Dự án tuyến đường sắt thí điểm Thành phố, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội chậm trễ.
Chậm tiến độ: Tăng dần qua các năm
Báo cáo của đoàn giám sát cho thấy, hàng nghìn dự án đầu tư công chậm tiến độ và có xu hướng này tăng dần qua các năm.
Trong đó, đáng chú ý hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ, điển hình là: Dự án tuyến đường sắt thí điểm Thành phố, đoạn Nhổn-ga Hà Nội; Tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; Tuyến đường sắt số 1: Bến Thành - Suối Tiên; Tuyến đường sắt số 2: Bến Thành - Tham Lương,... Nhiều dự án triển khai kéo dài, đầu tư không dứt điểm, kém hiệu quả. Dự án nhóm B nhưng kéo dài quá 5 năm, nhóm C quá 3 năm, dự án bố trí thiếu vốn ngân sách địa phương...
Trong khi đó, Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ tên nhiều công trình chậm trễ, có công trình chậm đến 17 năm.
Cụ thể, Dự án ĐTXD công trình đường trung tâm đoạn 2-khu vực Bãi Trường chậm 6 năm, Dự án ĐTXD công trình đường nhánh số 4 - khu Bãi Trường chậm 5 năm; Dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh chậm 3 năm; Dự án ĐTXD công trình cầu Cửa Đại chậm 6 năm; Dự án ĐTXD công trình Nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà chậm 5 năm…
Tỉnh Bình Dương có 55 dự án chậm tiến độ; 15 công trình, dự án phải tạm dừng sau khi được cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tỉnh Thanh Hóa có dự án nhóm B kéo dài 13 năm (Dự án đê, kè biển xã Hải Châu, tỉnh Thanh Hóa); Tỉnh Long An có 17 dự án nhóm B bố trí vốn kéo dài từ 6 đến 17 năm, 15 dự án nhóm C bố trí vốn kéo dài từ 4 đến 9 năm.
Đoàn giám sát cho rằng, đây là vấn đề tồn tại kéo dài nhiều năm, chưa được khắc phục đáng kể, gây lãng phí lớn trong sử dụng vốn đầu tư công. Nguyên nhân các dự án chậm tiến độ chủ yếu là: công tác giải phóng mặt bằng chậm; bố trí vốn không kịp thời; Năng lực của chủ đầu tư, ban quản lý dự án và các nhà thầu và có cả nguyen nhân do thủ tục đầu tư.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cảnh báo chất lượng chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn thấp, khảo sát, lập và phê duyệt dự án không hợp lý, xác định dự toán, TMĐT còn nhiều sai sót, thiếu chính xác,… dẫn đến hàng nghìn dự án phải điều chỉnh quyết định đầu tư, trong đó nhiều dự án phải điều chỉnh nhiều lần, tổng mức đầu tư điều chỉnh cao gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu. Điều chỉnh chủ yếu là về vốn, tiến độ đầu tư, quy mô; TMĐT,...
Hàng nghìn dự án vi phạm, lãng phí
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các bộ ngành, địa phương đã có hàng trăm dự án vi phạm quy định về thủ tục đầu tư, gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư.
Hàng nghìn dự án có thất thoát, lãng phí, trong đó: năm 2016 là 590 dự án, năm 2017 là 840 dự án, năm 2018 là 422 dự án, năm 2019 là 125 dự án, năm 2020 là 923 dự án, năm 2021 là 185 dự án.
Có rất nhiều dự án đầu tư công có sai phạm, phải xử lý hình sự trong số 1.086 trường hợp đã đưa ra xét xử gây thất thoát, lãng phí khoảng 31.795,2 tỷ đồng.
Một số địa phương có số dự án phát hiện có thất thoát, lãng phí nhiều, như: Bắc Giang năm 2018 có 196 dự án và 864 dự án năm 2020; Thanh Hóa năm 2019 có 52 dự án, năm 2020 có 19 dự án, năm 2021 có 90 dự án; Phú Thọ năm 2018 có 111 dự án; Quảng Ngãi năm 2018 có 58 dự án; Lạng Sơn năm 2021 có 48 dự án; Hà Tĩnh năm 2020 có 34 dự án; Sơn La năm 2019 có 33 dự án; Nghệ An năm 2019 có 20 dự án,...
Bên cạnh đó, Báo cáo của đoàn giám sát cũng cảnh báo tình trạng không báo cáo công trình, dự án đã nghiệm thu nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư hoặc không đảm bảo chất lượng, đặc biệt là danh mục công trình, dự án đã nghiệm thu nhưng không phát huy hiệu quả đầu tư, lãng phí, thất thoát; một số Bộ, địa phương chi tiết danh mục các dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư.
Đáng chú ý, Báo cáo đã nếu vấn đề: Qua giám sát số liệu báo cáo không đầy đủ đã có chi tiết danh mục hàng nghìn dự án chậm tiến độ, không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp, thậm chí bỏ hoang, gây lãng phí nhưng chưa được các cơ quan chức năng xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dự án.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/hang-nghin-du-an-cham-tien-do-lang-phi-benh-kinh-nien-cua-dau-tu-cong-a182658.html