Thị trường sắp rẻ như thời Covid

Theo tính toán của MayBank, VN-Index đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2022 khoảng 10 lần, gần mức thị trường tạo đáy giai đoạn đầu đại dịch Covid-19.

Những lý do khiến chứng khoán bị “đạp”

Đồng USD liên tục tăng giá và lập đỉnh mới kể từ khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bước vào lộ trình tăng lãi suất liên tục để chống lại lạm phát cao kỷ lục trong vòng 4 thập niên qua tại nước này. Hệ lụy là các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư gián tiếp có xu hướng rút vốn trên toàn cầu.

Nhìn vào xu hướng dòng tiền của các quỹ ETF kể từ tháng 6/2022 đến nay, có thể thấy, dòng vốn này trên thị trường Việt Nam đang giảm dần. Điều này lý giải tại sao vào các phiên ATC, thị trường lại hay bị “đạp” đến như vậy. Đặc biệt, các cổ phiếu trụ như VIC, MSN, SAB vốn mỏng lệnh, chịu lực bán ồ ạt của quỹ ETF lại càng dễ giảm sâu.

Lũy kế dòng tiền ETF từ đầu năm 2022. Nguồn: SSI Research.

Margin là câu chuyện muôn thuở của thị trường chứng khoán Việt Nam. Phiên giao dịch ngày 3/10 vừa qua một lần nữa chúng ta lại chứng kiến thị trường chứng khoán sụp đổ nhanh chóng khi bị bán giải chấp cổ phiếu (force sell) trên diện rộng.

Các cuộc bán giải chấp dẫn đến nhiều mã giảm sàn như vậy không chỉ từ nhà đầu tư vừa và nhỏ, mà còn từ rất nhiều nhà đầu tư lớn đã “gồng” tài khoản lâu nay. Đó là lý do thị trường ghi nhận các đợt bán mạnh vào khung giờ 10:30, 11:00 và 14:00. Đây chính là các đợt giải chấp mạnh ở thị trường khi lượng cổ phiếu ồ ạt bị xả ra.

80% nhà đầu tư hiện tại trên thị trường là nhà đầu tư cá nhân, đó là lý do tại sao thị trường biến động rất mạnh vào lúc có tin xấu. Trong mấy phiên vừa qua, việc thị trường lao dốc có liên quan đến tin đồn về khả năng phá sản của hai ngân hàng lớn hàng đầu thế giới là Deutsche Bank (Đức) và Credit Suisse (Thụy Sĩ), dấy lên lo ngại cuộc đại khủng hoảng tài chính năm 2008 sẽ lặp lại.

Thật ra, thị trường chứng khoán cứ vài hôm lại có tin đồn mới, nhưng dọc theo lịch sử chứng khoán, tâm lý nhà đầu tư luôn sai lầm ở các điểm đảo chiều của thị trường. Lúc chúng ta nản chí nhất, bi quan nhất về thị trường chính là lúc thị trường tạo đáy, còn khi chúng ta tin chắc thị trường chỉ có đi lên, thì đó là lúc thị trường tạo đỉnh.

Sir John Templeton đã nói: “Thị trường chứng khoán sinh ra trong bi quan, đi lên trong nghi ngờ, trưởng thành trong lạc quan và chết trong hưng phấn”.

Thị trường đã rẻ như thời Covid bắt đầu

Khi bước vào thị trường chứng khoán, nhà đầu tư kỳ vọng điều gì? Đầu tư là công cụ để kiếm lợi nhuận chóng vánh, 2 - 3 tuần, 5 - 10 tháng hay 5 - 10 năm? Nếu đầu tư với tầm nhìn dài hạn, tại sao chúng ta để khó khăn trong ngắn hạn che mờ những lợi nhuận tiềm năng từ thị trường chứng khoán trong dài hạn?

Khi lo lắng, tốt nhất là lùi lại một bước để có thể bước ra khỏi sự rối ren. Trong báo cáo thống kê của Dragon Capital, giữa các kênh đầu tư như cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu, tiền gửi, vàng và USD, nhà đầu tư cổ phiếu 5 năm có lợi nhuận bình quân là 19,2%/năm; đầu tư 10 năm, lợi nhuận là 15,8%/năm, cao hơn nhiều so với lợi nhuận tại các kênh còn lại.

Dự báo tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 và 2023 của MayBank cho thị trường chung sẽ lần lượt là 22% và 17% so với năm trước, định giá tương ứng lần lượt đạt 10,9 lần P/E và 9,3 lần P/E, thấp hơn so với mức 16 lần P/E bình quân 5 năm. VN-Index đang giao dịch với P/E dự phóng năm 2022 là 10,6 lần, gần mức lúc bùng phát dịch Covid-19, trong khi các doanh nghiệp đang phục hồi nhanh chóng sau đại dịch. Định giá cho năm tài chính 2023 thậm chí còn thấp hơn.

Đồ thị diễn biến P/E của VN-Index. Nguồn: Maybank IBG Research.

Khi nhìn lại thời điểm thị trường chứng khoán giảm mạnh vào lúc Covid-19 mới xuất hiện (đầu năm 2020), gần như mọi nhà đầu tư đều tặc lưỡi: "Ước gì lúc đó mình đã mua". Nhưng thành thật mà nói, chẳng ai biết thị trường chạm đáy cho đến khi đáy đã đi qua.

Ở giai đoạn hiện tại, trong bối cảnh P/E thị trường đang về mức thấp, thay vì sợ, chúng ta có nên nhìn cơ hội hiện ra trước mắt mình?

Không phải cứ mua là có lời và thị trường chưa biết dừng rơi ở đâu, nhưng thay vì sợ hãi, đây chính là lúc chúng ta lập ra danh sách cổ phiếu hấp dẫn, đưa ra kế hoạch giải ngân khi thị trường có tín hiệu. Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, không có thành công qua đêm (overnight success) mà tất cả phải là một quá trình bền bỉ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thi-truong-sap-re-nhu-thoi-covid-a180863.html