Chứng khoán Mỹ tăng mạnh phiên thứ hai liên tiếp, giá dầu đi lên trước thềm cuộc họp OPEC+

Hai phiên “xanh rực” của giá cổ phiếu của Phố Wall trong hai ngày đầu tuần được hậu thuẫn nhiều bởi sự xuống thang của lợi suất trái phiếu. Ngoài ra, một dữ liệu kinh tế vĩ mô ảm đạm lại được thị trường đón nhận như tin tốt...

chung-khoan-my-1664937423.jpeg Ảnh minh hoạ - Ảnh: Reuters.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (4/10), khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giữ đà suy yếu. Giá dầu thô cũng có thêm một phiên tăng trước khi OPEC+ có cuộc họp sản lượng mà giới đầu tư cho rằng liên minh này sẽ công bố một quyết định cắt giảm sản lượng mạnh tay.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 825,43 điểm, tương đương tăng 2,8%, đạt 30.316,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,06%, đạt 3.790,93 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 3,34%, đạt 11.176,41 điểm.

Hai phiên “xanh rực” của giá cổ phiếu của Phố Wall trong hai ngày đầu tuần được hậu thuẫn nhiều bởi sự xuống thang của lợi suất trái phiếu. Phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có lúc trượt dưới 3,6%, sau khi lập đỉnh 14 năm ở mức hơn 4% vào tuần trước.

Ngoài ra, một dữ liệu kinh tế vĩ mô ảm đạm lại được thị trường đón nhận như tin tốt. Số liệu mới nhất cho thấy số công việc cần tuyển dụng ở Mỹ không đạt dự báo. Một số nhà đầu tư dựa vào con số này để đánh giá về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giãn tiến độ tăng lãi suất.

Thị trường đặt câu hỏi liệu đó có phải là một trong những tín hiệu rằng sau cú giảm mạnh trong quý 3 vừa qua, giá cổ phiếu ở Phố Wall cuối cùng đã qua đáy.

“Tôi không nghĩ là chúng ta cần phải lo lắng về suy thoái cho tới nửa sau của năm 2023”, chiến lược gia trưởng Barry Bannister của Stifel nói với hãng tin CNBC. “Từ nay tới đó, dư địa để hồi phục vẫn còn trong nửa đầu của năm sau”.

Trong tháng 8, cứ mỗi 1 người thất nghiệp ở Mỹ lại có 1,7 công việc cần tuyển dụng, giảm từ mức 2 công việc trong tháng 7. Tuy nhiên, tỷ lệ sa thải vẫn ở mức thấp, và điều này được một số nhà phân tích xem là tín hiệu cho thấy một thị trường lao động vẫn thắt chặt, có thể buộc Fed tiếp tục mạnh tay nâng lãi suất để “hạ nhiệt” nền kinh tế, kéo lạm phát xuống.

“Chúng tôi không cho là Fed có thể thay đổi kế hoạch chính sách tiền tệ trong cuộc họp tới. Theo quan điểm của chúng tôi, thị trường lao động chỉ mới chuyển từ ‘cực kỳ thắt chặt’ sang ‘rất thắt chặt’ và Fed có thể sẽ phải phản ứng bằng một đợt tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm nữa vào tháng tới”, chuyên gia kinh tế trưởng Jeffrey Roach của LPL Financial nhận định.

Nhưng dù sao, số liệu suy yếu từ thị trường lao động, cộng thêm một báo cáo về ngành sản xuất của Mỹ không đạt dự báo vào hôm thứ Hai tuần này, và việc Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) tăng lãi suất ít hơn dự báo đã khiến thị trường lạc quan trong phiên giao dịch này.

Trong cuộc họp ngày 4/10, RBA nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, thay vì 0,5 điểm phần trăm như dự báo trước đó của giới phân tích, làm dấy lên hy vọng rằng các ngân hàng trung ương khác có thể hành động tương tự.

“Rõ ràng, quyết định ngày hôm nay của RBA đã làm dấy lên những đồn đoán rằng các ngân hàng trung ương khác cũng sẽ giãn tiến độ tăng lãi suất”, Reuters dẫn phân tích của TD Securities.

Bên cạnh đó, thị trường cũng được hỗ trợ bởi đà “giảm nhiệt” của tỷ giá đồng USD. Chỉ số Dollar Index giảm 1,44%, còn 110,14 điểm. Tuần trước, có lúc chỉ số đạt gần 115 điểm, cao nhất 20 năm.

Nhà đầu tư đang chờ báo cáo việc làm tháng 9 của Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu. Đây là một dữ liệu lớn và quan trọng, có thể giữ vai trò quyết định đường đi chính sách của Fed trong thời gian tới.

Tăng là xu hướng chung của chứng khoán thế giới phiên ngày 4/10. Chỉ số MSCI All Country Wolrd Index có lúc tăng 3,3%. Chứng khoán châu Âu có phiên tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 3, với chỉ số Stoxx 600 tăng 3,1%. Chứng khoán Anh tăng mạnh kể từ tháng 6, với chỉ số FTSE 100 tăng 2,6%, lên mức cao nhất kể từ hôm 23/9.

Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 3,1%, đạt 91,62 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 3,2%, đạt 86,26 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên ngày thứ Hai, giá dầu Brent tăng hơn 4% và giá dầu WTI tăng hơn 5%.

Ngoài việc “ăn theo” sự phục hồi của thị trường chứng khoán, giá dầu còn đang được hỗ trợ bởi khả năng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng dầu/ngày trong cuộc họp vào ngày 5/10 tại Vienna, Áo. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

“Mặc cuộc chiến tranh ở Ukraine, OPEC+ chưa bao giờ mạnh mẽ như hiện nay và họ sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để hỗ trợ giá dầu”, nhà phân tích cấp cao Edward Moya của Oanda nhận định.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-my-tang-manh-phien-thu-hai-lien-tiep-gia-dau-di-len-truoc-them-cuoc-hop-opec-a179499.html