Nhiều dự án của Vạn Thịnh Phát vào "tầm ngắm" Thanh tra Chính phủ

Thanh tra Chính phủ cho biết, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản nhà nước sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến những sai phạm trong việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP. HCM, Thanh tra Chính phủ vừa ban hành kết luận thanh tra và các thông báo liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…

Theo kết luận thanh tra, tại dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP. HCM do CTCP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Chủ tịch HĐQT là bà Trương Mỹ Lan) làm chủ đầu tư, vào tháng 7/2021, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận, chỉ rõ nhiều sai phạm tại dự án này...

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản nhà nước thì kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Dẫn nguồn Công an Nhân dân, theo kết luận thanh tra, dự án tại số 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo do Tập đoàn Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư có tổng diện tích đất 1.954 m2, khu đất này có nguồn gốc là đất của nhà nước. Khu đất này trước đây là khách sạn Vạn Xuân, được Kiến trúc sư trưởng TP. HCM cấp phép xây dựng cho Liên hiệp Dịch vụ - Sản xuất - thương mại (thuộc Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn).

van-thinh-phat-1665194947.jpg
 

 

Mặt tiền khu "đất vàng" gần 2.000 m2 trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1, đã thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Ảnh Minh Đức)

Ngày 24/12/1999, UBND TP. HCM có văn bản chỉ đạo chấp thuận cho giải thể việc hợp tác kinh doanh giữa Công ty Dịch vụ và Thương mại TP. HCM và Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát, cho phép Công ty Công ty Dịch vụ và Thương mại TP. HCM được chuyển nhượng phần góp vốn trong Khách sạn Vạn Xuân cho Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát với mức chuyển nhượng là 587.332 USD nhằm tạo điều kiện để Công ty Dịch vụ và Thương mại TP. HCM thu hồi và bảo toàn được vốn.

Cùng với đó, UBND TP. HCM cũng cho phép Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát tiếp tục đầu tư thêm vốn, bổ sung thêm một số chức năng theo quy định luật pháp và tiếp tục hợp đồng thuê đất với cơ quan quản lý đất của thành phố.

Ngày 22/2/2000, UBND TP. HCM có văn bản chỉ đạo thực hiện chuyển nhượng phần hùn vốn Khách sạn Vạn Xuân trong đó yêu cầu Công ty Dịch vụ và Thương mại TP. HCM thu hồi khoản chuyển nhượng hùn vốn khách sạn Vạn Xuân là 8.223.235.332 đồng nộp ngân sách thành phố. Các khoản lỗ từ kinh doanh Khách sạn Vạn Xuân do Công ty TNHH Vạn Thịnh Phát giải quyết.

Ngày 6/2/2006, UBND TP. HCM có Quyết định cho Công ty Vạn Thịnh Phát được thuê đất sản xuất kinh doanh tại 187A, 187H, 193-203 Trần Hưng Đạo trong đó diện tích thuê là 1.985 m2, mục đích cho thuê là để làm khách sạn và văn phòng, thời hạn cho thuê đất hết năm 2020.

Ngày 7/12/2012, CTCP Tư vấn dịch vụ về Tài chính Bất động sản DATC có chứng thư thẩm định giá trị quyền sử dụng đất tại 187A, 187H, 193, 203 Trần Hưng Đạo là 204,28 tỷ đồng.

Ngày 1/2/2013, Sở Tài chính có tờ trình về việc thẩm định giá theo cơ chế thị trường để Công ty TNHH Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện nghĩa vụ tài chính, khi chuyển hình thức sử dụng đất từ “thuê đất” sang “giao đất có thu tiền sử dụng đất” để làm văn phòng cho thuê và trụ sở văn phòng (đất chuyên dùng). Tổng giá trị quyền sử dụng đất là 204,28 tỷ đồng.

Đến ngày 17/4/2015, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nộp đủ số tiền trên.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ khẳng định: "UBND TP. HCM không tính doanh thu bãi đỗ xe theo quy định; làm giảm giá trị quyền sử dụng đất; áp dụng suất đầu tư không đúng đối với công trình hạ tầng kỹ thuật có quy mô nhỏ hơn 20 ha; làm tăng chi phí đầu tư hạ tầng, dẫn tới làm giảm giá trị quyền sử dụng đất".

