Vẫn có những đất nước không muốn bỏ lỡ thị trường tài chính crypto. Câu hỏi với họ là làm cách nào kiểm soát được tiền ảo? Mỹ có lẽ là quốc gia đang đi gần đến câu trả lời nhất. Hoàn toàn có khả năng trong tương lai trung hạn, Washington D.C. sẽ tiến đến thao túng thị trường Bitcoin toàn cầu thông qua đồng tiền ảo Tether.
Trăm ngàn câu hỏi
Tether và một số đồng tiền ảo khác như Dai, Binance USD hay DGX được xếp chung vào nhóm gọi là “stablecoin”. Đa số các đồng tiền ảo, trong đó có cả Bitcoin, có giá trị được “thả nổi” do cung cầu thị trường quyết định. Điều này tạo cho những đồng tiền ảo này khả năng sinh lời ghê gớm, nhưng rủi ro cũng nhiều không kém. Trong khi đó, giá trị của stablecoin được ấn định theo quy đổi cố định với một loại tài sản thật - ví dụ như 1 Tether luôn đổi được 1 đồng USD. Nhà đầu tư crypto sẽ dùng Bitcoin mua Tether để bảo vệ khoản lợi nhuận từ chênh lệch mua bán mình kiếm được. Công ty trách nhiệm hữu hạn Tether (công ty con thuộc tập đoàn tài chính Hong Kong iFinex) có nguồn quỹ USD của riêng họ để thực hiện việc trao đổi từ Bitcoin sang Tether rồi sang USD.
Trụ sở Cục Kiểm soát chứng khoán phái sinh Mỹ.
Giá trị từng thời điểm của Tether phụ thuộc nhiều vào việc công ty chủ quản có bao nhiêu USD trong ngân quỹ. Theo báo cáo của Tether, tổng số tài sản họ nắm giữ rơi vào khoảng 66,4 tỷ USD vào ngày 30-6 vừa qua. Con số này đã giảm từ mức 82,4 tỷ USD vào cuối ngày 30-6. Lý do được Tether đưa ra là họ phải trả 16 tỷ USD cho những khách hàng đổi tiền từ Bitcoin sang USD. Điều này không đáng ngạc nhiên, vì thị trường tiền ảo liên tục suy thoái trong năm 2022. Số lượng giao dịch trên các sàn tiền ảo toàn cầu trung bình giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều nhà đầu tư quyết định thoái vốn, từ đó tăng nhu cầu bán Bitcoin để mua USD.
Vấn đề nằm ở chỗ liệu Tether thật sự có 66,4 tỷ USD không? Cục Quản lý chứng khoán phái sinh Mỹ vừa mới phạt công ty này 41 triệu USD vì tội khai báo không nhằm nâng giá trị nguồn quỹ của mình lên. Cục này tuy vậy không cho biết Tether thực chất đang nắm giữ bao nhiêu. Tờ Financial Times nhận xét: “Rất có thể Cục Quản lý chứng khoán phái sinh sợ việc tiết lộ nguồn quỹ thật của Tether sẽ gây ra hỗn loạn hay thậm chí là sụp đổ thị trường crypto. Không ai biết chính xác có bao nhiêu giao dịch Bitcoin có dính dáng tới Tether, nhưng theo các chuyên gia, con số chắc chắn lớn hơn 35%”.
Câu hỏi đáng được đặt ra vào lúc này là vì sao nhà chức trách Mỹ lại “giơ cao đánh khẽ” với Tether? Kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền, một trong những cải tổ được ông chú ý nhiều là việc “dọn sạch” thị trường crypto. Chỉ trong năm 2021, người Mỹ đã mất khoảng 1 tỷ USD cho các chiêu trò lừa đảo. Đây mới chỉ là con số được báo cáo lên Ủy ban Thương mại Mỹ. Trước thực tế này, chính phủ và Cục Dự trữ liên bang đã phải làm điều mà nhà chức trách Mỹ rất hiếm khi làm: Tăng cường kiểm soát ở cả hai đầu của thị trường tài chính.
Ngay cả những người trong cuộc cũng không chắc chắn về triển vọng tương lai của Tether.
Biện pháp đầu tiên mà chính phủ Mỹ đưa ra là trừng phạt và ngăn chặn các sàn giao dịch tiền ảo trở thành công cụ rửa tiền của tội phạm, khủng bố và các quốc gia thù địch với Mỹ. Mới đây Bộ Tài chính đã phạt sàn tiền ảo Tornado Cash vì tội “ngoảnh mặt quay đi” để cho hacker nước ngoài và cartel ma túy ở Nam Mỹ rửa tiền. Tornado Cash được xếp vào nhóm các sàn “mixer”, có nghĩa là họ tập trung các tài sản ảo và một tài khoản lớn rồi sau đó mới chuyển đổi ra tiền mặt. Làm như thế này, các cơ quan hành pháp rất khó xác định được nguồn gốc tài sản ảo ban đầu.
