Dự án Thanh Hà Cienco 5 "đổi chủ": Ai được hưởng lợi?

Sau quyết định của Hà Nội, dự án Thanh Hà Cienco 5 đã đổi chủ đầu tư từ Tập đoàn Mường Thanh của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản sang Hải Phát Invest của ông Đỗ Quý Hải?

Như Dân Việt đã đưa tin, tuần qua nhiều người dâ mua đất tại dự án Thanh Hà Cienco 5 đã xuống đường diễu hành đòi quyền lợi chính đáng của mình. Họ sở hữu đất tại dự án này, nhưng không được phép xây dựng, tiền tỷ bị "chôn" tại khu đô thị Thanh Hà Cienco 5 đã nhiều năm.

Trước đó, ngày 23/11/2020, Văn phòng UBND TP. Hà Nội phát đi thông báo số 554/TB-VP về kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lúc đó là ông Nguyễn Thế Hùng cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 tại Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, huyện Thanh Oai.

Chỉ sau 2 ngày có thông báo kết luận trên, ngày 25/11/2020 ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lúc bấy giờ đã ký Quyết định số 5269/QĐ-UBND.

Tại điều 1, quyết định này ghi rõ: "Điều chỉnh tên người sử dụng đất ghi tại Quyết định 3128/QĐ-UBND ngày 30/07/2008 của UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) về việc thu hồi 1.820.433 m2 đất trên địa bàn các xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh, huyện Thanh Oai, chuyển mục đích sử dụng thành đất phi nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5 như sau: từ Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 thành Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 - CTCP".

van-ban-ubndhn-1664786997925366162914-1664877638.jpg
Quyết định 2569/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội.

Với nội dung quyết định trên, chủ sử dụng đất là Công ty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5 Land) "mất" hơn 182ha đất được giao cách đây 12 năm. Còn Tổng Công ty Công trình giao thông 5 – CTCP (Cienco 5) lại được hưởng 182ha đất để thực hiện dự án khu đô thị Mỹ Hưng – Cienco 5.

Điều đáng nói, Cienco 5 Land thực tế đã được Tập đoàn Mường Thanh của đại gia điếu cày Lê Thanh Thản mua lại và đã triển khai xây dựng nên hình hài của khu đô thị Thanh Hà Cienco 5. Và quyết định này của Hà Nội đã chuyển chủ đầu tư từ Tập đoàn Mường Thanh sang Cienco 5 mà ông chủ thực sự là ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch Hải Phát Invest?

Ai đứng sau "cuộc chơi" của Cienco 5?

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, Cienco 5 được thành lập năm 1995 trên cơ sở sắp xếp lại 1 số đơn vị xây dựng cơ bản đã được điều động từ Khu quản lý đường bộ 5. Công ty hoạt động chính trong các lĩnh vực xây dựng công trình giao thông đường bộ, công trình cầu và kinh doanh bất động sản hạ tầng khu công nghiệp...

Vốn điều lệ của Cienco 5 (theo nội dung thay đổi đăng ký kinh doanh ngày 13/9/2022) là 596 tỷ đồng tỷ đồng với 100% nguồn vốn tư nhân. Cơ cấu sở hữu cụ thể tại Cienco5 không được công bố trong các công bố nội dung thay đổi đăng ký kinh doanh gần đây của doanh nghiệp. Tuy nhiên, những dữ liệu trong quá khứ và hiện tại có thể phần nào thấy được bức tranh về cơ cấu cổ đông chi phối tại Cienco 5.

Cụ thể, trong đăng ký thay đổi kinh doanh nêu trên ông Nguyễn Văn Phương là Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của Cienco 5. Ngoài ông Phương, đại diện pháp luật của Cienco 5 còn có ông Lê Quang Vinh, chức vụ Tổng Giám đốc doanh nghiệp.

Đáng chú ý, ông Nguyễn Văn Phương giữ chức vụ Phó Chủ tịch tại CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, HoSE: HPX) của ông Đỗ Quý Hải.

Trong danh sách người quản lý khác của Cienco 5 từ năm 2016 đến cuối năm 2021 cũng luôn luôn xuất hiện tên ông Hải với vai trò là Thành viên HĐQT của Cienco 5.

Dự án Thanh Hà Cienco 5 "đổi chủ": Ai hưởng lợi? - Ảnh 2.

