Trong vài ngày đầu tuần, giá cổ phiếu của Credit Suisse - ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sỹ, một trong những tổ chức tài chính hàng đầu và quan trọng nhất trên thế giới, đã rơi xuống mức thấp nhất lịch sử.
Mặc dù đã phục hồi sau đó, giá cổ phiếu của ngân hàng đầu tư này đã giảm tới gần 60% kể từ đầu năm tới nay.
Điều đáng chú ý là mức chi phí bảo hiểm khả năng vỡ nợ của Credit Suisse trong hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ tín dụng (CDS) đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua, thậm chí chạm đỉnh hai thập kỷ vào đầu tuần này, theo dữ liệu từ Reuters.
Phân tích từ Bloomberg cho thấy, mặc dù mức độ CDS còn phụ thuộc một phần vào việc bán tháo trên thị trường nói chung, những dữ liệu mới của Credit Suisse cho thấy mức độ tin tưởng vào ngân hàng này đang xấu đi đáng kể, đặc biệt sau những vụ bê bối từng có trong những năm gần đây.
Dữ liệu cũng cho thấy hiện có khoảng 23% khả năng Credit Suisse sẽ vỡ nợ trong vòng 5 năm tới, Bloomberg cho biết thêm. Đây là một con số cao bất thường đối với một trong những ngân hàng lớn hàng đầu thế giới.
Điều gì đã khiến Credit Suisse được chú ý nhiều hơn gần đây?
Một trong những nguyên nhân mới nhất có lẽ đến từ bức thư mà giám đốc điều hành của Credit Suisse gửi tới các nhân viên của ngân hàng này vào cuối tháng 9 vừa qua.
"Tôi biết rằng không dễ gì có thể duy trì sự tập trung của các bạn giữa rất nhiều câu chuyện trên truyền thông, đặc biệt, với nhiều tuyên bố không chính xác. Tôi tin rằng các bạn sẽ không hoang mang, nhầm lẫn giữa hiệu suất giá cổ phiếu hàng ngày với nền tảng vốn mạnh mẽ và vị thế thanh khoản của ngân hàng", ông viết.
Thay vì mục tiêu ban đầu là trấn an, bức thư lại làm dấy lên lo ngại nhiều hơn, và không ít người đã liên tưởng tới Lehman Brothers của năm 2008, khi người đứng đầu cũng gửi bức thư tương tự cho nhân viên.
Tính đến cuối năm 2021, Credit Suisse có hơn 50.000 nhân viên và quản lý tổng giá trị tài sản khoảng 1,6 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, mức vốn hóa thị trường của Credit Suisse đã liên tục sụt giảm kể từ năm 2008, và hiện ở mức khoảng 10 tỷ USD – chỉ bằng 1/10 của giai đoạn 2006 – 2007.
Nguyên nhân của điều này đến từ chính các thương vụ đầy rủi ro mà Credit Suisse đã thực hiện, và kết quả là làm mất rất nhiều tiền của các nhà đầu tư, tổn hại lợi nhuận, kéo theo xói mòn niềm tin, khiến việc huy động vốn càng tốn kém và khó khăn.
Đơn cử, Credit Suisse đã đầu tư tới 10 tỷ USD bằng tiền của khách hàng vào startup Greensill Capital, và vào tháng 3 năm ngoái, doanh nghiệp này đã đệ đơn phá sản.
Bản thân Greensill là một bên cho vay, làm trung gian giữa nhà cung cấp và khách hàng. Nguyên lý hoạt động là Greensill sẽ trả trước tiền cho nhà cung cấp với một mức chiết khấu, và thay mặt họ, lấy thanh toán từ phía khách hàng. Điều này giúp các nhà cung cấp được thanh toán sớm hơn, và linh hoạt hơn với các khoản tiền.
Việc kinh doanh của Greensill thu hút rất nhiều sự chú ý và tiền bạc, nhờ vào các ngân hàng như Credit Suisse. Nhưng kết quả là thương vụ này đã lấy đi của Credit Suisse hơn 3 tỷ USD.
