Ngày 26/9, Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNWTO) có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha) cho biết, ngành "công nghiệp không khói" toàn cầu đang tiếp tục cho thấy những tín hiệu phục hồi, song chưa thể sớm trở lại các mức trước đại dịch Covid-19.
Theo báo cáo do UNWTO công bố, ước tính trong 7 tháng đầu năm nay có 474 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tương đương 57% so với số lượt khách du lịch quốc tế cùng kỳ trước khi đại dịch bùng phát.
Mức phục hồi mạnh nhất được ghi nhận tại châu Âu và Trung Đông, với số lượt khách quốc tế đến 2 khu vực này tương ứng khoảng 74% và 76% so với các mức ghi nhận năm 2019.
Theo TTXVN, mặc dù lạc quan về đà phục hồi du lịch quốc tế trong những tháng còn lại của năm nay, nhưng UNWTO nhận định môi trường kinh tế bất ổn đã làm đảo ngược triển vọng ngành "công nghiệp không khói" tăng trở lại các mức trước đại dịch trong ngắn hạn.
Điều này chủ yếu là do lạm phát và giá dầu mỏ tăng cao - yếu tố đẩy chi phí vận tải và lưu trú tăng, đồng thời gây áp lực đối với sức mua và tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng
Trong bối cảnh ngành du lịch đang tiếp tục lấy lại đà tăng trưởng, với mục tiêu hướng đến chuyển đổi ngành du lịch, giới chức UNWTO đã đưa ra một lộ trình chuyển đổi, trong đó có 5 ưu tiên cần giải quyết.
Thứ nhất là xử lý khủng khoảng và giảm thiểu những tác động kinh tế-xã hội đối với sinh kế, đặc biệt là việc làm của phụ nữ và an ninh kinh tế. Theo đó, cần phải thực hiện từng bước các giải pháp ứng phó đồng bộ để bảo vệ sinh kế, việc làm, thu nhập của người lao động và sự sống còn của các doanh nghiệp, xây dựng lòng tin thông qua các biện pháp an ninh, an toàn trong tất cả khâu vận hành của ngành du lịch, tăng cường quan hệ đối tác và đoàn kết trong phục hồi kinh tế xã hội bằng cách đặt ưu tiên giảm bất bình đẳng.
Thứ hai là tăng cường sức cạnh tranh và độ bền vững để hỗ trợ sự phát triển của cơ sở hạ tầng du lịch và dịch vụ chất lượng trong toàn bộ chuỗi giá trị du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tại địa phương, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, đồng thời quảng bá du lịch trong nước và khu vực nếu có thể.
Thứ ba là thúc đẩy đổi mới và số hóa hệ thống kinh tế du lịch. Các gói ngân sách phục hồi và phát triển du lịch tương lai có thể tối đa hóa việc sử dụng công nghệ trong hệ sinh thái du lịch, thúc đẩy số hóa để tạo ra các giải pháp sáng tạo và đầu tư vào các kỹ năng kỹ thuật số, đặc biệt đối với người lao động tạm thời không có nghề nghiệp và người đang tìm việc làm.
Thứ tư là thúc đẩy tăng trưởng xanh và bền vững. Đây là ưu tiên quan trọng để ngành du lịch chuyển đổi theo hướng linh hoạt, cạnh tranh, tận dụng hiệu quả tài nguyên và trung hòa khí thải carbon, phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Cuối cùng là chú trọng điều phối và hợp tác để chuyển đổi du lịch và đạt các mục tiêu phát triển bền vững. Trong lộ trình điều phối hiệu quả các kế hoạch, chính sách mở cửa trở lại và hồi phục cần cân nhắc ưu tiên con người, với sự tham gia của chính phủ, các đối tác phát triển và các thể chế tài chính quốc tế.
Phục hồi ngành du lịch cũng chính là phục hồi kinh tế toàn cầu. Nghiên cứu mới nhất từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC) cho biết, ngành du lịch và lữ hành có thể đóng góp 8.600 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022, thấp hơn chỉ 6,4% so với trước đại dịch.
Do đó, tư duy lại du lịch để tạo ra sự chuyển mình của ngành này hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch không những nhanh chóng phục hồi, mà còn tăng trưởng mạnh mẽ, vững bền trong tương lai, đảm bảo các mục tiêu mà UNWTO đề ra, đóng góp cho tăng trưởng chung của kinh tế thế giới.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/du-lich-quoc-te-van-chua-the-tro-lai-muc-truoc-dai-dich-covid-19-a177490.html