Khách nội địa nhiều gấp 54 lần khách quốc tế

Lượng khách nội địa đang hồi phục 'thần tốc' nhưng số khách quốc tế hoàn toàn không tương xứng.

 Du lịch nội địa trở lại mạnh mẽ hơn cả trước dịch. Ảnh: Phương Lâm.

Du lịch nội địa trở lại mạnh mẽ hơn cả trước dịch. Ảnh: Phương Lâm.

Từ khi mở cửa trở lại, số khách du lịch nội địa khổng lồ không thể khỏa lấp sự vắng mặt của những du khách ngoại quốc.

Hai thái cực

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), lượng khách du lịch nội địa tháng 9 ước đạt 7 triệu lượt. Tổng số khách du lịch nội địa từ đầu năm đạt khoảng 86,8 triệu lượt.

So với mục tiêu 60 triệu khách nội địa, con số hiện tại đã bỏ xa. Thậm chí, con số này cũng đã vượt qua thống kê về khách nội địa năm 2019 - năm "vàng" của du lịch Việt Nam (85 triệu lượt).

Tuy nhiên, số khách quốc tế đến Việt Nam vẫn ít ỏi. Trong 9 tháng năm nay, Việt Nam chỉ đón được khoảng 1,65 triệu lượt khách. Trong đó, riêng tháng 9, Việt Nam đón được 430.000 lượt khách.

 Du khách tắm biển Vũng Tàu dịp 2/9. Ảnh: Quỳnh Danh.

Du khách tắm biển Vũng Tàu dịp 2/9. Ảnh: Quỳnh Danh.

Chia sẻ với Zing, PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận xét: "Thị trường nội địa phục hồi rất tốt và vẫn có thể tăng thêm vào dịp nghỉ lễ cuối năm. Về khách quốc tế, Việt Nam muốn đón nhiều khách hơn nhưng các lý do khách quan khiến con số chưa được như mong đợi".

Theo ông Long, đại dịch Covid-19 đã khiến quá trình phục hồi ở những thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản diễn ra chậm. Hàn Quốc và Nhật Bản mới đón du khách trở lại cách đây chưa lâu, Trung Quốc thậm chí còn chưa mở cửa. Trước dịch, đây chính là thị trường khách quốc tế lớn nhất ở Việt Nam.

Ngoài ra, xung đột ở Ukraine cũng khiến giá nhiên liệu tăng vọt, kéo theo giá các tour đường dài bị đội lên. Vì thế, số khách châu Âu tới Việt Nam cũng giảm sút.

"Chúng ta còn 3 tháng cuối năm là mùa cao điểm của du lịch quốc tế. Tuy nhiên, tôi nghĩ con số 5 triệu khách quốc tế là khó khả quan", ông Long nhận xét.

Chính sách mở cửa

Từ 15/3, Việt Nam chính thức mở cửa lại du lịch quốc tế, chính sách thị thực luôn là tâm điểm. Qua nhiều cuộc thảo luận, đa số đều nhận định Việt Nam cần nới lỏng chính sách thị thực như miễn visa cho nhiều nước hơn, tăng số ngày lưu trú.

Hiện tại, có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ được Việt Nam miễn thị thực (cả đơn phương lẫn song phương). Tuy nhiên, ngoài các nước thuộc ASEAN, đa số công dân thuộc những quốc gia còn lại chỉ có thể lưu trú trong 15 ngày. Trong khi đó, nhiều du khách từ châu Âu có xu hướng ở dài hơn, thậm chí lên tới 30-45 ngày.

Theo nhiều người làm du lịch, đặc biệt là các đơn vị lữ hành chuyên mảng khách inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam), cần có sự nới lỏng chính sách thị thực. Dù vậy, cho tới nay, chính sách vẫn chưa có gì thay đổi. Không ít ý kiến nhận xét có vẻ ngành du lịch Việt Nam đang say trong “men chiến thắng” của du lịch nội địa và quên khách quốc tế.

 Khách nước ngoài thích thú chụp ảnh ở phố đường tàu trước khi đóng cửa. Ảnh: Hà Nam.

Khách nước ngoài thích thú chụp ảnh ở phố đường tàu trước khi đóng cửa. Ảnh: Hà Nam.

Về vấn đề này, ông Long nhấn mạnh không có chuyện ngành du lịch Việt Nam đang ngủ quên trên chiến thắng của khách nội địa. Thực tế, ngành du lịch Việt Nam luôn coi trọng nhóm khách này nhưng những nguyên nhân nói trên là trở ngại lớn.

Chính sách thị thực cũng là một trong những rào cản. Theo PGS Phạm Hồng Long, từ trước đến nay, năng lực cạnh tranh điểm đến thông qua độ mở cửa của Việt Nam chưa thực sự tốt. Tuy nhiên, ông không hoàn toàn đồng tình với quan điểm "miễn thị thực cho càng nhiều quốc gia càng tốt". Việc miễn thị thực phải dựa trên cơ sở tính toán có chọn lọc.

PGS chia sẻ: "Cần nhớ, câu chuyện thị thực không phải vấn đề của riêng ngành du lịch. Nó liên quan đến các bộ, ngành khác. Mỗi bên đều có lý do riêng của mình trong việc mở rộng chính sách miễn thị thực".

Việc miễn thị thực liên quan đến vấn đề ngoại giao song phương và cả đa phương. Khi miễn thị thực cho nước bạn, Việt Nam chắc chắc cũng muốn họ làm điều tương tự với công dân nước ta. Tính song phương trong việc miễn thị thực là điều quan trọng. Nó không chỉ thể hiện quyền bình đẳng về mặt ngoại giao mà còn là quyền lợi cho du khách Việt Nam. Do đó, không phải cứ muốn là miễn thị thực cho công dân các quốc gia khác được.

 Lễ hội Holi ở Việt Nam thu hút đông khách nước ngoài tham gia vào năm 2019. Ảnh: Anh Tú.

Lễ hội Holi ở Việt Nam thu hút đông khách nước ngoài tham gia vào năm 2019. Ảnh: Anh Tú.

Ông Long nhấn mạnh Việt Nam không thể mở tràn lan mà cần chú trọng vào các thị trường tiềm năng. Ví dụ, Ấn Độ, Australia và một số quốc gia Trung Đông là những thị trường Việt Nam muốn hút khách nhưng vẫn chưa miễn thị thực.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có những đối thủ cạnh tranh hút khách du lịch là Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia... Các quốc gia này cũng đang nới lỏng nhiều rào cản để đón thêm khách quốc tế. Nhiều ý kiến nhận định nếu không sớm thay đổi chính sách thị thực, du lịch Việt Nam sẽ hụt hơi trong cuộc đua này.

Quan điểm của PGS Long là hiện chưa thể khẳng định Việt Nam có thua thiệt không. Bởi tình hình "đói" khách quốc tế trong năm nay diễn ra ở nhiều nước, không chỉ riêng Việt Nam. Vào năm sau, khi tình hình du lịch quốc tế ổn định hơn, chúng ta mới có thể đánh giá vấn đề này.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/khach-noi-dia-nhieu-gap-54-lan-khach-quoc-te-a178886.html