Lạm phát leo thang đã làm tăng chi phí sinh hoạt, ăn mòn tiền lương, đồng thời gây áp lực lớn, buộc Chính phủ Mỹ phải tìm cách ứng phó trước mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế.
Nhưng với việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất cao hơn bao giờ hết, lần đầu tiên tiền mặt đã trở thành một hạng mục tài sản hữu ích thật sự sau nhiều thập niên.
Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 3 tháng đang dao động ở mức gần 3,3%, cao nhất kể từ năm 2008, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 6 tháng là 3,9%, cao hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm nhưng có rủi ro kỳ hạn không đáng kể.
Jason Bloom, người đứng đầu bộ phận chiến lược thu nhập cố định của Công ty đầu tư Invesco, cho biết: “Với trái phiếu chính phủ Mỹ có mức lãi suất bảo đảm trên 3%, bạn không chịu rủi ro kỳ hạn hay rủi ro tín dụng. Điều đó có vẻ tuyệt vời”.
Các tài sản rủi ro và tài sản trú ẩn an toàn đều biến động mạnh khi Fed quyết liệt chống lạm phát. Fed đã lần thứ ba liên tiếp tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào ngày 21-9, đồng thời phát tín hiệu sẽ tăng lãi suất lên cao hơn trong thời gian tới. Mặc dù điều này làm giảm lợi suất đối với chứng khoán có thu nhập cố định có kỳ hạn dài hơn, nhưng việc nắm giữ các trái phiếu cho đến thời điểm đáo hạn và nhận thanh toán lãi suất là một chiến lược hợp lý trong bối cảnh thị trường hiện nay.
Logic đó đã thúc đẩy dòng thác tiền mặt 32 tỉ đô la trong năm nay đổ vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nắm giữ trái phiếu đáo hạn trong vòng một năm hoặc sớm hơn, sát với mức kỷ lục 34 tỉ đô la vào năm 2018, thời điểm Fed thắt chặt tiền tệ gần đây nhất. Khoảng 4,6 ngàn tỉ đô la đang nằm trong các quỹ thị trường tiền tệ của Mỹ, gần mức cao kỷ lục 4,8 ngàn tỉ đô la vào năm 2020.
Quỹ thị trường tiền tệ là một loại quỹ tương hỗ đầu tư vào các công cụ có tính thanh khoản cao, ngắn hạn. Các công cụ này bao gồm tiền mặt, chứng khoán tương đương tiền và chứng khoán dựa trên nợ được xếp hạng tín dụng cao, có thời gian đáo hạn ngắn hạn (chẳng hạn như trái phiếu chính phủ Mỹ).
Sự chuyển dịch sang tiền mặt khiến các tài sản khác phải trả giá, đặc biệt là cổ phiếu. Chỉ số S&P 500 (theo dõi cổ phiếu của 500 công ty đại chúng lớn nhất Mỹ) đã giảm khoảng 23% so với mức đỉnh của tháng 1 do lạm phát tăng vọt và chiến dịch quyết liệt của Fed để dập tắt nó.
Các đợt tăng lãi suất lớn đã gần như dập tắt hoàn toàn tâm lý mua khi thị trường cổ phiếu giảm giá như đã từng diễn ra trong thời kỳ đại dịch, đồng thời thúc đẩy đô la tăng giá. Chris Gaffney, Chủ tịch phụ trách các trường thế giới tại Ngân hàng TIAA (Mỹ), cho rằng đối với nhiều nhà đầu tư, việc nắm giữ trái phiếu chính phủ với mức lợi suất 4% không phải là tệ khi họ không còn kênh đầu tư nào khả quan hơn trong môi trường vĩ mô bất ổn hiện nay.
Các chuyển động bất thường trên thị trường có vẻ sẽ kéo dài. Các dự báo mới từ cuộc họp tháng 9 của Fed cho thấy các nhà hoạch định chính sách dự kiến lãi suất sẽ đạt 4,4% vào cuối năm nay, sau đó tăng lên 4,6% vào năm 2023 và duy trì ở mức này trong “một thời gian”.
Lãi suất tăng đồng nghĩa với việc các tài khoản vãng lãi và tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại sẽ nhận được lãi nhiều hơn so với những năm gần đây. Dan Suzuki, Phó giám đốc đầu tư Công ty Richard Bernstein Advisors, cho biết những lợi ích đó thường đến chậm so với với các quỹ ETF dạng tiền mặt vì các ngân hàng chậm trả lãi suất cao hơn. Suzuki nói: “Một khía cạnh lớn giải thích vì sao tiền mặt lại hấp dẫn là, trong ngắn hạn, bạn sẽ tận dụng được chính sách lãi suất cao hơn”.
Nhưng cả khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 12 tháng duy trì ở mức khoảng 4%, điều đó vẫn không đủ để bắt kịp với mức lạm phát cao nhất lên đến 8% /năm. Vì vậy, trong thực tế, lợi nhuận trên các khoản tương đương tiền vẫn âm. Nhưng đó chỉ vấn đề nhỏ khi các tài sản rủi ro khác đang ở chế độ bán tháo. Suzuki nói: “Bạn có thể phàn nàn về mức lợi nhuận thực tế âm, nhưng đối với hầu hết các tài sản hiện nay, bạn đều chịu các khoản lỗ lớn trên thực tế và danh nghĩa”.
Hiện nay, gần 20% của một quỹ đầu tư hàng đầu của Richard Bernstein Advisors là tiền mặt và các tài sản tương đương tiền. Suzuki cho biết đó là mức nắm giữ tài sản tiền mặt cao nhất trong lịch sử của công ty ông, cao hơn hẳn so với mức 5% cách đây một năm.
Việc nắm giữ tiền mặt thực sự sẽ đi kèm theo chi phí cơ hội nếu tâm lý thị trường thay đổi đột ngột, có nghĩa là nhà đầu tư mất lợi nhuận có thể kiếm được nếu nắm giữ tài sản khác. Đó là trường hợp vào ngày 28-9, khi Ngân hàng trung ương Anh cam kết bắt đầu mua trái phiếu chính phủ Anh một lần nữa, thị trường trái phiếu và cổ phiếu Mỹ đã tăng mạnh.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư trái phiếu kiên trì, lợi suất tăng dần theo thời gian có sức hấp dẫn vượt ra khỏi lợi ích trú ẩn an toàn của tiền mặt. Sức hấp dẫn đó sẽ tăng mạnh mẽ hơn khi lạm phát cuối cùng cũng hạ nhiệt, giúp lợi suất thực tế của trái phiếu tăng lên.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tien-mat-la-vua-khi-fed-quyet-liet-chong-lam-phat-a178732.html