Điều gì đang xảy ra với Credit Suisse - nhà tài trợ vốn quen mặt của nhiều tập đoàn Việt Nam?

Nỗ lực trấn an nhà đầu tư của CEO Ulrich Koerner dường như đã phản tác dụng. Tin đồn 'Credit Suisse vỡ nợ' trở thành chủ đề gây xôn xao trên các diễn đàn mạng xã hội Twitter, Reddit.

Điều gì đang xảy ra với Credit Suisse - nhà tài trợ vốn quen mặt của nhiều tập đoàn Việt Nam? ảnh 1

Điều gì đang xảy ra với Credit Suisse - nhà tài trợ vốn quen mặt của nhiều tập đoàn Việt Nam? (Ảnh: CNN)

Credit Suisse đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn khi tin đồn bủa vây ngân hàng Thuỵ Sĩ diễn ra vào đúng thời điểm tâm lý của nhà đầu tư trên khắp thế giới đặc biệt nhạy cảm trước đà lao dốc của chứng khoán, tiền kỹ thuật số.

Nhiều ngày qua, Credit Suisse đã nỗ lực tìm cách xoa dịu tâm lý lo lắng của nhà đầu tư trước những đồn đoán về sức khoẻ tài chính của ngân hàng này trên các nền tảng mạng xã hội.

Nguyên nhân được cho là vì giá các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Credit Suisse tăng vọt lên mức kỷ lục 250 điểm cơ bản, trong khi đầu năm 2022, chỉ số này mới chỉ ở mức 57 điểm cơ bản.

CDS là công cụ phái sinh, thường được dùng để phòng vệ rủi ro tài chính (rủi ro vỡ nợ). Nó tương tự một loại hợp đồng bảo hiểm mà bên mua phải trả phí để được bồi thường một khoản tiền cố định nếu sự cố thực sự diễn ra. Việc CDS của Credit Suisse tăng mạnh, do đó, đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng phá sản của nhà băng này.

Credit Suisse, nên biết, là nhà tài trợ vốn quen mặt của nhiều tập đoàn lớn tại Việt Nam, kể như: Vingroup, Masan Group,...

Điều gì đang xảy ra với Credit Suisse - nhà tài trợ vốn quen mặt của nhiều tập đoàn Việt Nam? ảnh 2

Nguồn: Financial Times

'Khám' sức khoẻ tài chính Credit Suisse

Theo Financial Times, sau khi Credit Suisse tuyên bố việc thoái lui khỏi mảng ngân hàng đầu tư (mảng kinh doanh truyền thống, cốt lõi của Credit Suisse) và sa thải hàng nghìn nhân viên để cắt giảm khoảng 1,5 tỉ Franc Thuỵ Sĩ (CHF) chi phí, giới chuyên gia tài chính đang tìm câu trả lời cho câu hỏi: Nhu cầu vốn của Credit Suisse thực sự lớn cỡ nào?

Các nhà phân tích của Deutsche Bank từng ước tính rằng, Credit Suisse sẽ cần huy động thêm khoảng 4 tỉ CHF để tiến hành tái cấu trúc, mở rộng các mảng kinh doanh khác và tăng cường hệ số an toàn vốn nhằm tuân thủ các quy định pháp lý.

Trong khi đó, các nhà phân tích tại Keefe, Bruyette & Woods lại đưa ra con số lên tới 6 tỉ CHF. Họ lập luận rằng, sau khi bán tài sản, Credit Suisse sẽ phải kêu gọi các nhà đầu tư rót vốn 4 tỉ CHF “để rót cho một kế hoạch phát triển rõ ràng và/hoặc để bù đắp cho những vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra như kiện tụng hay bị mất đi lượng khách hàng".

Trên mạng xã hội, các nhà đầu tư và giới chuyên gia quan tâm tới mức độ an toàn vốn và thanh khoản của Credit Suisse.

Trong thông báo kết quả kinh doanh được công bố vào tháng 7/2022, Credit Suisse cho biết tỷ lệ vốn cổ phần phổ thông cấp 1 (common equity tier one ratio - viết tắt: CET1) của nhà băng này ở mức 13,5%, nằm trong khoảng mục tiêu 13-14% trong năm 2022. Chỉ tiêu này tăng từ mức 11,4% trong năm 2015 và 12,9% trong năm 2020.

So với các ngân hàng khác của châu Âu, CET1 của Credit Suisse tương đương với UBS, HSBC, Deustche Bank và BNP Paribas. Ngoài ra, nhà băng này còn 15,7 tỉ CHF vốn cấp 1 bổ sung (AT1), được huy động từ 'trái phiếu chuyển đổi dự phòng' (“contingent convertibles” bonds) - bởi chúng có thể được chuyển đổi thành vốn cổ phần trong những thời điểm căng thẳng.

Riêng trong mùa hè năm 2022, Credit Suisse đã huy động được 1,5 tỉ USD vốn AT1, thông qua đợt chào bán trái phiếu với lãi suất 9,75%/năm.

Ngoài ra, Credit Suisse còn có 44,2 tỉ CHF vốn cấp 2 (Gone concern capital; hoặc Tier 2 capital). Đây là vốn nhà băng này bổ sung theo yêu cầu của cơ quan quản lý Thụy Sĩ để xử lý các khoản lỗ mà không dẫn đến phá sản./.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dieu-gi-dang-xay-ra-voi-credit-suisse-nha-tai-tro-von-quen-mat-cua-nhieu-tap-doan-viet-nam-a179823.html