36,000 tỷ đô "bốc hơi” khỏi chứng khoán toàn cầu

Cho dù là loại tài sản cực kỳ an toàn như trái phiếu Chính phủ Mỹ hay tài sản rủi ro như cổ phiếu, tất cả đều rơi vào vòng xoáy bán tháo và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đến nay, 36 ngàn tỷ USD đã bốc hơi khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu.

Nhìn về quý cuối cùng của năm, nhà đầu tư không khỏi phiền lòng. Các NHTW đang dồn lực chống lạm phát, thể hiện rõ quyết tâm nâng lãi suất ngay cả khi phải đẩy nền kinh tế vào suy thoái.

Nhìn trong bối cảnh đó, cũng dễ hiểu khi một ai đó lựa chọn cất tiền dưới gối thay vì ném vào thị trường. Khảo sát mới nhất của Bank of America cho thấy tỷ trọng tiền mặt của các nhà quản lý quỹ đang ở mức cao kỷ lục.

Và với những thị trường khởi đầu năm ở mức định giá cao nhất trong nhiều năm (hoặc kỷ lục), việc thanh khoản cạn dần có lẽ đang đưa định giá thị trường “trở lại mặt đất”.

“Chúng ta đang thấy thế giới đang thay đổi về phương diện chính trị lẫn kinh tế, và xu hướng chuyển đổi có thể kéo dài trong phần còn lại của thập kỷ này”, David Dowsett, Trưởng bộ phận đầu tư toàn cầu tại GAM Investment, cho hay. “Thế giới đang trong giai đoạn chuyển đổi sang một thời kỳ mới”.

Bloomberg dẫn lại 4 biểu đồ cho thấy những mất mát của thị trường tài chính toàn cầu trong năm nay, cũng như các tín hiệu đáng ngại về phần thời gian còn lại của năm 2022.

Đổ đèo

Mức lao dốc vốn hóa trong 9 tháng đầu năm đã vượt xa mức lao dốc của thời kỳ khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và đại dịch COVID-19, dựa trên ước tính của chỉ số Bloomberg.

giam-sau-1664770238.png
 

Có lẽ cũng không quá ngạc nhiên khi xét tới lượng tiền mặt đã đổ vào thị trường thế giới trong những năm tiền rẻ vừa qua. Tuy nhiên, mức giảm vốn hóa của năm 2022 vẫn thật sự đáng ngại: 36 ngàn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường trong 9 tháng đầu năm.

Không còn tiền rẻ

Giai đoạn chính sách tiền tệ siêu nới lỏng là nền tảng cho thị trường con bò dài nhất trong lịch sử (chỉ tạm thời bị gián đoạn trong năm 2020 vì COVID). Giờ đây Fed và các NHTW đang rút lại lượng thanh khoản dồi dào đó.

khong-con-tien-re-1664770238.png
 

Các chiến lược gia tại Bank of America ghi nhận được 294 đợt nâng lãi suất trên toàn cầu kể từ tháng 8/2021, cùng với 3.1 ngàn tỷ USD gói “thắt chặt định lượng” trong 7 tháng qua. Kết quả là “vốn hóa cổ phiếu lẫn trái phiếu trên toàn cầu đã đổ nhào”, các chuyên gia cho biết. Chưa hết, các đợt nâng lãi suất và thắt chặt định lượng tỏng thời gian tới sẽ tiếp tục rút cạn thanh khoản trên Phố Wall.

Biến động điên cuồng

Chỉ số đo lường mức độ biến động trên thị trường tiền tệ lẫn trái phiếu luôn ở mức cao trong năm 2022. Trong khi đó, chỉ số CBOE – vốn đo lường nỗi lo sợ trên Phố Wall – vẫn còn thấp hơn so với các thị trường con gấu trong quá khứ. Hiện Goldman Sachs và BlackRock cảnh báo thị trường vẫn chưa phản ánh hết rủi ro suy thoái toàn cầu.

bien-dong-1664770238.png
 

Không còn nơi để ẩn náu

Đât là một năm hiếm hoi khi trái phiếu lẫn cổ phiếu đồng loạt bị bán tháo. Lý do là vì lạm phát đang quá cao và buộc các NHTW phải hành động quyết liệt. Lãi suất ngày càng tăng, giá dầu cao và cuộc chiến ở Ukraine đang phủ bóng đen lên tăng trưởng kinh tế và lợi nhuận doanh nghiệp.

S&P 500 và Nasdaq 100 có thể ghi nhận 3 quý giảm liên tiếp, chuỗi giảm dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và bong bóng dot-com.

khong-con-noi-de-an-nau-1664770238.png
 

Trong khi đó, trái phiếu Chính phủ, vàng thường là các kênh trú an toàn truyền thống, nhưng giảm còn mạnh hơn chứng khoán trong quý 3/2022. Bitcoin và đồng USD là các tài sản duy nhất có tỷ suất dương trong quý 3.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/36000-ty-do-boc-hoi-khoi-chung-khoan-toan-cau-a178896.html