Đến thời điểm thanh tra, dự án đã đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng làm trụ sở của công ty, văn phòng cho thuê VTP Office Building.

Thanh tra Chính phủ khẳng định: "Vị trí nhà đất trên là tài sản công, việc giải quyết phải được hiện theo phương án sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước đã được duyệt”.

Do đó, “Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Tài chính kiểm tra, có biện pháp để xử lý theo pháp luật. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện dấu hiệu hình sự gây thất thoát tài sản nhà nước thì chuyển hồ sơ, tài liệu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không để thất thoát tài sản của nhà nước”, Thanh tra Chính phủ đề nghị.

Việc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát bị cơ quan thanh tra gọi tên như nêu trên không phải là lần đầu tiên, mà trước đó, doanh nghiệp này được dư luận quan tâm vì dính lùm xùm “bảo lãnh” tại một ngân hàng được cho là có mối quan hệ tín dụng thân thiết cho khoản chi vay dự án.

Kết quả kiểm tra của Thanh tra Chính phủ cũng nhấn mạnh việc Vinafood 2 và Công ty Việt Hân Sài Gòn lợi dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại địa chỉ số 33 Nguyễn Du, số 34-36-42 Chu Mạnh Trinh, phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM để lập dự án rồi mang đi thế chấp ngân hàng để vay tiền ngân hàng trái luật.

Trước đó hồi đầu tháng 5/2022, báo chí đã đồng loạt thông tin về việc Chi Cục Thuế TP. Thủ Đức đã ban hành quyết định 1572 về việc cưỡng chế số tiền thuế 1.794 tỷ đồng với CTCP Dream Republic và quyết định 1573 về việc cưỡng chế số tiền thuế 1.796 tỷ đồng với CTCP Sheen Mega do cả 2 doanh nghiệp này đều nộp tiền trúng đấu giá quá hạn.

Được biết CTCP Dream Republic trúng đấu giá lô đất số 3 - 5 (diện tích 6.446 m2). Doanh nghiệp này phải đóng 3.820 tỷ đồng tiền sử dụng đất và 500 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ đối với diện tích thực hiện chức năng thương mại dịch vụ.

CTCP Sheen Mega trúng đấu giá lô đất số 3 - 8 (diện tích 8.568,1 m2), đóng 4.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất, được miễn nộp lệ phí trước bạ theo hướng dẫn về lệ phí trước bạ đối với diện tích đất ở.

Được biết, cả hai doanh nghiệp nói trên đều có liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và tình hình kinh doanh của cả hai đều “èo uột”, tài sản và doanh thu “tượng trưng”.

Hiện Vạn Thịnh Phát đang sở hữu nhiều dự án tọa lạc trên phố đi bộ Nguyễn Huệ như Union Square, Times Square, VTP Office Building, khách sạn Duxton… và sở hữu hàng loạt siêu dự án khác như cao ốc căn hộ dịch vụ cao cấp Sherwood Residence, khách sạn Thương mại An Đông, Khu dân cư Bonville Land, khu dân cư cao cấp Sterling Residence, khu căn hộ cao cấp Lambert Residence, Thuận Kiều Plaza…

Tuy nhiên, đi cùng với đó là số nợ từ việc phát hành trái phiếu cũng phình to. Cụ thể, tại ngày 31/3/2022, các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát đã phát hành 13.000 tỷ trái phiếu với kỳ hạn 18-36 tháng. Từ đầu năm 2022 đến 31/3, các doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát phát hành 36.500 tỷ đồng và nếu tính cả năm 2021 thì con số này lên tới 81.300 tỷ đồng.

2-5262-1665194964.jpeg
Nhóm doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát liên tục phát hành trái phiếu để huy động vốn

 

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhieu-du-an-cua-van-thinh-phat-vao-tam-ngam-thanh-tra-chinh-phu-a180446.html