Theo Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét 6 tháng đầu năm, Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, HoSE: ORS) ghi nhận khoản phải thu các dịch vụ công ty chứng khoán cung cấp lên đến 1.382 tỷ đồng, cao gấp tăng gần 2,5 lần so với hồi đầu năm. Được biết đây là các khoản phí ORS sẽ nhận từ đối tác, sau khi cung cấp một số dịch vụ, trong đó trọng tâm là tư vấn phát hành trái phiếu.
Cụ thể, Công ty CP VIG Properties đang nợ doanh nghiệp là 233 tỷ đồng, tăng thêm 33 tỷ đồng so với hồi đầu năm; Công ty CP Tập đoàn R&H nợ 200 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần; ngược lại Công ty CP Vital Investments Group nợ 175 tỷ đồng, giảm 100 tỷ đồng.
Ngoài, ORS nảy sinh thêm hai khoản phải thu khá lớn trong kỳ, bao gồm 210 tỷ đồng đến từ Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Helios và 171 tỷ đồng từ Công ty CP Sài Gòn Thủ Thiêm.
Đây là những khách hàng được ORS công bố chi tiết. Còn nhóm khách hàng khác cũng chứng kiến giá trị phải thu tăng mạnh lên 392 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số cuối năm ngoái là 28,5 tỷ đồng.
Trong những đối tác của ORS thì phải kể đến doanh nghiệp “3 tuổi” - Công ty CP Tập đoàn R&H (Tập đoàn R&H) với những thương vụ nghìn tỷ trái phiếu.
Được biết, Tập đoàn R&H được thành lập 8/2019 và với vốn điều lệ ban đầu ở mức 999 tỷ đồng, trong đó ông Trương Quang Minh, sinh năm 1975 nắm giữ tỷ lệ 70%, đồng thời đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Tập đoàn R&H bắt đầu hoạt động trên HNX từ ngày 15/09/2021, với số vốn điều lệ 1.450 tỷ đồng có trụ sở chính tại Số 107 Nguyễn Phong Sắc, Phường Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.
Dù chỉ mới hơn 3 tuổi, nhưng trên website của mình, Tập đoàn R&H tự hào giới thiệu một chuỗi dự án đình đám, như Grand Mercure Hạ Long Hotel & Resort, Parahills Resort, Grand Mercure Phú Yên, Viên Nam Ecolodge, Viên Nam Resort… trong đó vai trò của doanh nghiệp là nhà đầu tư, nhà phát triển, hoặc đơn vị đồng hành phát triển.
Đáng chú ý, dù mới được thành lập 3 năm Tập đoàn R&H đã đã phát hành thông 7 lô trái phiếu với tổng giá trị gần 8.151 tỷ đồng, gấp 5,6 lần vốn điều lệ. Trong đó, ORS luôn là đối tác của trong việc phát hành những lô trái phiếu “khủng” của Tập đoàn R&H.
Cụ thể, ngày 20/9/2021, Tập đoàn R&H đã phát hành thành công lô trái phiếu RHGCH2122001 với giá trị 650 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào hôm 21/9/2022 vừa qua.
Đến ngày, 14/10/2021, Tập đoàn R&H đã phát hành thành công lô trái phiếu RHGCH2123002 với giá trị 1.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 14/4/2023.
Ngày 25/10/2021, Tập đoàn R&H đã phát hành thành công lô trái phiếu RHGCH2123003 với giá trị 1.000 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 25/4/2023.
Ngày 3/11/2021, Tập đoàn R&H đã phát hành thành công lô trái phiếu RHGCH2123004 với giá trị 500 tỷ đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 18 tháng, đáo hạn vào ngày 3/5/2023.
Đáng chú ý, cả 4 lô trái phiếu nêu trên đều do ORS tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, cho đến đại lý đăng ký, đại lý thanh toán và quản lý chuyển nhượng/đại diện người sở hữu trái phiếu. Giá trị của 4 lô trái phiếu lên tới 3.150 tỷ đồng cao gấp 2,2 lần vốn của Tập đoàn R&H. Qua đó có thẻ thấy, nếu không có sự hỗ trợ liên tục của ORS, sẽ khó để Tập đoàn R&H có thể đáp ứng các quy định về phát hành trái phiếu, với số lượng lớn hơn nhiều lần nguồn vốn nội tại.
Sang năm 2022, Tập đoàn R&H đã phát hành lần lượt thêm 3 lô trái phiếu RHGCH2124005, RHGCH2124006, RHGCH2124007 với tổng giá trị lên đến hơn 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên thông tin về tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý đăng ký, đại lý thanh toán chưa được Tập đoàn R&H công bố. Cho nên việc ORS đứng sau 3 lô trái phiếu này hay không vẫn là một ẩn số.
Tuy nhiên, ORS lại phải ôm lỗ từ việc mua bán trái phiếu từ đối tác “3 tuổi” - Tập đoàn R&H. Đây là một nguyên nhân trọng yếu dẫn tới khoản thua lỗ lịch sử của ORS trong quý 2/2022 vừa qua.
Chỉ tính riêng việc mua bán trái phiếu ở Tập đoàn R&H đã khiến ORS ôm lỗ hơn 100 tỷ đồng, trong tổng lỗ 135 tỷ đồng từ hoạt động mua bán trái phiếu chưa niêm yết. Cuối kỳ, doanh nghiệp báo lỗ sau thuế gần 130 tỷ đồng, là khoản lỗ tồi tệ nhất suốt lịch sử hoạt động của ORS.
Mới đây, ngày 16/9/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 691/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty CP Chứng khoán Tiên Phong với tổng số tiền phạt 250 triệu đồng.
Cụ thể, ORS bị phạt 125 triệu đồng bởi vì những vi phạm quy định về cung cấp dịch vụ tư vấn, gồm việc chưa tuân thủ đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi cung cấp dịch vụ tư vấn trong việc rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về điều kiện chào bán và hồ sơ chào bán trái phiếu theo quy định.
“Trong các hồ sơ tư vấn phát hành trái phiếu riêng lẻ của một số công ty cổ phần chưa đại chúng năm 2022, nội dung hợp đồng tư vấn và đại lý phát hành trái phiếu giữa ORS và khách hàng không có thỏa thuận về đối tượng được bán trái phiếu”, UCKNN chỉ ra vi phạm của ORS.
Đồng thời, ORS cũng bị phạt tiền 125 triệu đồng do vi phạm quy định cho khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua hiện có trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng. Công ty cho các khách hàng thực hiện giao dịch ký quỹ vượt quá sức mua trên tài khoản giao dịch ký quỹ của khách hàng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dang-sau-nhung-thuong-vu-trai-phieu-nghin-ty-dinh-dam-cua-chung-khoan-tien-phong-ors-a179179.html