Vay dài hạn tăng gần gấp đôi
Công ty TNHH Tập đoàn Bim (Bim Group) được thành lập từ năm 1994 bởi ông Đoàn Quốc Việt - một doanh nhân thành công trong nhiều lĩnh vực tại Ba Lan, trước khi ông quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Trải qua gần 30 năm phát triển, đến thời điểm hiện tại, Bim Group đã trở thành tập đoàn kinh tế đa ngành lớn mạnh tại Việt Nam. Trong đó, các lĩnh vực “cốt lõi” của Bim Group tập trung gồm: Phát triển Du lịch & Đầu tư Bất động sản, Nông nghiệp - Thực phẩm, Dịch vụ Thương mại và Năng lượng Tái tạo.
Đặc biệt, Bim Group nổi danh trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm khi là một trong những đơn vị sản xuất muối công nghiệp và nuôi trồng, sản xuất thủy hải sản lớn nhất Việt Nam.
Theo dữ liệu tài chính hợp nhất, kết thúc năm 2021, tổng tài sản của Bim Group đạt mức 40.586 tỷ đồng, tăng 17,3 % so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn chiếm tỷ lệ lớn trong khối tài sản.
Tính đến thời điểm ngày 31.12.2021, tổng vay nợ tài chính của Bim Group ở mức 16.955 tỷ đồng tăng 36 % so với đầu năm. Trong số nợ vay, vay và nợ thuê tài chính dài hạn chiếm tới hơn 79% đạt mức 13.449 tỷ đồng. Đáng chú ý, vay và nợ thuê tài chính dài hạn thời điểm cuối năm đã tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu năm.
Trong số các khoản vay dài hạn ngân hàng của Bim Group, “chủ nợ” lớn nhất của doanh nghiệp này là ngân hàng nước ngoài Rizal Commercial Banking coporation với khoản vay lên tới hơn 4.000 tỷ đồng. Số tiền vay này nhằm xây dựng Dự án nhà máy Điện mặt trời.
Để vay các ngân hàng, Bim Group mang hàng loạt bất động sản ra làm tài sản đảm bảo, như: quyền sử dụng khu đất hơn 29.000 m2; khu đất hơn 47.000 m2; khu đất hơn 19.000 m2, đều tại Khu du lịch và đô thị mới Hùng Thắng, thành phố Hạ Long; quyền sử dụng khu đất hơn 70.000 mét; khu đất hơn 135 ha, đều tại Dự án Bãi Trường, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và tất cả tài sản của các dự án hình thành từ các khoản vay…
Ngoài ra, đối với khoản vay xây dựng Dự án nhà máy điện gió – Công ty Cổ phần Điện gió Bim, Bim Group dùng tài sản đảm bảo là 3 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng Bim, Công ty cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận, Công ty TNHH Tập đoàn Bim (mệnh giá cổ phiếu là 10.000 VNĐ/CP), cổ phần sẽ nắm giữ thêm trong tương lai và các khoản đặt cọc mua cổ phần.
Riêng về trái phiếu phát hành, Bim Group đang có khoản nợ gần 1.000 tỷ đồng, khoản trái phiếu này được đáo hạn vào 30.12.2023, lãi suất cố định 10%/năm cho 4 kỳ đầu, sau đó được thả nổi và bằng tổng của 4%/năm và lãi suất tham chiếu. Tài sản đảm bảo cho khoản trái phiếu này là quyền sử dụng khu đất hơn 28.000 m2 tại khu đô thị Hùng Thắng (Quảng Ninh).
"Thất thu" lĩnh vực được coi là “bản sắc” doanh nghiệp
Về tình hình kinh doanh của Bim Group, kết thúc năm 2021, doanh thu thuần từ bốn lĩnh vực kinh doanh của Bim Group gồm: kinh doanh bất động sản và khách sạn, năng lượng, thực phẩm và nuôi trồng thuỷ sản, dịch vụ giải trí đạt mức hơn 10.000 tỷ đồng.
Trong đó, bất động sản và khách sạn vẫn là “nồi cơm chính” của Bim Group khi đem về khoản doanh thu hơn 8.000 tỷ đồng, tiếp đến là năng lượng có doanh thu hơn 1.300 tỷ đồng.
Về lãi theo bộ phận trong năm 2021 của Bim Group, bất động sản ghi nhận lãi hơn 3.200 tỷ đồng, năng lượng lãi hơn 820 tỷ đồng. Riêng về hai lĩnh vực thực phẩm, và nuôi trồng thuỷ sản; dịch vụ giải trí ghi nhận lỗ hơn 185 tỷ đồng.
Theo số liệu tài chính, không chỉ năm 2021, trong năm 2020, hai lĩnh vực thực phẩm, và nuôi trồng thuỷ sản; dịch vụ giải trí cũng ghi nhận khoản lỗ lần lượt là 110 tỷ đồng và 28 tỷ đồng. thực tế. Như vậy, trong giai đoạn gần đây, Bim Group đang gặp vấn đề với chính lĩnh vực kinh doanh vốn được coi là “bản sắc” của doanh nghiệp.
Đáng chú ý, trong năm 2021, mặc dù doanh thu từ hoạt động tài chính đem về hơn 300 tỷ đồng nhưng chi phí tài chính trong năm của Bim Group bất ngờ ngốn tới gần 1.000 tỷ đồng. Sau khi trừ đi chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, Bim Group có khoản lợi nhuận trong năm đạt mức 2.631 tỷ đồng tăng trưởng 23,5 % so với đầu năm.
Dòng tiền thuần dành cho hoạt động kinh doanh trong năm 2021 của Bim Group có sự hao hụt đi đáng kể về mức 1.393 tỷ đồng trong khi đầu năm là 2.400 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc tiêu tốn vào thay đổi các khoản phải trả, chi phí trả trước, tiền lãi vay, thuế thu nhập doanh nghiệp.
Do đầu tư vào mua sắm, xây dựng tài sản cố định, dài hạn cũng như tiền chi cho vay, mua công cụ nợ của đơn vị khác, tiền góp vốn vào các đơn vị khác nên đến ngày cuối tháng 12.2021, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Bim Group đang âm hơn 8.000 tỷ đồng. Đối với dòng tiền tài chính, nhờ lượng tiền thu từ đi vay đạt mức 11.249 tỷ đồng nên sau khi trừ đi tiền trả nợ gốc vay và cổ tức, lợi nhuận của chủ sở hữu, lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính đang dương hơn 6.000 tỷ đồng.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/bim-group-vay-no-tai-chinh-tang-thua-lo-hang-tram-ty-o-hoat-dong-kinh-doanh-cot-loi-a181711.html