Nhân viên y tế tại Bệnh viện Saiful Anwar kiểm tra các nạn nhân vụ bạo loạn sân cỏ. Ảnh: Reuters. |
Emil Dardak, Phó thống đốc Đông Java, hôm 2/10 cho biết số người chết đã tăng lên 174 người, trong khi hơn 100 người bị thương đang được điều trị tích cực tại 8 bệnh viện. 11 người trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch, AP đưa tin.
Hầu hết nạn nhân bị giẫm đạp đến chết sau khi cảnh sát bắn hơi cay để giải tán bạo loạn tối 1/10.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo ngày 2/10 đã ra lệnh cho Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) tạm dừng Liga 1 đến khi đánh giá và cải thiện được công tác an ninh.
Trước đó, PSSI đã ngay lập tức hoãn giải vô địch quốc gia Indonesia trong 1 tuần.
Vụ bạo loạn xảy ra tại sân vận động Kanjuruhan, ở Đông Java hôm 1/10 sau khi cổ động viên giữa đội Java Arema và Persebaya Surabaya xô xát sau khi Arema bị đánh bại 3-2 trong trận đấu.
Bạo loạn lan ra bên ngoài sân vận động, nơi có ít nhất 5 xe cảnh sát bị lật ngã và bốc cháy trong lúc hỗn loạn.
Vụ bạo loạn sân cỏ ở Indonesia khiến 174 người thiệt mạng. Ảnh: AP. |
Cảnh sát chống bạo động đã đáp trả bằng cách xịt hơi cay, bao gồm cả về phía khán đài của sân vận động, khiến đám đông hoảng loạn.
Hơi cay vốn bị FIFA cấm tại các sân vận động bóng đá.
Một số người chết ngạt và những người khác bị giẫm đạp khi hàng trăm người cố gắng chạy thoát nhằm tránh hơi cay.
Trong hỗn loạn, 34 người chết tại sân vận động, bao gồm cả hai cảnh sát.
“Chúng tôi đã thực hiện hành động ngăn chặn trước thời điểm xịt hơi cay khi (những cổ động viên) bắt đầu tấn công cảnh sát, có hành động phá hoại và đốt xe”, ông Nico Afinta - Cảnh sát trưởng Đông Java - cho biết trong một cuộc họp báo vào đầu ngày 2/10.
Hơn 300 người đã được đưa đến các bệnh viện gần đó để điều trị, nhưng nhiều người đã chết trên đường đi và trong quá trình điều trị, ông Afinta nói thêm.
Chủ tịch của liên đoàn Mochamad Iriawan cho biết vụ việc đã "làm hoen ố tên tuổi của bóng đá Indonesia" và họ đang hỗ trợ các cuộc điều tra chính thức về sự việc này.
Ông đồng thời gửi lời xin lỗi tới gia đình các nạn nhân, cũng như tất cả bên liên quan trong vụ việc.
FIFA khẳng định rằng không có "khí kiểm soát đám đông nào" được sử dụng trong các trận đấu, theo BBC.
FIFA đã yêu cầu PSSI báo cáo về vụ việc và một đội từ PSSI đã được cử đến Malang để điều tra, Tổng thư ký PSSI Yunus Nusi nói với các phóng viên.
Shaikh Salman bin Ebrahim Al Khalifa - người đứng đầu Liên đoàn bóng đá châu Á - cho biết ông "sốc tột độ và đau buồn khi biết tin bi thảm đến từ Indonesia", đồng thời bày tỏ sự chia buồn với các nạn nhân, gia đình và bạn bè của họ, Reuters đưa tin.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/so-nguoi-chet-trong-vu-bao-loan-san-co-o-indonesia-tang-len-174-a178720.html