Giới đầu tư cho rằng, Hải Phát "nuôi" tham vọng muốn thâu tóm, chi phối tuyệt đối Cienco 5 với mục tiêu là Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) và dự án đối ứng. (Ảnh: HP)

Ngược thời gian về tháng 3/2020, khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội phát đi thông báo về việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC sẽ đưa 17,56 triệu cổ phần Cienco 5 (tương đương 40% số cổ phần) ra bán đấu giá trọn lô thì Bản Công bố thông tin đã hé lộ nhóm cổ đông đang nắm quyền chi phối tại Cienco 5.

Theo đó, tại ngày 31/10/2019 vốn điều lệ theo đăng ký kinh doanh là 439 tỷ đồng. Ngoài SCIC đại diện cho phần vốn của Nhà nước, Cienco 5 còn 2 cổ đông lớn khác thuộc nhóm Hải Phát là CTCP Đầu tư Hải Phát – Hải Phát Invest của ông Đỗ Quý Hải (sở hữu 16.980.500 cổ phần tương ứng 38,68% vốn điều lệ) và CTCP Đầu tư Hải Phát Thủ Đô (sở hữu hơn 6,8 triệu cổ phần tương ứng tỷ lệ 15,5%). Khi đó, Hải Phát Invest đang sở hữu 13,76% vốn tại Hải Phát Thủ Đô. Riêng ông Đỗ Quý Hải, sở hữu 40,04% cổ phiếu của Hải Phát Invest và 33,24% vốn điều lệ tại Hải Phát Thủ Đô - theo báo cáo quản trị năm 2019.

Ngay sau đó, chỉ với việc trúng đấu giá trọn lô 17,56 triệu cổ phần vốn nhà nước tại Cienco 5, tương ứng với 40% vốn sở hữu của doanh nghiệp từ SCIC, nhóm cổ đông Hải Phát của ông Đỗ Quý Hải đã có quyền chi phối hoàn toàn Cienco 5. Tỷ lệ sở hữu sau đấu giá của nhóm này chiếm tới 94,18% cổ phần Cienco 5. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của Hải Phát Thủ Đô là 55,5%.

Dự án Thanh Hà Cienco 5 "đổi chủ": Ai được hưởng lợi? - Ảnh 4.

Sau nhiều năm mua đất không được xây nhà, người dân đã xuống đường diễu hành để đòi quyền lợi.

Chưa hết, theo BCTC soát xét của Hải Phát Invest, trong năm 2020 có 23,18% cổ phần Cienco 5 đã chuyển cho Hải Phát Thủ Đô.

Như vậy, nếu tính toán một cách cơ học, Hải Phát Thủ Đô có thể sở hữu tới 78,68% cổ phần Cienco 5, tại thời điểm cuối năm 2020.

Về phía Hải Phát Invest, dù tỷ lệ sở hữu của Hải Phát Invest tại Cienco 5 giảm từ 38,68% vốn về còn 15,5% (tính đến 30/6/2022). Song ngược lại, tỷ lệ đầu tư góp vốn của Hải Phát Invest vào Hải Phát Thủ Đô vào cuối quý II/2022 được ghi nhận là 190 tỷ đồng (giá trị gốc), tương ứng tỷ lệ sở hữu 19%, tăng so với tỷ lệ sở hữu dưới 14% ghi nhận trước đó. Tính đến cuối năm 2021, riêng ông Đỗ Quý Hải sở hữu 29,55% vốn tại Hải Phát Thủ Đô.

Giới đầu tư cho rằng, Hải Phát "nuôi" tham vọng muốn thâu tóm, chi phối tuyệt đối Cienco 5 với mục tiêu là Dự án BT đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) cùng các dự án đối ứng.

Hiện hạ tầng quanh Khu đô thị Thanh Hà A, B đã hoàn chỉnh đồng bộ, thu hút một lượng lớn dân cư đến sinh sống. Trong khi đó, Dự án Khu đô thị Mỹ Hưng (giai đoạn 2 của dự án Thanh Hà) là một trong các dự án đẹp nhất và có tiềm năng nhất tại Hà Nội với quỹ đất cực lớn.

Và với dữ kiện như kể trên, chắc hẳn không ít người nhận định Cienco 5 cùng KĐT Mỹ Hưng 182ha về bản chất là "cuộc chơi" của nhóm Hải Phát?

Năng lực của ông chủ mới khu đô thị Thanh Hà đến đâu?