Không ít các khách hàng của Tornado Cash cũng sử dụng Tether, và hai công ty chủ quản của những công cụ này có hợp tác với nhau. Việc đang được đem ra bàn thảo là chính phủ Mỹ có nên xử phạt Tether vì mối quan hệ trên? Bà Ari Redboard, nguyên cố vấn cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ và nay là lãnh đạo của công ty nghiên cứu phần mềm quản lý crypto TRM Labs, nhận xét: “Xử phạt Tornado Cash mà để cho Tether thoát thì việc phạt cũng không có tác dụng gì. Tornado Cash dựa rất nhiều vào Tether để chuyển đổi số tài sản ảo ra tiền mặt. Mặt khác, giá trị của Tornado Cash nằm ở phần mềm của họ. Giả sử Tornado Cash có bị cấm hoạt động đi nữa, thì những người đứng sau vẫn có thể dễ dàng lập nên một sàn giao dịch mới”.
Về phần mình, giám đốc kỹ thuật Paolo Ardoino của Tether tuyên bố: “Tether vẫn chưa nhận được bất kỳ yêu cầu cầu nào từ phía chính quyền Mỹ… Trên lý thuyết thì Tether có quyền từ chối chính quyền Mỹ vì chúng tôi là một công ty Hong Kong. Tuy nhiên chúng tôi hoạt động dựa trên sự tôn trọng luật pháp các nước và sẽ xem xét nghiêm túc yêu cầu của chính phủ bất kỳ quốc gia nào”.
Vài ngày sau tuyên bố nói trên, Tether ra thông cáo cho biết phần trăm các tài sản phi trái phiếu chính phủ Mỹ của họ đã tăng lên. Hiện trong ngân quỹ của công ty này có khoảng 39,2 tỷ USD là trái phiếu chính phủ Mỹ. Không loại trừ khả năng thông cáo này là cách để Tether trấn an các khách hàng không chỉ trước vấn đề Tornado Cash mà còn vì nền kinh tế Mỹ suy thoái nghiêm trọng nên giá trị trái phiếu do họ phát hành ở trong trạng thái rủi ro.
Tether đóng vai trò quan trọng là công cụ trừng phạt kinh tế của Mỹ.
Tham vọng của Tether
Kể từ khi đồng stablecoin Luna “sụp đổ” theo chuỗi blockchain Terra hồi tháng năm vừa qua, thị trường crypto toàn cầu đang trải qua một cuộc khủng hoảng niềm tin. Nhà phân tích tài chính Cas Pianey giải thích: “Thị trường đang đi đến chỗ thoái trào nên đa số các nhà đầu tư hiện nghĩ đến việc làm thế nào để bảo toàn tài sản của mình. Stablecoin tuy vậy không thể làm yên lòng họ được. Vụ việc Terra-Luna cho thấy rằng khi giá trị các đồng tiền ảo “đâm đầu xuống đất”, các công ty phát hành stablecoin hoàn toàn không có đủ khả năng tài chính để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư muốn “tháo chạy” khỏi thị trường”.
Còn nhớ khi mới ra đời vào năm 2014, điểm thu hút lớn nhất của Tether là mức quy đổi cố định 1 Tether = 1 USD. Vậy nhưng các nhà đầu tư đã sớm nhận ra rằng mức quy đổi này thiếu tính thực tế. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng ngân quỹ của Tether không đuổi kịp với tốc độ tăng giá trị các tài khoản mà họ nhận đảm bảo. Thứ hai, bản thân Tether cũng đã trở thành một loại hàng hóa đầu cơ. Chỉ cần một số khách hàng cỡ vừa thôi đòi quy đổi tài khoản Tether của họ sang USD, giá trị của Tether sẽ đột ngột rớt xuống đáy.
Vụ việc Tornado Cash cũng đặt cho công ty Tether một câu hỏi khác. Điểm thu hút của tiền ảo là tính “vô danh” của nó. Các dòng tiền ảo qua lại giữa những quốc gia khác nhau mà không phải chịu sự kiểm soát của bất kỳ chính phủ nào. Giả sử Tether chấp nhận yêu cầu của Bộ Tài chính Mỹ và “đóng băng” bất kỳ tài khoản nào có liên quan tới Tornado Cash. Điều này đi ngược lại hoàn toàn với mục đích sử dụng của tiền ảo và chắc chắn sẽ khiến nhiều khách hàng tức giận.
