Giao dịch đột ngột chững lại trong phiên sáng nay, cả bên mua lẫn bên bán đều như ngừng giao dịch. Tổng giá trị khớp lệnh hai sàn niêm yết giảm tới 38% so với sáng hôm qua, chỉ còn 3.182 tỷ đồng. Thậm chí nhóm blue-chips VN30 giao dịch chưa tới 853 tỷ đồng, còn kém cả mức thanh khoản một cổ phiếu riêng lẻ trong thời điểm sôi động.
VN-Index đang giảm 5,85 điểm tương đương 0,55% so với tham chiếu. Tuy nhiên phần lớn điểm mất đi là do nhóm vốn hóa lớn nhất như VIC, VHM, GAS, HPG. Chỉ 4 mã này đã lấy đi gần 3,5 điểm khỏi chỉ số, nghĩa là toàn bộ số còn lại gần như bù trừ hết cho nhau.
Ngay cả với các cổ phiếu giảm sâu nhất nói trên, mức thanh khoản quá yếu cũng đặt vấn đề về độ tin cậy của diễn biến giá. VIC giảm 2,57% nhưng giao dịch toàn lệnh vài trăm cổ và tổng thanh khoản chỉ hơn 11,2 tỷ đồng. VHM giảm 2,08% thanh khoản hơn 19,4 tỷ. GAS giảm 0,9% giao dịch 21,1 tỷ. Duy nhất HPG giảm 1,33% là có thanh khoản cao với 142,1 tỷ. Thật ra mức giao dịch của HPG cũng là rất nhỏ so với thông lệ của cổ phiếu này. Mức giao dịch sáng nay còn chưa bằng một phần ba mức giao dịch của phiên hôm qua.
Do cung cầu quá yếu, diễn biến thị trường sáng nay kém ổn định. Vài nhịp tăng của VN-Index nhanh chóng kết thúc và độ rộng cũng thay đổi. Lúc chỉ số này đạt đỉnh khoảng 10h30, tăng 0,22% so với tham chiếu, VN-Index có 216 mã tăng/132 mã giảm. Lúc chỉ số giảm sâu nhất khoảng 11h, mất 0,66%, độ rộng ghi nhận 129 mã tăng/241 mã giảm. Kết phiên có 138 mã tăng/234 mã giảm. Yếu tố duy nhất khiến độ rộng này kém tin cậy, là thanh khoản quá nhỏ nên cung cầu có thể tác động lên giá bất kỳ lúc nào.
Không chỉ nhà đầu tư trong nước giảm giao dịch, khối ngoại sáng nay cũng chậm lại đáng kể. Tổng mức giải ngân tại HoSE chỉ là 378,9 tỷ đồng, bán ra 412,3 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 33,4 tỷ.
Đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu blue-chips gần như bị nhà đầu tư “buông”, khi chỉ giao dịch thành công 852,9 tỷ đồng. HPG, STB, SSI và VPB là 4 cổ phiếu thanh khoản nhất, chiếm tới 43% giá trị rổ. Trong số này duy nhất HPG đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng, cổ phiếu thứ hai là SSI cũng chỉ đạt hơn 83 tỷ đồng...
Rổ này đang tạo sức ép chủ đạo lên các chỉ số khi có tới 24 mã giảm và chỉ 4 mã tăng. Trong 10 mã khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất, chỉ có DCM và EIB là không thuộc VN30. Chỉ số đại diện đang giảm 0,63%, mạnh hơn VN-Index. Trong khi đó Midcap giảm nhẹ 0,25% và Smallcap tăng 0,04%.
Trong bối cảnh thanh khoản cực kém thì nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có hiệu quả tốt hơn trong việc thu hút dòng tiền. Nhiều nhà đầu tư cá nhân ưa thích giao dịch trong các nhóm này và mức thanh khoản bình quân của cổ phiếu vừa và nhỏ cũng hạn chế. HoSE đang có 61 cổ phiếu tăng trên 1% chủ yếu thuộc hai nhóm này, với một số mã nổi bật như PVD tăng 3,08% giao dịch 101,6 tỷ đồng; FRT tăng 2,69% giao dịch 91,7 tỷ; GIL tăng 1,56% giao dịch 24,7 tỷ; BAF tăng 1,52% giao dịch 36,6 tỷ; DGW tăng 1,35% thanh khoản 36,1 tỷ; DGC tăng 1,23% thanh khoản 168,1 tỷ...
Mặc dù số giảm giá đang áp đảo số tăng nhưng HoSE cũng chỉ có 90 mã đang giảm trên 1%. Số lượng này là nhỏ, chỉ chiếm 25% trong tổng số các mã có giao dịch ở sàn này sáng nay. Mức biến động hẹp và thanh khoản cực thấp cho thấy tình trạng cung cầu không gặp nhau.
Nhà đầu tư hạn chế giao dịch đột biến sáng nay dù không có thêm thông tin mới xuất hiện nào. Đây là trạng thái hiếm khi xảy ra. Mức thanh khoản dưới 3.000 tỷ đồng của phiên sáng trên sàn HoSE là chưa từng thấy kể từ cuối tháng 11/2020, tức là trước cả thời điểm nghẽn lệnh. Thay đổi này là quá đột biến để có thể xuất phát từ động lực tác động lên thị trường, chỉ có thể là do nhà đầu tư chủ động dừng lại.
Phiên đáo hạn phái sinh chỉ diễn ra vào ngày mai, nhưng kể từ khi thay đổi cách tính giá thanh toán cuối cùng, biến động thường được đẩy lên sớm một ngày. Mức thanh khoản thấp như hiện tại có thể tạo hệ quả dao động giá mạnh hơn trong phiên chiều.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/thanh-khoan-thap-dot-bien-thi-truong-cho-doi-dieu-gi-a183325.html