Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 30/9/2022, có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng, và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng TMCP Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng trong tháng 9/2022. Riêng top 10 các doanh nghiệp phát hành lớn trong tháng 9, khối lượng phát hành đạt 13.528 tỷ đồng.
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng, trong đó VietinBank phát hành nhiều nhất với 3.090 tỷ đồng, theo sau là VPBank với 2.000 tỷ đồng, OCB với 1.800 tỷ đồng, SeABank với 750 tỷ đồng.
Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai về khối lượng phát hành.
Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba với Công ty CP Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm, và Công ty CP Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.
Cũng nằm trong top 10 “tay chơi” trái phiếu lớn tháng 9 là HomeCredit với khối lượng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Theo kế hoạch được doanh nghiệp công bố, từ nay đến cuối năm, Hội đồng quản trị CTCP Tập Đoàn Đất Xanh đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi ra thị trường quốc tế, với tổng giá trị phát hành tối đa 300 triệu USD.
Công ty CP Miền Đông đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 3 năm, lãi suất cố định 12%/năm với giá trị phát hành không quá 70 tỷ đồng. Tập đoàn Trung Nam dự tính huy động tới 500 triệu USD trái phiếu (khoảng 12.000 tỷ đồng) trong vòng 3 năm kế tiếp.
Dù thị trường trái phiếu có nhiều biến động thời gian gần đây, tuy nhiên, kênh huy động vốn này vẫn được nhiều doanh nghiệp yêu thích, đặc biệt là khối ngân hàng, bất động sản.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, hiện nay, khối lượng trái phiếu phát hành phần lớn là ngân hàng và bất động sản. “Đại bộ phận các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa dám mơ tới thị trường này. Đây chính là khiếm khuyết của thị trường trái phiếu” - TS Lê Xuân Nghĩa cho biết
Nguyên nhân là lãi suất quá cao, kỳ hạn quá ngắn, thủ tục rườm rà, phức tạp. Làm sao vốn từ kênh trái phiếu chảy được vào các doanh nghiệp chế biến chế tạo, đó là bài toán cần giải quyết để phát triển thị trường trái phiếu bền vững.
Các chuyên gia cho rằng, để kênh trái phiếu tạo niềm tin cho nhà đầu tư và phát triển bền vững, cần làm 2 việc là kỳ hạn trái phiếu phải dài và lãi suất phải thấp.
Muốn như vậy phải có 3 điều kiện tiên quyết. Đó là phát hành ra công chúng phải mạnh. Chỉ có ra công chúng mạnh mới làm tăng niềm tin thị trường. Niềm tin lớn mới hạ được lãi suất xuống và kéo dài được kỳ hạn.
Thứ hai là phải có hệ thống xếp hạng tín nhiệm khách quan và chuẩn xác, cũng để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Khi người ta tin người ta mới mua dài hạn và lãi suất thấp.
Thứ ba là thị trường thứ cấp. Không có thị trường thứ cấp thì không kéo dài kỳ hạn được. Đơn cử, thị trường thứ cấp Nhật Bản, không sôi động như thị trường cổ phiếu nhưng khi cần bán là có ngay các giao dịch, đàm phán, thoả thuận 1 vài ngày sau là bán được.
3 điều kiện tiên quyết để có thị trường trái phiếu cho doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ chứ không chỉ ngân hàng và bất động sản. Đó là tư duy chính sách dài hạn cần hướng tới.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/diem-danh-loat-tay-choi-trai-phieu-doanh-nghiep-top-dau-trong-thang-9-a180867.html