Finhay Việt Nam liên tiếp thua lỗ trước cảnh báo của Ủy ban Chứng khoán

Bên cạnh cảnh báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả kinh doanh của Finhay Việt Nam liên tiếp thua lỗ, nợ cao gấp 30 lần vốn chủ sở hữu là những vấn đề mà các nhà đầu tư vào Finhay thực sự cần phải lưu tâm.

Như đưa tin, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chiều 5.10 phát đi cảnh báo nhà đầu tư về hoạt động cung cấp dịch vụ về chứng khoán trên không gian mạng của Passion Invest, Finhay, Tikop, Infina, Savenow, BUFF… chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhấn mạnh các nhà đầu tư cần thận trọng khi thực hiện các giao dịch đầu tư chứng khoán trên các app giao dịch này, đồng thời nhà đầu tư chịu trách nhiệm đối với các rủi ro có thể phát sinh.

App kết nối đầu tư sinh lời lại liên tiếp thua lỗ

finhay-1665108549.jpg Theo quảng cáo, sức hấp dẫn của ứng dụng Finhay đến từ đồng vốn nhà đầu tư thấp, hứa hẹn tăng trưởng cao. Ảnh: CMH

 

Đáng chú ý, trong danh sách trên, Finhay là cái tên khá quen thuộc với nhiều người, thường xuyên được lồng quảng cáo trong các video phát trên nền tảng YouTube, được nhiều người nổi tiếng như ca sĩ, diễn viên, doanh nhân... quảng cáo.

Finhay được giới thiệu là một ứng dụng tài chính cá nhân và mới mua lại Công ty CP chứng khoán Vina. Tài sản của người dùng ứng dụng sẽ được chuyển tới Công ty CP quản lý Quỹ Thiên Việt thông qua Finhay theo hợp đồng quản lý danh mục đầu tư. Các sản phẩm gồm có quản lý quỹ, chứng khoán, vàng...

Theo quảng cáo, sức hấp dẫn của ứng dụng này đến từ đồng vốn nhà đầu tư bỏ ra thấp, chỉ từ 10.000 đồng đã có thể đầu tư cổ phiếu, từ 50.000 đồng có thể đầu tư quỹ với mức "tăng trưởng bền vững hằng năm" từ 6% đến 49,5%.

Đáng chú ý, chủ đầu tư của Finhay – Công ty Cổ phần Finhay Việt Nam - đang có chuỗi kết quả kinh doanh kém khả quan trong thời gian gần đây, bất chấp doanh thu tăng trưởng theo từng năm.

Đơn cử, năm 2017 – năm đầu tiên thành lập - Finhay Việt Nam chưa ghi nhận doanh thu, chỉ tiêu này đạt 11 triệu đồng năm 2018, gần 1 tỉ năm 2019, 3 tỉ năm 2020 và tăng vọt lên hơn 81 tỉ năm 2021.

Tuy nhiên, lợi nhuận của Finhay Việt Nam lại được vận hành theo chiều hướng doanh thu càng cao, doanh nghiệp càng thua lỗ.

Theo đó, năm 2017, Finhay Việt Nam báo lỗ sau thuế 10 triệu đồng, lỗ 144 triệu đồng năm 2018, lỗ gần 5 tỉ đồng năm 2019, lỗ 21 tỉ đồng năm 2021 và lỗ gần 63 tỉ đồng năm 2021.

Ngoài ra, nợ phải trả tăng nhanh trong những năm qua cũng là vấn đề của Finhay Việt Nam. Tính đến cuối năm 2021, Finhay Việt Nam có 2.194 tỉ đồng nợ phải trả, tăng hơn 1.200 tỉ đồng sau 2 năm.

Tại ngày 31.12.2021, vốn chủ sở hữu Finhay Việt Nam đạt khoảng 74 tỉ đồng. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ của Finhay Việt Nam lên đến gần 30 lần, cho thấy doanh nghiệp đang sử dụng đòn bẩy tài chính cực kỳ cao.

Bên cạnh cảnh báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kết quả kinh doanh liên tiếp thua lỗ, nợ cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu thực sự là những vấn đề mà các nhà đầu tư vào Finhay thực sự cần phải lưu tâm trong giai đoạn sắp tới.

Đầu tư bất động sản với chỉ 50.000 đồng

Tương tự như Finhay, Tikop là một nền tảng công nghệ tài chính cung cấp các gói tích luỹ với lợi nhuận từ 5,5%-8,6%/năm. Thậm chí, với 50.000 đồng, khách hàng có thể tham gia đầu tư bất động sản với mức lợi nhuận lên đến 10%/năm.

Trong khi đó, Passion Invest là công ty đã hoạt động từ năm 2015, cung cấp sản phẩm hợp tác kinh doanh với mức vốn tối thiểu từ 300 triệu đồng dành cho phần lớn các khách hàng cá nhân.

Bên cạnh đó, các khách hàng cá nhân có số vốn lớn và các khách hàng tổ chức có thể hợp tác với Passion Investment thông qua sản phẩm quản lý tài khoản riêng từ 50 tỉ đồng.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/finhay-viet-nam-lien-tiep-thua-lo-truoc-canh-bao-cua-uy-ban-chung-khoan-a180163.html