Nhịp đập Thị trường 11/10: Hồi chút đỉnh, VN-Index giữ mốc 1,000 điểm

Kết phiên giao dịch, VN-Index giảm 36.28 điểm (3.48%) dừng ở mức 1,006.2 điểm. Mức điểm này đã hồi phục khoảng 8 điểm so với đáy trong ngày tạo ra khoảng lúc 14h10. Điều đáng buồn là mặc dù giảm tới 36 điểm nhưng chỉ có chưa tới 13,000 tỷ rót vào sàn HOSE và 1,200 tỷ rót vào sàn HNX.

Ngành chứng khoán bị ảnh hưởng khá nặng nề giảm tới 6.84% và có tới 19 cổ phiếu giảm sàn/25 cổ phiếu theo dõi.

Hàng loạt cổ phiếu ngân hàng, bất động sản chứng khoán lớn giảm giá sàn. Có 134 cổ phiếu giảm sàn trên sàn HOSE, 64 cổ phiếu sàn trên sàn HNX.

Trong VN30 cũng có tới 8 cổ phiếu giảm sàn, TPB, TCB, MBB, VRE, SSI, STB, POW, GVR sàn. Khá bất ngờ với việc GVR và POW sàn trong rổ VN30. Bất ngờ hơn trong một ngày cổ phiếu bất động sản giảm rất sâu thì ông lớn VIC lại chỉ giảm nhẹ nhàng 0.3%, VPB sau khi chạm sàn trong phiên đã hồi về tham chiếu. 

Một số cổ phiếu trong rổ VN30 mang tính phòng thủ cũng có mức giảm giá thấp. VNM giảm 0.4%, SAB giảm 0.5%, MSN giảm 0.9%. GAS tăng giá 0.1%.

Trong một ngày thị trường giảm sâu, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 74.5 tỷ trên sàn HOSE. Đây là phiên mua ròng thứ 3 của khối ngoại trên sàn này.

14h: Mất mốc 1,000

Với 175 mã giảm sàn vào lúc 14h10, chỉ số VN-Index đã chính thức mất mốc 1,000 điểm.

Chỉ số VN30 thậm chí còn giảm đến hơn 50 điểm. Có 5 mã trong rổ này giảm sàn là TCB, TPB, VPB, POW và GVR.

Đã có 6 cổ phiếu chứng khoán đang giảm sàn/25 cổ phiếu theo dõi, đó là ART, BSI, ORS, VDS, VIX, VND. 8 cổ phiếu ngân hàng giảm sàn/20 cổ phiếu theo dõi đó là EVF, LPB, MBB, MSB, SHB, STB, TCB, TPB. Các cổ phiếu ngân hàng có yếu tố nha nước đang giảm ở mức thấp hơn, BID giảm 2.67%, CTG giảm 4.59%, VCB giảm 4.3%. Các cổ phiếu ngân hàng có yếu tố Nhà nước thường ít năng động hơn, chậm hơn trong việc tham gia vào các cuộc chơi “thời cuộc”. Nhưng năng động quá nhiều khi dễ vấp ngã. Câu chuyện “Tái ông thất mã” vẫn xứng đáng là bài học về sự mong manh được mất tới muôn đời.

Và bất động sản đã có tới 37 cổ phiếu sàn/81 cổ phiếu theo dõi. Một cơn hoảng loạn thật sự đã xảy ra. Một doanh nghiệp bất động sản mới gặp rắc rối với pháp luật về mảng trái phiếu gần đây, được coi là tác nhân gây ra đợt xuống giá này chỉ là một doanh nghiệp ngoài sàn. Điều gì sẽ xảy ra nếu nó là một doanh nghiệp lớn tương đương và đã trên sàn giao dịch chứng khoán?

Trong số các cổ phiếu đang giảm sàn, một số có vẻ ngoài ngành bất động sản và ngân hàng chứng khoán, cũng bị vạ lây. Một số cổ phiếu ngành khai khoáng cũng giảm rất sâu, KSB, KSQ, MDC, NBC, TC6, TNT, TVD đều đang sàn.

