Nhiều "đám mây đen" đang che phủ kinh tế toàn cầu

Những cuộc khủng hoảng tưởng chừng như riêng lẻ, nổi lên ở những khu vực và thị trường khác nhau, giờ đây đang kết tụ lại. Thế giới có vẻ như sẽ phải đối mặt với một cuộc đa khủng hoảng ở quy mô toàn cầu - tờ Financial Times nhận định...

lanh-dao-ngan-hang-1666076479.png Các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương. Từ trái qua: Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda; Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde; Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell; và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) Andrew Bailey - Hình: Financial Times.

 

“Đa khủng hoảng” (“polycrisis”) là từ mà Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở thời điểm đó là ông Jean-Claude Juncker dùng để miêu tả loạt thách thức mà khu vực này phải đối mặt vào năm 2016. Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nhấn mạnh việc nhiều “đám mây đen” - gồm khủng hoảng năng lượng châu Âu, lãi suất tăng nhanh và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc - đang cùng lúc phủ bóng lên nền kinh tế toàn cầu.

Những cuộc khủng hoảng tưởng chừng như riêng lẻ, nổi lên ở những khu vực và thị trường khác nhau, giờ đây đang kết tụ lại. Thế giới có vẻ như sẽ phải đối mặt với một cuộc đa khủng hoảng ở quy mô toàn cầu - tờ Financial Times nhận định.

Hiếm có khi nào các đầu tàu của nền kinh tế thế giới khựng lại cùng lúc như hiện nay. Các quốc gia chiếm khoảng 1/3 nền kinh tế toàn cầu được IMF dự báo sẽ suy giảm trong năm nay hoặc năm tới. Triển vọng mà định chế này đưa ra đối với các nền kinh tế lớn nhất - gồm Mỹ, khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu Eurozone và Trung Quốc - đều u ám.

Trong bối cảnh lạm phát trên toàn cầu đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ, các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã tăng lãi suất trong năm nay với mức độ đồng loạt chưa từng thấy trong 5 thập kỷ trở lại đây. Cùng với đó, đồng USD tăng giá lên mức cao nhất kể từ đầu thập niên 2000. Những lực lượng này đang đẩy cao những dự báo u ám về kinh tế thế giới và tạo ra những sức ép mới.

Các nền kinh tế mới nổi đang oằn lưng gánh những khoản nợ bằng đồng USD ngày càng phình to do tỷ giá USD và lãi suất cùng tăng lên. Các dòng vốn đang chảy mạnh khỏi các thị trường này. Cùng với đó, lãi suất cho vay thế chấp nhà và lãi suất vay vốn của doanh nghiệp tăng lên khắp nơi trên thế giới. Nhiều chỉ số của các thị trường tài chính đang phát đi tín hiệu báo động, khi việc lãi suất tăng nhanh từ mức đáy trong thời gian đại dịch bắt đầu phơi bày những mắt xích yếu. Những đợt bán tháo tài sản cũng là một rủi ro lớn, như những gì xảy ra với các quỹ lương hưu của Anh trong thời gian gần đây.

Nguyên nhân gián tiếp của tình trạng bất ổn kinh tế toàn cầu hiện nay là hai cú sốc lịch sử nối tiếp nhau chỉ trong một thời gian ngắn: Covid-19 và chiến tranh Nga-Ukraine.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất với tốc độ mạnh nhất kể từ đầu thập niên 1980, thời ông Paul Volcker còn giữ vai trò Chủ tịch, để chống lại lạm phát vốn bị thổi bùng bởi chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch và những nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng.

Cùng với đó, cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu - một hệ quả của chiến tranh - đồng nghĩa châu Âu đang trải qua một cú sốc lớn. Nền kinh tế Trung Quốc thì đang hứng chịu những hệ quả của chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid, cùng với cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản.

Những thách thức mới này thậm chí nổi lên trong lúc những vết thương mà Covid-19 gây ra cho kinh tế toàn cầu còn chưa liền sẹo.

Nhiều cú sốc cùng xuất hiện và làm cho nhau mạnh lên đã đặt các nhà hoạch định chính sách vào một tình thế giữ thăng bằng khó khăn. Đối với các chính phủ, nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp đi kèm với rủi ro “đổ dầu vào lửa” lạm phát và gia tăng gánh nặng nợ nần vốn dĩ đã tăng mạnh vì đại dịch, nhất là khi lãi suất giờ đây đang tăng nhanh. Lãi suất càng cao, nguy cơ xảy ra đổ vỡ trên thị trường bất động sản càng lớn và thị trường tài chính càng chịu áp lực lớn. Dù vậy, đối với các ngân hàng trung ương, việc không thắt chặt chính sách tiền tệ tới mức đủ có thể mở đường cho lạm phát bám rễ sâu trong nền kinh tế.

Theo Financial Times, dù không có một giải pháp đơn giản nào cho vấn đề, vẫn có một số bài học quý giá được rút ra. Nền kinh tế mong manh của ngày hôm nay cần chính sách được căn chỉnh kỹ lưỡng và phù hợp với những mối nguy. Câu chuyện của nước Anh là một ví dụ.

Cuộc đụng độ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá của Anh trong những tuần gần đây cho thấy điều gì có thể xảy ra khi thực tế bị phớt lờ. Sai lầm chính sách là một phần lý do vì sao IMF nhận thấy khả năng 1/4 kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm tới, với mức tăng trưởng giảm xuống mức thấp lịch sử là 2%.

Ảnh hưởng lan rộng của các cuộc khủng hoảng toàn cầu làm gia tăng sự cần thiết của việc xây dựng năng lực trụ vững của các nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng của thế giới đã mạnh lên sau khủng hoảng tài chính, nhưng các nhà hoạch định chính sách mới chỉ làm quá ít để củng cố hệ thống tài chính phi ngân hàng.

Ngoài ra, nhiều người cũng phàn nàn về sự thiếu vắng của các giải pháp cải thiện năng suất và đầu tư nhằm hoá giải lạm phát trong kỹ năng lao động, công nghệ và nhiên liệu thay thế năng lượng hoá thạch trong thập kỷ qua, khi lãi suất còn thấp. Nếu thiếu đi sự bình tĩnh, chín chắn và tư duy dài hạn, nền kinh tế toàn cầu sẽ còn rơi vào hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác - Financial Times nhận định.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/nhieu-dam-may-den-dang-che-phu-kinh-te-toan-cau-a183011.html