Pháp nguy cơ bất ổn và biểu tình gia tăng vì khủng hoảng năng lượng

Một cuộc đình công trong ngành dầu khí kéo dài 3 tuần đã gây ra tình trạng thiếu nhiên liệu trên khắp nước Pháp. Hàng nghìn biểu tình giận dữ về chi phí sinh hoạt tăng cao được cho là xuống đường tuần hành tại thủ đô Paris vào ngày 16/10 (giờ địa phương).

Khoảng 1/3 trạm xăng trên khắp nước Pháp gặp vấn đề về nguồn cung. Ảnh: AFP

Khoảng 1/3 trạm xăng trên khắp nước Pháp gặp vấn đề về nguồn cung. Ảnh: AFP

Theo hãng tin AFP, các đảng chính trị cánh tả, với sự hậu thuẫn của hàng trăm hiệp hội các ngành, đã kêu gọi hình thành phong trào biểu tình.

"Bạn có thể thấy phong trào này đang bắt đầu lan rộng. Các tài xế xe tải đã thông báo ngừng hoạt động vào ngày 18/10 và nhiều người lao động thuộc các lĩnh vực khác bắt đầu tham gia", người đứng đầu đảng cánh tả France Unbowed tại quốc hội Mathilde Panot trả lời trên đài phát thanh franceinfo.

Trước đó, một số công đoàn của Pháp đã tuyên bố ngày đình công toàn quốc vào ngày 18/10. Phong trào này dự kiến ảnh hưởng đến hoạt động giao thông đường bộ, đường sắt và lĩnh vực công.

Mục tiêu chính của phong trào tuần hành trên là thu hút sự chú ý đối với cuộc sống của người lao động đang phải vật lộn với chi phí sinh hoạt cao trong bối cảnh lạm phát của Pháp đạt mức 6%, cũng như kêu gọi chính phủ hành động về biến đổi khí hậu.

Cảnh sát dự kiến có khoảng 30.000 người tham gia tuần hành. Một nguồn tin tiết lộ họ lo ngại sẽ bùng phát nhiều vấn đề bên lề cuộc biểu tình từ những nhóm phi chính phủ trước đó hay đụng độ với lực lượng an ninh. "Những người tổ chức đã được cảnh báo về mối lo ngại này”, quan chức giấu tên cho hay.

Vào ngày 7/10, tập đoàn năng lượng khổng lồ TotalEnergies của Pháp cho biết họ đã đạt được thỏa thuận tăng lương với hai công đoàn lớn nhất đại diện cho nhân viên tại 4 nhà máy lọc dầu, lóe lên hy vọng chấm dứt tình trạng đình công. Tuy nhiên, liên minh công đoàn từ chối chấp nhận thỏa thuận.

Bộ trưởng Ngân sách Gabriel Attal bày tỏ tình trạng các cuộc đình công tiếp diễn trong ngày 16/10 là điều không thể chấp nhận được. “Tất nhiên họ có quyền đình công, nhưng đến một thời điểm nào đó, quốc gia vẫn cần phải làm việc”, Bộ trưởng Attal trả lời báo chí Pháp.

Trong một thông báo từ tập đoàn Esso-ExxonMobil, công nhân tại 2 nhà máy lọc dầu của tập đoàn đã trở lại làm việc vào cuối tuần trước. Tuy nhiên, sẽ cần từ 2 đến 3 tuần để hoạt động công ty trở lại bình thường.

Hiện khoảng 1/3 trạm xăng trên khắp nước Pháp gặp vấn đề về nguồn cung, đặc biệt là những trạm xung quanh thủ đô Paris và ở phía bắc. Nhiều công ty đã cắt giảm hoạt động đi lại và vận chuyển hàng, trong khi các phương tiện dịch vụ khẩn cấp cũng gặp khó vì tình trạng thiếu hút nhiên liệu.

Tuần trước, chính phủ Pháp đã dùng đến quyền hạn khẩn cấp để buộc một số công nhân đình công tại các kho chứa xăng dầu, khí đốt quay trở lại làm việc để giải phóng nhiên liệu dự trữ.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/phap-nguy-co-bat-on-va-bieu-tinh-gia-tang-vi-khung-hoang-nang-luong-a182664.html