tỷ đồng và 9,7 tỷ đồng – cho thấy dòng tiền của công ty chưa thực sự tốt.
Để cân đối dòng tiền, Tập đoàn Taseco duy trì dòng tiền vay mượn khá lớn lần lượt các năm 2019 – 2021 là: 1.705 tỷ đồng, 832 tỷ đồng, 781 tỷ đồng, (Ảnh minh hoạ) |
Về nguồn vốn, nợ phải trả của Tập đoàn Taseco giai đoạn 2019 - 2021 biến động đồng pha với tổng tài sản, từ 1.131 tỷ đồng lên 1.602 tỷ đồng rồi lại xuống 1.191 tỷ đồng.
Điều đáng chú ý là năm 2020, nợ ngắn hạn của Công ty rất lớn, lên tới 1.482 tỷ đồng (riêng nợ vay ngắn hạn đã là 1.297 tỷ đồng) cao gấp 3,4 lần tài sản ngắn hạn, một chỉ số cực kỳ đáng báo động về khả năng thanh toán ngắn hạn. Đây cũng là năm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty lên 1,46 lần.
Cú lao dốc của lợi nhuận
Bức tranh kinh doanh các năm 2019 – 2021 của Tập đoàn Taseco gây chú ý với doanh thu thuần ở mức trung bình, lần lượt là 82 tỷ đồng, 65 tỷ đồng và 96 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp rất mỏng, tương ứng các năm trên là 20 tỷ đồng, 1,5 tỷ đồng và 5,6 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa biên lợi nhuận gộp sụt giảm rất mạnh, từ 24% xuống 2,3% và 5,8%.
Rất khó chê trách mức lợi nhuận gộp đì đẹt của Tập đoàn Taseco, bởi đơn vị này là một công ty đầu tư (như đã trình bày ở trên), nguồn sống đến từ hoạt động tài chính. Tuy nhiên, 3 năm gần nhất, doanh thu tài chính của công ty cũng suy giảm rất mạnh, từ 389 tỷ đồng năm 2019, giảm 70% xuống 115 tỷ đồng vào năm 2020 và118 tỷ đồng năm 2021.
Sự sụt giảm của doanh thu tài chính tất yếu kéo theo sự lao dốc của lợi nhuận. Nếu kết năm 2019, Tập đoàn Taseco có lợi nhuận trước thuế 319 tỷ đồng thì năm 2020, con số này chỉ là 5,2 tỷ đồng, giảm tới 98%. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế tiếp tục sụt giảm 42%, tạo đáy ở mức 3 tỷ đồng. Tính chung 3 năm, lợi nhuận trước thuế đã giảm tới 99%!
Về dòng tiền, điều rất đáng chú ý là dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Taseco luôn trong tình trạng âm. Tình trạng này đã kéo dài từ năm 2018 tới nay và ngày càng nặng, lần lượt là: -28 tỷ đồng, -23 tỷ đồng, -71 tỷ đồng và -95 tỷ đồng. Điều này cho thấy âm dòng tiền kinh doanh đã trở thành một căn bệnh kinh niên của công ty chứ không đơn thuần là một hiện tượng nhất thời.
Để cân đối dòng tiền, Tập đoàn Taseco thực hiện đồng thời việc thu hồi các khoản đầu tư và duy trì dòng tiền vay mượn khá lớn, lần lượt các năm 2019 – 2021 là: 1.705 tỷ đồng, 832 tỷ đồng, 781 tỷ đồng. Tuy vậy, chừng đó chỉ đủ để cân đối được dòng tiền mà không tạo ra “thặng dư”, thậm chí năm 2021, lưu chuyển tiền thuần còn âm 7 tỷ đồng, bào mòn lượng tiền và tương đương tiền vốn đã ít ỏi của công ty.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tap-doan-taseco-loi-nhuan-lao-doc-khong-phanh-dong-tien-kinh-doanh-am-kinh-nien-a176838.html