Một số cổ phiếu gas, phân phối khí đang ngược dòng thị trường, GAS tăng 0.57%, PGC tăng 0.89%, PGD tăng 3.33%. 

Và khi cổ phiếu ngành bất động sản đã xuống thì ngành xây dựng cũng hoảng loạn theo, 25 cổ phiếu ngành xây dựng đã giảm sàn/90 cổ phiếu theo dõi, có những tên tuổi đáng chú ý  VCG, TCD, LGC, LCG, IDJ, HBC, HBV, CII, BCG…Một số cổ phiếu nhỏ trong ngành lại đi ngược dòng trần  như LM7, PEN, PTD.

Một cơn hoảng loạn khá bất ngờ đang diễn ra.

Phiên sáng: Giảm sâu khi cầu bắt đáy suy yếu

VN-Index lao dốc giảm 29.35 điểm. Mức giảm quá bất ngờ so với một phiên rực sáng hôm qua. Thanh khoản trên sàn HOSE đạt chưa đến 5,000 tỷ đồng.

Hàng loạt cổ phiếu trụ cột giảm sâu, đặc biệt ngân hàng và bất động sản. TCB đã giảm sàn. TPB giảm 6.5%, STB giảm 6.2%, VIB giảm 5.8%, VPB giảm 5.5%, HDB giảm 5%, PDR giảm 4.8%, NVL giảm 4.5%, VIC giảm 4.2%. Đặc biệt TCB giảm gần 40% chỉ trong vòng hơn 1 tháng.

Chứng khoán đã giảm tới 4.31% và là ngành có mức giảm lớn nhất trên thị trường. Bất động sản và ngân hàng gặp khó khăn thì chứng khoán không thể đứng ngoài lề. Như vậy cả ba ngành có mức ảnh hưởng nhất đến thị trường đều đang bị ảnh hưởng trầm trọng.

Chỉ có HBS đang giữ được sắc xanh tăng 1.89%. WSS đứng giá, còn lại tất cả đều đỏ đậm. SSI giảm 4.02%, VND giảm 5.46%.

Trong buổi sáng nhà đầu tư nước ngoài đang bán ròng 110 tỷ trên sàn HOSE. 

11h: Cổ phiếu bất động sản lao dốc mạnh

Ngành bất động sản đang giảm tới 3.15%. Một con số rất lớn. Chỉ còn 6 cổ phiếu xanh/81 cổ phiếu theo dõi. Giá chứng khoán đã phản ánh tâm lý của nhà đầu tư lo ngại. Mặc dù ngành bất động sản đã rớt rất sâu trong thời gian qua.

Diễn biến chỉ số ngành tính đến 11h

Nguồn: VietstockFinance

Thực trạng mảng trái phiếu bất động sản hôm nay gợi nhớ về việc chi trả lãi ngoài, huy động vượt trần lãi suất khoảng 2011-2012. Một số lãnh đạo ngân hàng khi ấy đã gặp rắc rối với pháp luật. Có rất nhiều hành động có thể chỉ tới bằng cách “lách luật”, chưa hẳn muốn vi phạm pháp luật, chưa chắc đã có bị hại thật sự. Tuy nhiên nếu những hành động này ảnh hưởng, hoặc có khả năng ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ quốc gia, nó sẽ bị xử lý không sớm thì muộn. Nếu mảng trái phiếu bất động sản làm tới tận cùng, thì khá nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ lao đao. Con số e rằng khá lớn.

Việc xử lý mảng trái phiếu bất động sản, vừa trực tiếp ảnh hưởng đến chỉ số chứng khoán, vì bất động sản là ngành có trọng số lớn thứ hai chỉ sau ngân hàng trên thị trường chứng khoán. Mà nó còn ảnh hưởng gián tiếp đến dòng tiền trên thị trường. Trong tháng 9/2022, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ năm trước. Một mức tăng đột biến. Các ông chủ bất động sản đang hối hả sửa sai.