Vậy tại sao nhiều chuyên gia lại nghĩ rằng Tether sẽ chấp nhận yêu cầu trên? Bởi vì gần đây họ đã làm điều tương tự. Tờ Financial Time mới đây đã đăng một bài điều tra cho biết Tether đã chuyển hết thông tin những khách hàng nào chuyển đổi từ đồng tiền của họ sang đồng Ruble Nga cho Bộ Tài chính Mỹ. Trước đó vài tháng, phía Mỹ và Ukraine đã lên tiếng kêu gọi Tether cấm hẳn việc chuyển đổi này như một phần trong chính sách trừng phạt Nga. Tether ngoài mặt thì từ chối yêu cầu này, nhưng trong lòng thì lại bí mật làm “gián điệp” cho phía Mỹ. Ông Paolo Ardoino bào chữa cho hành động này: “Tether là một nền tảng phi chính trị và không ủng hộ việc khách hàng sử dụng Tether vào mục đích chính trị… Hành động của Tether sẽ có tác dụng tốt cho việc tăng niềm tin của cộng đồng thế giới vào khả năng kiểm soát kinh tế toàn cầu của Mỹ, từ đó hoàn toàn có khả năng đẩy giá đồng USD lên. Người được hưởng lợi cuối cùng vẫn sẽ là khách hàng”.
Những sàn giao dịch tiền ảo như Tornado Cash là công cụ tốt để thực hiện rửa tiền.
Tại sao Tether lại sẵn sàng đánh đổi uy tín của mình để “làm thân” với chính phủ Mỹ? Một bài đăng trên website của họ với tiêu đề “Tether là đồng petrodollar mới” có thể là câu trả lời. Người phát ngôn của Tether viết: “Mỹ đã đảm bảo được vị thế đầu tầu nền kinh tế thế giới sau khi thuyết phục được các nước Vùng Vịnh bán dầu bằng USD, từ đó tạo nên hệ thống petrodollar (“Đô-la dầu mỏ”). Các nước không có nguồn nhiên liệu dồi dào ở châu Á và Châu Âu buộc phải mua USD để mua dầu mỏ, từ đó khiến cho nhu cầu USD luôn ở mức cao và tạo cho Mỹ một vị trí kinh tế chiến lược… Trong bối cảnh các đồng tiền ảo đang trở nên ngày càng phổ biến, Tether có thể đóng vai trò đồng petrodollar mới”.
Nói ngắn gọn thì Tether đang muốn trở thành một công cụ địa-chính trị mới của Mỹ. Họ tự tin rằng với nguồn ngân sách và ảnh hưởng của mình trên thị trường crypto, Tether hoàn toàn có thể trở thành đồng tiền “chống lưng” mới cho nền kinh tế mới, đồng thời là “cây gậy” để Mỹ đe dọa các tổ chức, chính phủ nước ngoài.
Nhà phân tích Cas Pianey nhận xét: “Bữa tiệc đã tàn, và Tether đang bị đặt trong một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Họ không có nhiều cơ hội để tiếp tục tăng trưởng, nhưng cũng không thể tuyên phố giải thể vì có quá nhiều trách nhiệm hợp đồng đối với cổ đông và khách hàng. Sự lựa chọn duy nhất của Tether là tìm con đường mới để đi. Có vẻ như ban lãnh đạo công ty chủ quản đã chọn cách biến Tether thành một ngân hàng, hay đúng hơn là ngân hàng dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ. Nếu họ thành công, không những sự tồn tại của Tether sẽ được đảm bảo mà họ sẽ còn lớn mạnh lên gấp nhiều lần”.
Quyền được kiểm soát một lượng lớn các giao dịch trên thị trường crypto quả là “miếng mồi” béo bở đổi với Mỹ. Chúng ta hoàn toàn có thể tưởng tượng được một tương lai mà tiền ảo mất đi tính độc lập của mình và phải chịu sự kiểm soát từ phía Mỹ. Mặt khác đã có không ít quan chức Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ lên tiếng nghi ngờ về tính hợp pháp và độ ổn định của Tether. Điều mà các chuyên gia có thể chắc chắn vào lúc này là thị trường tiền ảo đang trượt dốc, và các cá thể trên thị trường sẽ tìm mọi cách tự cứu với mình trước khi thị trường chạm đáy.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/tether-cong-cu-thao-tung-thi-truong-bitcoin-a179662.html