Lớn nhanh như Vimid: Tổng tài sản tăng 3,5 lần sau 1 năm rưỡi, dành trăm tỉ đồng đầu tư trái phiếu

So với thời điểm cuối năm 2020, tổng tài sản của Vimid đã tăng 3,5 lần, lên mức 3.786,2 tỉ đồng (tại ngày 30/6/2022). Trong đó, danh mục trái phiếu bất động sản của công ty này lên tới cả trăm tỉ đồng.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa chấp thuận đăng ký giao dịch 20,5 triệu cổ phiếu VVS của CTCP Đầu tư phát triển máy Việt Nam (Vimid) trên sàn UPCOM.

Thành lập vào năm 2010, Vimid có quy mô vốn điều lệ ở mức 1,8 tỉ đồng, hoạt động kinh doanh chính trong lĩnh vực nhập khẩu, phân phối xe tải trung và hạng nặng (rơ-moóc và bán rơ-moóc) mang thương hiệu Sinotruck.

5 năm đầu hoạt động, Vimid thực hiện 3 đợt tăng vốn, nâng quy mô vốn điều lệ lên 100 tỉ đồng (vào tháng 12/2015). Tới năm 2021, Vimid thực hiện chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu và ESOP, qua đó tăng vốn điều lệ lên 205 tỉ đồng.

co-cau-co-dong-cua-cong-ty-co-phan-dau-tu-phat-trien-may-viet-nam-1664587997.png
 

Cập nhật tại ngày 3/8/2022, Vimid có tổng cộng 105 cổ đông. Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này khá cô đặc, với lượng lớn cổ phần do các thành viên trong gia đình của vợ chồng doanh nhân Nguyễn Vũ Trụ - Nguyễn Thị Thu Huyền nắm giữ.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thu Huyền - Chủ tịch HĐQT Vimid sở hữu 2,2 triệu cổ phần, tương đương 10,85% vốn điều lệ. Trong khi ông Nguyễn Vũ Trụ - phu quân của bà Huyền, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Vimid – nắm giữ 9,2 triệu cổ phần, tương đương 45% vốn điều lệ công ty.

Ngoài 2 thành viên nêu trên, HĐQT của Vimid còn có 3 thành viên khác là ông Chu Quang Huy (thành viên HĐQT độc lập), ông Nguyễn Thanh Bình và bà Hoàng Thị Vân.

Ông Bình và bà Vân là thân phụ và thân mẫu của bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Chủ tịch HĐQT Vimid. Ông Nguyễn Thanh Bình từng giữ vai trò thành viên HĐQT CTCP M&A Holding Việt Nam - cổ đông lớn, nắm 8,78% vốn điều lệ Vimid - trong giai đoạn từ năm 2016 - 2021.

Lớn nhanh như Vimid...

tong-tai-san-cua-cong-ty-co-phan-dau-tu-phat-trien-may-viet-nam-1664588083.png
 

Trước thềm niêm yết, Vimid ghi nhận những bước tăng trưởng đáng kể về quy mô tổng tài sản. Tính đến cuối quý 2/2022, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 3.786,2 tỉ đồng, cao gấp 3,5 lần so với thời điểm cuối năm 2020.

Tại ngày 30/6/2022, chiếm tới 62,2% tổng tài sản của Vimid là các khoản phải thu ngắn hạn, đạt 2.358,7 tỉ đồng. Trong đó, có tới 2.167,7 tỉ đồng phải thu ngắn hạn được ghi dưới dạng tiền ký quỹ, ký cược. Đây là các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1 năm tại các ngân hàng thương mại đang được thế chấp để đảm bảo cho các hợp đồng hạn mức tín dụng, hưởng lãi suất từ 4,05% - 8,02%/năm.

Đáng chú ý, danh mục đầu tư trái phiếu của Vimid cũng có những chuyển biến đáng kể. Tại ngày 30/6/2022,

Vimid dành 322,4 tỉ đồng đầu tư trái phiếu, bao gồm: trái phiếu CTCP GoodWill Group (120,1 tỉ đồng), trái phiếu Novaland (100,1 tỉ đồng), trái phiếu LienVietPostBank (51,3 tỉ đồng), trái phiếu DIC Corp (34,8 tỉ đồng) và trái phiếu TPBank (16,1 tỉ đồng).

Toàn bộ số trái phiếu này được Vimid sử dụng để đảm bảo cho khoản vay tại các ngân hàng, được cam kết mua lại với lãi suất từ 6,4% - 8%/năm. Đối với trái phiếu của các ngân hàng, lãi suất trái phiếu là 7,7% - 8,1%/năm.

Ngoài ra, VIMID còn có 55,2 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó, có 9 tỉ đồng là khoản cho một công ty chứng khoán vay kỳ hạn 2 ngày, lãi suất 3%/năm.

Ở bên kia bảng cân đối, tại ngày 30/6/2022, số dư phải trả ngắn hạn khác của Vimid lên tới 2.336,4 tỉ đồng, tăng gấp 5 lần so với cuối năm 2020 và chiếm 61,7% tổng nguồn vốn.

Đây là các khoản tiền phải trả các ngân hàng liên quan đến LC Upas, phí trong kỳ từ 1,02% - 6%/năm.Số dư nợ vay ngắn hạn của Vimid tại các ngân hàng là 645,5 tỉ đồng, bao gồm khoản vay tại VPBank (243,2 tỉ đồng), MBBank (160,7 tỉ đồng), Vietcombank (140,8 tỉ đồng), LienVietPostBank (50,7 tỉ đồng) và TPBank (50 tỉ đồng).

 

Vimid kinh doanh ra sao?

ket-qua-kinh-doanh-cua-cong-ty-co-phan-dau-tu-phat-trien-may-viet-nam-1664588455.png
 

Trong giai đoạn 2020 – 2021, VIMID ghi nhận tổng doanh thu lên tới 4.524,6 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế cộng dồn hai năm là 26,8 tỉ đồng, tương ứng với biên lãi ròng chỉ 0,59%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, Vimid ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.382,9 tỉ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 59,5% kế hoạch năm (4.000 tỉ đồng).

Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của công ty này chỉ đạt 4,3%, thấp hơn mức 6,1% cùng kỳ năm 2021.

Hoạt động tài chính giúp Vimid ghi nhận khoản doanh thu 76,3 tỉ đồng, tăng 90% so với cùng kỳ năm trước. Song, nguồn thu này không đủ để Vimid bù đắp khoản chi phí tài chính lên tới 93,3 tỉ đồng phát sinh trong kỳ.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, Vimid báo lãi sau thuế 4,2 tỉ đồng, giảm 66,8% so với cùng kỳ năm 2021.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lon-nhanh-nhu-vimid-tong-tai-san-tang-35-lan-sau-1-nam-ruoi-danh-tram-ti-dong-dau-tu-trai-phieu-a178481.html