Lãi suất cho vay tăng vọt

Ngay sau khi lãi suất huy động tăng, lãi suất cho vay được nhiều ngân hàng đẩy tăng mạnh. Thậm chí, nhiều ngân hàng chỉ chấp nhận giải ngân nếu khách hàng đồng ý 'mua bia kèm lạc'.

Khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có mức tăng lãi suất cho vay thấp nhất

Khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước có mức tăng lãi suất cho vay thấp nhất

Lãi vay mua nhà, mua xe tăng 2-4%, lãi cho vay doanh nghiệp tăng 1-2%

Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư, đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã tăng lãi suất cho vay đối với cả cá nhân và doanh nghiệp. Trong đó, mức điều chỉnh thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Theo đó, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng 0,1-0,5%/năm, lãi suất cho vay cá nhân tăng dưới 1%/năm, riêng lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên vẫn được “gồng” ổn định.

Tuy nhiên, ở khối ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, lãi suất cho vay doanh nghiệp tăng tới 0,5- 1%/năm và có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Riêng lãi suất cho vay cá nhân tăng tới 2-4%/năm so với đầu năm, chủ yếu là cho vay mua nhà, mua xe. Hiện lãi suất cho vay mua nhà, mua xe giai đoạn thả nổi của các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân phổ biến ở mức 12,5-14,5%/năm, như TPBank, MSB, ABB, OCB…

Anh Nguyễn Văn Chinh (Thái Nguyên) cho biết, gia đình anh có một khoản vay tại Agribank (vay sản xuất - kinh doanh hộ gia đình) và một khoản vay mua nhà tại VPBank. Đến nay, Agribank vẫn giữ lãi suất cho vay, song VPBank đã 2 lần tăng, nâng mức lãi suất cho vay lên 12,6%/năm, tăng 2,5% so với đầu năm.

Trong khi đó, anh Trần Văn Thắng, nhân viên Công ty TNHH Nhất Nam cho biết, công ty anh có nhu cầu vay vốn, nhưng nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo hết room cho vay, hiện chỉ còn giải ngân các khoản vay tiêu dùng nhỏ dưới 3 tỷ đồng và lãi suất cũng cao hơn khoảng 3% so với đầu năm.

Lãi suất tăng mạnh, song không phải ngân hàng nào cũng thoải mái giải ngân. Theo phản ánh của một số khách hàng, tại một số ngân hàng, khách hàng phải đồng ý “bia kèm lạc”, tức mua bảo hiểm nhân thọ mới được giải ngân, nếu không, nhân viên tín dụng có thể gợi ý khách hàng trả phí khoảng 2% để được giải ngân.

TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính, Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động là rất tự nhiên. Nếu đưa ra giải pháp hành chính ép ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay, sẽ có hiện tượng lãi suất cho vay danh nghĩa giữ nguyên, song lãi suất thực sẽ tăng vì các ngân hàng sẽ đưa ra thêm các loại phí hoặc ban hành chính sách “bia kèm lạc” để bảo toàn lợi nhuận.

Theo chuyên gia này, dư địa giữ ổn định mặt bằng lãi suất chỉ nằm ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, vốn chiếm khoảng 40% thị phần hệ thống hiện nay. Thực tế, lãi suất cho vay của nhóm Big 4 vẫn đang khá ổn định. Tuy vậy, nếu mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng, lãi suất cho vay của khối doanh nghiệp này cũng sẽ khó giữ được trong thời gian tới.

Thận trọng vay mua nhà, nhanh chóng giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2%

Lãi suất cho vay tăng làm đội đáng kể chi phí vốn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến khả năng phục hồi. Tuy vậy, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để giảm sức ép lên tỷ giá và giúp kiểm soát lạm phát tốt hơn. NHNN đã chỉ đạo ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, song chỉ áp dụng với lĩnh vực ưu tiên, hiện nhóm Big 4 đang thực hiện khá tốt nhiệm vụ này. Với cho vay tiêu dùng, người dân phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn, do đó phải cân nhắc thật kỹ nhu cầu vay vốn và khả năng trả nợ, nhất là vay mua nhà.

Với gói hỗ trợ lãi suất 2%, doanh nghiệp là người được hưởng, song các ngân hàng thương mại phản ánh, doanh nghiệp không hào hứng do ngại thanh, kiểm tra. NHNN sẽ tổ chức hội nghị để tiếp tục lắng nghe xem doanh nghiệp vướng mắc ở đâu và điều chỉnh. Đến thời điểm này, dư nợ hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt 14-15 tỷ đồng (trong tổng gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng) là rất thấp.

- Phó thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng

“Lãi suất tăng ảnh hưởng bất lợi đến tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Song trong bối cảnh lạm phát và lãi suất toàn cầu tăng mạnh, Việt Nam không thể đi ngược lại xu thế chung, doanh nghiệp và người dân phải chấp nhận”, TS. Thành nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng thừa nhận, không thể yêu cầu ngân hàng thương mại phải giữ nguyên mặt bằng lãi suất cho vay trong bối cảnh lãi suất huy động tăng. Dù vậy, trong lúc này, các ngân hàng cũng cần tăng lãi suất cho vay ở mức độ phù hợp để chia sẻ cùng khách hàng.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất cho vay tăng mạnh, NHNN cần nhanh chóng phối hợp với các bộ, ngành để triển khai nhanh gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhằm giảm bớt các tác động tiêu cực của việc tăng lãi suất cho vay.

NHNN cho biết, 6/44 ngân hàng đã phát sinh dư nợ có hỗ trợ lãi suất, song dư nợ còn thấp, mới đạt khoảng 14-15 tỷ đồng với gần 600 khách hàng được tiếp cận. NHNN đã có văn bản đề nghị các ngân hàng thương mại báo cáo kết quả triển khai vào cuối tháng 9/2022 và rà soát khách hàng để triển khai gói hỗ trợ lãi suất, cùng khả năng hỗ trợ dự kiến…

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/lai-suat-cho-vay-tang-vot-a181135.html