Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 396/QĐ-TTCP thanh tra về việc chấp hành, pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.
Theo đó, 15 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, 2 nhà máy lọc hoá dầu trong nước cùng các Bộ Công Thương, Tài chính cũng bị thanh tra về các hoạt động quản lý về xăng dầu.
Thanh tra Chính phủ cho biết khi cần thiết có thể thanh tra những nội dung liên quan trước hoặc sau thời kỳ thanh tra. Thời hạn thanh tra của đoàn là 60 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố Quyết định thanh tra, trừ những ngày nghỉ theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, trong danh sách các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ bị Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra, có tên của Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà (Vận tải thủy bộ Hải Hà), doanh nghiệp các đây ít tuần bị Cục thuế Thái Bình "réo" tên khi nợ hơn 1.709 tỷ đồng tiền thuế, đứng đầu danh sách nợ thuế tỉnh Thái Bình.
Đây không phải là lần đầu tiên Vận tải thủy bộ Hải Hà dẫn đầu danh sách nợ thuế khủng của đất lúa Thái Bình. Trước đó, năm 2019 doanh nghiệp xăng dầu này cũng là cái tên đứng đầu trong danh sách nợ thuế bảo vệ môi trường với số dư lên tới 1.200 tỷ đồng.
Còn theo dữ liệu Dân Việt có được, tính đến cuối năm 2021, khoản mục nợ thuế và các khoản phải trả nhà nước của Vận tải thủy bộ Hải Hà ghi nhận ở con số hơn 2.208 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với cuối năm 2020.
Thực tế, có nhiều doanh nghiệp "cạn tiền" dẫn đến chây ì thuế, song trường hợp của Vận tải thủy bộ Hải Hà lại "đặc biệt", bởi nợ thuế đầm đìa nhưng doanh nghiệp vẫn rủng rỉnh nghìn tỷ cho vay.
Cụ thể, tại ngày 31/12/2021 Vận tải thủy bộ Hải Hà ghi nhận hơn 2.074 tỷ đồng cho vay ngắn hạn, tăng 700 tỷ đồng so với hồi đầu năm.
Nhìn vào dòng tiền cũng phần nào cho thấy sự "xông xênh" về tiền bạc của doanh nghiệp, thể hiện ở việc chi đến 2.770 tỷ đồng cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái, tương ứng tăng 221%.
Tiền thu hồi từ cho vay, bán lại các công cụ nợ của đơn vị khác cũng tăng vọt từ 943 tỷ đồng lên 1.776 tỷ đồng (tăng 833 tỷ đồng).
Chưa kể, Vận tải thủy bộ Hải Hà cũng ghi nhận sự lớn mạnh về quy mô khi tổng tài sản tính đến cuối năm 2021 đạt 13.415 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng sau 12 tháng, tương ứng mức độ tăng trưởng lên đến 56%.
Trong đó, đáng chú ý khi tiền và các khoản tương đương tiền còn hơn 100 tỷ đồng; khoản mục đầu tư nắm giữ đến ngày đáo han 3.622 tỷ đồng (tăng hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm).
Lưu ý rằng, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là những khoản đầu tư tài chính nắm giữ đến ngày đáo hạn ngoài đầu tư chứng khoán như các khoản tiền gửi ngân hàng có kì hạn, cho vay lấy lãi...
Doanh thu cao, lợi nhuận bi đát – cũng là một trong những vấn đề đáng lưu tâm tại Vận tải thủy bộ Hải Hà.
Dữ liệu của Dân Việt cho thấy, năm 2020 Vận tải thủy bộ Hải Hà ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ là 10.892 tỷ đồng, nhưng đến năm 2021 doanh thu vọt lên trên 18.900 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 73,8%.
Thế nhưng, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Vận tải thủy bộ Hải Hà lại âm 23 tỷ đồng, nguyên nhân giá vốn hàng bán cao hơn so với doanh thu mà doanh nghiệp này có được.
Đáng lưu ý, trong năm này tiền chi khác cho các hoạt động kinh doanh của Vận tải thủy bộ Hải Hà cũng đột biến từ 12.366 tỷ đồng lên 22.244 tỷ đồng, tăng gần 9.900 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp báo lỗ gần 160 tỷ đồng năm 2021, trong khi năm 2020 con số lỗ của doanh nghiệp cũng lên tới 787 tỷ đồng.
Theo đó, lỗ lũy kế tính đến 31/12/2021 của Vận tải thủy bộ Hải Hà tăng từ 1.848 tỷ đồng lên gần 2.008 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn góp chủ sở hữu trong năm 2021 vẫn "dậm chân tại chỗ" chỉ với 374 tỷ đồng.
Nhưng cũng chính doanh thu cao nhưng lợi nhuận bi đát nên chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp ở mức 0 đồng.
Chưa hết, tài sản của Vận tải thủy bộ Hải Hà đang có sự mất cân đối, tiềm ẩn rủi ro co. Điều này được thể hiện ở chỗ, giá trị tài sản ngắn hạn đang thấp hơn so với nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Theo dữ liệu Dân Việt, tổng tài sản ngắn hạn của Vận tải thủy bộ Hải Hà cuối năm 2021 là hơn 11.173 tỷ đồng. Mặc dù đã tăng mạnh so với con số 6.935 tỷ đồng ghi nhận hồi đầu năm 2021, song chỉ bằng 76% so với nợ ngắn hạn của doanh nghiệp này tại cùng thời điểm.
Nợ ngắn hạn của Vận tải thủy bộ Hải Hà tại ngày 31/12/2021 là 14.692 tỷ đồng, chiếm 97,6% tổng nợ phải trả của doanh nghiệp (15.048 tỷ đồng). Cuối năm 2021, nợ của công ty đã cao gấp 1,12 lần tổng tài sản.