Không chỉ vậy, Credit Suisse còn mất thêm 5,5 tỷ USD rất nhanh sau đó khi quỹ đầu cơ Archegos Capital Management sụp đổ.
Khoản lỗ của Credit Suisse đã lên tới 4 tỷ USD chỉ trong ba quý vừa qua, gần bằng mức mà ngân hàng này đã kiếm được trong ba năm trước đó.
Những thương vụ bất thành, cùng những vụ việc liên quan đến việc hỗ trợ rửa tiền của Credit Suisse càng làm suy giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Giá cổ phiếu của Credit Suisse liên tục giảm cho thấy các nhà đầu tư đang dần rời khỏi ngân hàng này.
Cùng với đó, trái phiếu của ngân hàng này cũng ngày càng rẻ hơn, vì ít người sẵn sàng cho vay tiền hơn, và điều này dẫn tới lợi suất trái phiếu tăng khá mạnh - đồng nghĩa rằng Credit Suisse sẽ phải trả lợi nhuận cao hơn cho mỗi đồng mà ngân hàng này vay từ thị trường.
Đây thực sự là một vấn đề, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay tại các nền kinh tế phát triển, khi triển vọng tăng trưởng giảm và các ngân hàng trung ương đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Một ngân hàng có khả năng sinh lời ngày càng giảm phải huy động tiền với lãi suất tăng nhanh, nhưng trong một thị trường không mang lại lợi nhuận đủ cao, thì ngân hàng đó nhất định phải vật lộn.
Liệu sẽ có một Lehman Brothers thứ hai?
Rõ ràng, nhiều dữ liệu cho thấy tình hình kinh doanh của Credit Suisse đang gặp căng thẳng nghiêm trọng, và ngân hàng này đang đứng trước thời điểm quan trọng với sự tồn vong. Tuy vậy, nhiều phân tích cho thấy vị thế của Credit Suisse không tệ như Lehman Brothers trước đây, khi có bức tranh tài chính sáng sủa hơn.
Các nhà phân tích tại Citigroup đánh giá, Credit Suisse sở hữu lượng tiền mặt "lành mạnh" có thể được tiếp cận trong thời gian ngắn. Cùng với đó, thước đo về vị thế vốn - gắn liền với khả năng hấp thụ lỗ - của Credit Suisse ở mức 13,5%, cao hơn so với các tổ chức cùng ngành.
Dù vậy, các nhà phân tích cũng cho biết sẽ cảnh giác trong việc so sánh với các ngân hàng vào thời điểm năm 2008.
Trong khi đó, JPMorgan trong đánh giá mới đây cho rằng, vốn và thanh khoản của Credit Suisse là "lành mạnh" dựa trên tình hình tài chính vào cuối quý II. Tổng tài sản của ngân hàng này là hơn 730 tỷ USD, trong đó, gần 160 tỷ USD là tiền mặt và tiền gửi từ các ngân hàng, và gần 101 tỷ USD là giao dịch ngắn hạn.
Johann Scholtz, nhà phân tích vốn chủ sở hữu tại DBRS Morningstar, trong trao đổi với CNBC nhận định mối nguy hiểm chính là khi khách hàng không muốn giao dịch với các tổ chức tài chính vì sợ sự sụp đổ theo hiệu ứng domino và các rủi ro khác - điều đã diễn ra vào năm 2008 mà ngay cả những ngân hàng có vốn hóa tốt cũng phải đối mặt.
Ông không cho rằng Credit Suisse có thể trở thành Lehman Brothers thứ hai, khi cho đến hiện tại, vẫn chưa có thông tin công khai nào cho thấy các khoản sụt giảm sẽ thực sự gây ra các vấn đề thanh toán của ngân hàng này.
Không chỉ vậy, một điều khác hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 là không chỉ có mức vốn chủ sở hữu cao hơn nhiều, các ngân hàng còn đang trải qua một cuộc đại trùng tu về cấu trúc vốn hóa, từ đó cải thiện triển vọng về khả năng thanh toán.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/credit-suisse-co-thanh-lehman-brothers-thu-hai-a180948.html