Không chỉ ảnh hưởng gián tiếp đến dòng tiền, khó khăn của cổ phiếu bất động sản sẽ khiến cho dòng tiền của ngân hàng có vấn đề ngay lập tức. Vì ngoài phát hành trái phiếu, các công ty bất động sản cũng là những con nợ lớn nhất của hệ thống ngân hàng. Bất động sản có vấn đề, ngân hàng liên quan sẽ có vấn đề.

VN-Index đang giảm 17 điểm. Tuy nhiên VN30 đang giảm 26.54 điểm, do hàng loạt cổ phiếu ngân hàng và bất động sản chủ chốt đang nằm trong rổ VN30.

Tuy nhiên, việc giá chứng khoán sụt giảm do các thông tin không thuộc về bản chất doanh nghiệp sẽ không kéo dài. Giá chứng khoán Việt Nam trong trung hạn sẽ dịch chuyển cùng chiều với tình hình kinh tế thế giới, quan trọng nhất là quá trình giảm phát có thể sắp xuất hiện, và đặc biệt, tình hình leo thang tại cuộc chiến Nga-Ukraine.

Mở cửa: Lại quay đầu giảm mạnh

Đêm qua thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục giảm tương đối sau khi có một phiên giảm rất sâu vào thứ 6 tuần trước. Hôm qua Down Jones giảm 0.32%, S&P 500 giảm 0.75%, Nasdaq giảm 1.04%.

Hôm nay (9h23), thị trường châu Á cũng giảm khá mạnh Nikkei 225 giảm 2.31%, ShangHai giảm 0.53%, Taiwan Weighted giảm 3.53%, trong khi  KOSPI giảm 2.47%, IDX Composite giảm 0.28%, S&P/ASX200 giảm nhẹ 0.05%.

Chỉ số phái sinh VN30F2210 mở phiên ATO  giảm mạnh 8.5 điểm từ 1,032.5 điểm giảm còn 1,024 điểm.

VN-Index đang giảm mạnh 11.25 điểm (1.08%) còn 1,031.23 điểm. VN30 giảm mạnh hơn, giảm 16.59 điểm (1.6%) còn 1,022.34 điểm. HNX-Index giảm 1.29 điểm (0.56%) còn 228.56 điểm, UPCoM ngược chiều hai chỉ số chính tăng 0.22 điểm (0.279%) còn 80.36 điểm. Trên sàn HOSE tỷ lệ số cổ phiếu tăng giá/số cổ phiếu giảm giá là 77 (1 cổ phiếu  trần)/227 (4 cổ phiếu sàn).

Rổ VN30 có 1 cổ phiếu tăng giá 26 cổ phiếu giảm giá. Cổ phiếu tăng giá duy nhất là MWG tăng nhẹ 0.5%. Ba cổ phiếu giảm giá nhiều nhất  là VIC, VHM, TPB đang giảm 3.2%, 3.5%, 7%.

Trong rổ VN30 khá nhiều cổ phiếu ngân hàng và bất động sản đang giảm giá khá mạnh, PDR (3.2%), TCB (3.5%), VPB (3.3%), NVL (2.1%), CTG (1.9%) là những cổ phiếu trong rổ VN30 giảm mạnh. Tất cả đều là cổ phiếu ngân hàng và bất động sản.

Hiện còn 4 nhóm ngành giữ được sắc xanh là chế biến thuỷ hải sản 0.19%, sản phẩm cao su 0.37%, bán lẻ 0.58% và bán buôn (0.58%).

Hôm qua thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi ngược dòng chứng khoán thế giới một phiên rất tuyệt vời trong hoàn cảnh thập diện mai phục, cả thế giới và Việt Nam đều xuất hiện những tin tức tiêu cực. Hôm nay thị trường cũng rất xấu ngay từ đầu phiên. Chứng khoán Việt Nam sẽ diễn biến ra sao?

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhip-dap-thi-truong-1110-hoi-chut-dinh-vn-index-giu-moc-1000-diem-a181193.html