Tập đoàn khí đốt Gazprom do Nhà nước Nga kiểm soát vừa cho biết, họ có thể áp lệnh trừng phạt đối với công ty khí đốt Naftogaz của Ukraine do các tranh chấp pháp lý liên quan đến việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi 2 đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu là Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được phát hiện bị rò rỉ ở dưới biển Baltic, đoạn gần đảo Bornholm của Đan Mạch. Vụ rò rỉ này được nghi ngờ là do bị phá hoại, mặc dù chính xác do ai và lý do tại sao vẫn chưa được xác nhận.
Giá khí đốt giao tháng 10 tại sàn giao dịch TTF Hà Lan đã tăng 16,10 euro lên mức 200,1 euro/MWh. Tương tự, giá khí đốt tại Anh cũng tăng 24,75 bảng lên mức 290,25 bảng/therm (1 therm = 100.000 Btu).
Gazprom cho biết họ đã bác bỏ mọi cáo buộc từ Naftogaz trong quá trình tố tụng về việc trung chuyển khí đốt của Nga và thông báo cho tòa án tố tụng. Hãng dầu khí Nga cũng cho biết nước này có thể đưa ra các lệnh trừng phạt đối với công ty năng lượng Ukraine. Theo đó, Gazprom sẽ không trả phí vận chuyển cho Kyiv nếu họ tiếp tục theo đuổi vụ kiện về việc vận chuyển khí đốt này.
Khí đốt Nga được vận chuyển qua Ukraine tới châu Âu trên một số đường ống quan trọng như Brotherhood, Soyuz và Yamal. Tuyến đường ống Transgas bắt đầu từ phía tây Ukraine tới Đức cũng có thể bị ảnh hưởng.
Các dòng khí đốt Nga chảy qua Ukraine trong những tuần gần đây ổn định ở mức khoảng 42 triệu m3/ngày. Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh trong tuần này khi những thông tin bất ngờ về vụ rò rỉ đường ống Nord Stream.
Tuy nhiên, tuyến đường ống Nord Stream 2 dù có chứa khí đốt nhưng nó chưa bao giờ đưa vào hoạt động thương mại và tuyến đường ống Nord Stream 1 đã bị ngừng hoạt động từ cuối tháng 8, nên các thiệt hại đã được giảm thiểu. Dù vậy, khí đốt qua các đường ống này giờ đây có khả năng không thể phục hồi trở lại.
Đan Mạch và Thụy Điển cho rằng, các vụ rò rỉ lớn ở hai đường ống trên biển Baltic là hành động phá hoại có chủ đích. Một quan chức phương Tây cho biết: "Nhiều vụ nổ đã xảy ra đồng thời, điều đó rất nghiêm trọng và sẽ cần phải được điều tra".
Equinor, nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu ở Na Uy, cho biết họ đã tăng cường các biện pháp an ninh tại các cơ sở của họ sau các vụ phá hoại đáng ngờ này.
Điện Kremlin cho rằng, thật "ngu ngốc" khi cáo buộc Nga đứng sau các vụ tấn công đường ống Nord Stream.
Các nhà phân tích tại Refinitiv cho rằng tác động đối với giá khí đốt ở Anh đã được giảm thiểu do nước này gia tăng dòng khí đốt từ Na Uy và nhập các nguồn cung khí đốt hóa lỏng từ các nơi trên thế giới. Tuy nhiên, sự sụt giảm của đồng bảng Anh so với đồng USD sẽ làm tăng chi phí mua khí đốt bằng đồng USD của các nhà nhập khẩu Anh.
Giá khí đốt tăng trở lại diễn ra sau nhiều tuần giảm mạnh nhờ nguồn cung cho mùa đông ở châu Âu đã được cải thiện do nỗ lực lấp đầy các kho dự trữ khí đốt. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn lo ngại trong mùa xuân tới, nguồn cung khí đốt châu Âu sẽ cạn kiệt nếu không có nguồn cung từ Nga.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lo-nga-khoa-not-duong-ong-qua-ukraine-gia-khi-dot-chau-au-lai-nong-a178186.html