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt giai đoạn 2017 – 2018, doanh thu thuần của Cienco 5 lần lượt đạt 489 tỷ đồng và 275 tỷ đồng. Doanh thu giảm tới gần 44%, lợi nhuận trước thuế cũng "bốc hơi" gần 26% sau 1 năm (năm 2017 lợi nhuận trước thuế đạt 1,2 tỷ đồng, năm 2018 lợi nhuận trước thuế chỉ còn 892 triệu đồng).

Dự án Thanh Hà Cienco 5 "đổi chủ": Ai hưởng lợi? - Ảnh 4.

Lợi nhuận trước thuế năm 2017, 2018 của Cienco 5 chỉ quang mức 1 tỷ đồng.

Hệ số lợi nhuận sau thuế/doanh thu thuần 0,19% năm 2017 cũng vì thế tụt xuống còn 0,11% vào năm 2018.

Trong khi hệ số lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu chỉ ở mức 0,07% vào năm 2018 và hệ số lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản chỉ ở mức 0,01% (năm 2017 là 0,04%). Có thể thấy, khả năng sinh lời của Cienco 5 giai đoạn này còn khiêm tốn.

Không chỉ vậy, nợ vay cũng là vấn đề đáng lưu tâm của Cienco 5.

Theo đó, tại thời điểm năm 2018, nợ chiếm tới 79 – 80% tổng nguồn vốn/tài sản của doanh nghiệp và gấp 3,8 – 3,9 lần so với vốn chủ sở hữu của Cienco5.

Từ năm 2018 trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Cienco 5 cũng không mấy tích cực, vẫn "ngập" trong nợ.

Dự án Thanh Hà Cienco 5 "đổi chủ": Ai hưởng lợi? - Ảnh 5.

Nhiều nhà dân tại dự án Thanh Hà Cienco 5 đang xây dựng đã phải tạm dừng, cỏ mọc, sắt han dỉ. Ảnh: Nguyễn Thái.

Trong khi đó, sức khỏe tài chính của nhóm cổ đông Hải Phát cũng khiến cho giới phân tích quan ngại.

Tại Hải Phát Invest, lợi nhuận sau thuế trong nửa đầu năm nay giảm 80,6 % so với con số đạt được cùng kỳ năm ngoái, chỉ ở mức 30 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của Hải Phát Invest bán niên 2022 cũng cho thấy, doanh nghiệp này đối diện với tình trạng dòng tiền kinh doanh âm hơn 600 tỷ đồng. Dòng tiền thiếu hụt đến mức Hải Phát Invest phải vay để trả lương, thưởng cho nhân viên.

Về phía Hải Phát Thủ đô, theo dữ liệu của Dân Việt, nguồn tiền của doanh nghiệp này có được phần nào nhờ việc cầm cố cổ phần tại Cienco 5 thuộc sở hữu của Hải Phát Thủ Đô.

Như 26/3/2020, Hải Phát Thủ Đô đã thế chấp 17.560.000 cổ phần tại Cienco 5 (tỷ lệ so với vốn điều lệ của Cienco 5 là 40%) tại CTCP HBI (HBI).

Tháng 12/2020, 10.176.000 cổ phần thuộc sở hữu của Hải Phát Thủ Đô tại Cienco 5 theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần số 091-2 ngày 20/08/2020 được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Việt Á Chi Nhánh Hà Nội.

Chưa hết, tháng 4/2021, Hải Phát Thủ Đô dùng 24.364.500 cổ phần thuộc sở hữu của Công ty tại Cienco 5 theo Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần do Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 - CTCP cấp ngày 24/05/2017, cập nhật tăng ngày 31/03/2020 cầm cố tại Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh Hà Đông.

Trước đó một tháng, Ngân hàng TMCP Việt Á Chi nhánh Hà Đông nhận thế chấp tài sản bảo đảm là toàn bộ các quyền tài sản của Bên bảo đảm bao gồm các khoản tiền, quyền đòi nợ, quyền yêu cầu thanh toán, quyền được bồi thường thiệt hại, quyền thụ hưởng bảo hiểm được hưởng theo Hợp đồng hợp tác đầu tư số 1803/2021/HTĐT/CIENCO5-HPTĐ ngày 18/03/2021 và các phụ lục kèm theo (nếu có) được ký giữa Bên bảo đảm và Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5-CTCP về việc thực hiện hợp tác triển khai xây dựng dự án: "Khu đô thị mới Mỹ Hưng - Cienco 5" tại xã Cự Khê, Mỹ Hưng, Tam Hưng, Bình Minh huyện Thanh Oai, Thành phố Hà Nội.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/du-an-thanh-ha-cienco-5-doi-chu-ai-duoc-huong-loi-a179308.html