Kinh tế Anh suy thoái rõ rệt hơn
Lãi suất trái phiếu chính phủ Anh đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2016 do các nhà giao dịch lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Chính phủ nước này. Sau khi “Kế hoạch ngân sách nhỏ” được công bố, trái phiếu chính phủ Anh kỳ hạn 5 năm đã tăng lên 4,6%/năm, so với mức 4%/năm của Ý và 4,1%/năm của Hy Lạp, 2,3%/năm của Pháp và 2,03%/năm của Đức.
Sự phục hồi yếu hơn dự kiến sau đại dịch đã khiến Vương quốc Anh trở thành quốc gia G7 duy nhất có nền kinh tế suy yếu hơn hồi đầu năm 2020, và được dự đoán còn có khả năng suy yếu hơn nữa bởi các biện pháp cắt giảm thuế của Chính phủ.
Paul Dales, chuyên gia kinh tế tại Capital Economics cho biết: “Mặc dù có những tin tức tốt hơn về tình hình hoạt động của nền kinh tế Anh trong quý II, nhưng bức tranh tổng thể lại đang ở trong tình trạng tồi tệ hơn chúng ta từng nghĩ”.
Dữ liệu mới đây cũng cho thấy giá nhà tại Anh lần đầu tiên không tăng lên trong tháng kể từ tháng 7/2021, đây là một dấu hiệu cho thấy thị trường đã chững lại do gánh nặng lạm phát.
“Kế hoạch ngân sách nhỏ” được công bố hôm 23/9 đã thổi bùng lên lo ngại của nhà đầu tư. Họ cảm thấy bất định trước việc giảm thuế trong bối cảnh ngân sách thâm hụt, lạm phát cao gần vượt đỉnh 4 thập kỷ cùng với việc Ngân hàng Trung ương Anh (BOK) chưa thể kiềm chế được đà tăng giá.
Chính sách mới cũng thổi bùng những lo lắng lâu nay ở Anh. Dữ liệu của ONS cho thấy chênh lệch tài khoản vãng lai trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6 đã giảm xuống còn 33,8 tỷ bảng Anh, tương đương 5,5% so với mức thâm hụt 43,9 tỷ bảng Anh trong quý đầu tiên.
Hiện tại, Vương quốc Anh cần huy động 45 tỷ bảng để giảm thuế và 60 tỷ bảng khác để bù đắp sự gia tăng gần đây của hóa đơn năng lượng. Những biện pháp đó sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách của nước này lên 4,5% GDP.
Theo Bloomberg, điều đó đủ để đẩy gánh nặng nợ của Vương quốc Anh lên 101% của GDP vào năm 2030.
Credit Suisse đứng trước nguy cơ phá sản
Hơn một thập kỷ kể từ khi Lehman Brothers, ngân hàng đầu tư lớn thứ tư ở Mỹ sụp đổ, châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính 2007 – 2008, những ngày gần đây, giới đầu tư toàn cầu lại xôn xao trước ‘tin đồn” Credit Suisse, một trong các ngân hàng lớn nhất thế giới có nguy cơ phá sản. “Tin đồn” này xuất phát từ việc phí hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) của Credit Suisse tăng lên mức cao kỷ lục, tính từ năm 2009 tới nay, tương đương với mức Lehman Brothers đã có ngay trước khi ngân hàng này phá sản.
Tuần trước, giám đốc điều hành của Credit Suisse, Ulrich Koerner, đã trấn an các nhà đầu tư và nhân viên - thừa nhận ngân hàng đang đối mặt với “thời điểm quan trọng” nhưng cũng nhấn mạnh rằng tổ chức tài chính có trụ sở tại Thụy Sĩ này có “cơ sở vốn và vị thế thanh khoản mạnh mẽ”.
Tuy nhiên, tin đồn Credit Suisse phá sản có vẻ như không hoàn toàn đến từ chỉ số CDS lập đỉnh như trên. Chỉ số P/B của Credit Suisse hiện chỉ còn ở mức 0,22 lần, một mức đáng báo động. Giá cổ phiếu của Credit Suisse đã giảm mạnh trong những tuần gần đây. Tính từ đầu năm, giá cổ phiếu của ngân hàng ngày mất 55% giá trị.
Nhiều người đã so sánh kịch bản Credit Suisse phá sản tương tự như vết xe đổ mà Lehman Brothers đã thiết lập trước đó, thậm chí mức độ thiệt hại sẽ lớn hơn nhiều.
Chuyên gia phân tích tại KBW dự đoán rằng ngân hàng này có thể phải huy động 4 tỷ francs Thụy Sĩ (4 tỷ USD) vốn dù là đã bán một vài tài sản. Vốn hóa thị trường của Credit Suisse đã giảm xuống 10,4 tỷ francs Thụy Sĩ, có nghĩa là bất kỳ việc bán ra lượng cổ phần nào cũng có thể pha loãng sở hữu của những cổ đông lâu năm.
Có nhiều ý kiến lo ngại rằng trường hợp của Credit Suisse sẽ giống với cuộc khủng hoảng niềm tin đã làm rung chuyển Deutsche Bank của Đức 6 năm trước. Tuy nhiên, hai trường hợp này vẫn có nhiều khác biệt bởi Credit Suisse không đứng trước án phạt 7,2 tỷ USD như Deutsche Bank và tỷ lệ vốn của nó là 13,5% - cao hơn mức 10,8% của ngân hàng Đức 6 năm trước.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhung-qua-bom-no-cham-tren-thi-truong-tai-chinh-toan-cau-a180889.html