Gánh nặng đá đeo
Sau khi tham vấn bất thành các bộ, ngành liên quan do tồn tại những ý kiến tương đối trái chiều, vào đầu tuần trước, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã phải gửi Công văn số 10230/BGTVT - QLDN tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để báo cáo về việc thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DAMCO.
Việc sắp xếp, cơ cấu lại DAMCO thực sự là “gánh nặng đá đeo” kéo dài suốt hơn 10 năm qua của Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT).
Được biết, DAMCO xuất thân là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Đà Nẵng. Năm 2006, DAMCO được Bộ GTVT tiếp nhận nguyên trạng về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor), hiện cũng đã được cổ phần hóa và thoái 100% vốn nhà nước. Tại thời điểm này, DAMCO là một đơn vị khá có tiếng tăm trong lĩnh vực lắp ráp, hoán cải các loại xe chở khách tại khu vực miền Trung.
Vào tháng 2/2011, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT, DAMCO được Chính phủ cho phép chuyển đổi sở hữu thành công ty cổ phần thông qua hình thức mua bán nợ, nhưng không thể triển khai thành công. Đến giữa tháng 10/2020, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có Công văn số 8621/VPCP - DMDN thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về hình thức chuyển đổi DAMCO. Tại văn bản này, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn DAMCO thực hiện chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Sau bước này, Bộ GTVT sẽ thực hiện chuyển đổi DAMCO theo phương thức bán đấu giá toàn bộ DAMCO có kế thừa công nợ. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán doanh nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định 128/2014/NĐ-CP về bán, giao và chuyển giao doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, cùng các văn bản pháp luật liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, lợi ích cao nhất cho Nhà nước.
Theo ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ GTVT, thời gian vừa qua, Bộ GTVT rất rốt ráo thực hiện chuyển đổi sang loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và thực hiện chuyển đổi DAMCO với hình thức bán toàn bộ doanh nghiệp theo phương thức bán đấu giá có kế thừa công nợ. Tuy nhiên, trước khi thực hiện việc bán toàn bộ doanh nghiệp, Bộ GTVT gặp phải vướng mắc lớn liên quan đến mô hình tổ chức cũng như công tác cán bộ tại DAMCO.
Cụ thể, theo quy định của pháp luật hiện hành, việc kiện toàn và quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ tại doanh nghiệp nhà nước phải dựa trên loại hình của doanh nghiệp đó. DAMCO chưa được tổ chức theo mô hình của Luật Doanh nghiệp 2020, mà vẫn hoạt động theo mô hình công ty nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng đang khủng hoảng về nhân sự khi Giám đốc của DAMCO đã được bổ nhiệm từ năm 2001, Kế toán trưởng được bổ nhiệm năm 2009, nhưng đến nay, cả 2 nhân sự trên đều chưa có quyết định bổ nhiệm lại và đã quá tuổi nghỉ hưu theo quy định.
“Để tháo gỡ vấn đề trên, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định về thực hiện chuyển đổi và đăng ký doanh nghiệp đối với các công ty nhà nước hiện vẫn duy trì mô hình hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước 2003”, ông Sang cho biết.
Trong thời gian chờ nghị định mới, tại Công văn số 10230/BGTVT - QLDN, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng cho phép vận dụng một số quy định tại Luật Doanh nghiệp để có cơ sở giải quyết các khó khăn, vướng mắc cấp bách hiện nay của DAMCO trong công tác cán bộ, đặc biệt là trong các vụ án về tranh chấp dân sự đang do Tòa án giải quyết có liên quan đến việc xác định tư cách pháp lý và giải quyết chế độ, chính sách đối với 2 cá nhân hiện đang giữ vị trí Giám đốc, Kế toán trưởng DAMCO.
Theo đó, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép vận dụng quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 88 và khoản 1, Điều 90, Luật Doanh nghiệp năm 2020 để tổ chức DAMCO như hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, là công ty độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, với mô hình Chủ tịch công ty, Giám đốc, Ban Kiểm soát; đồng thời tiến hành kiện toàn và quản lý cán bộ tại DAMCO theo mô hình Chủ tịch công ty, Giám đốc, Ban Kiểm soát.
Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ GTVT xin tạm giao ông Nguyễn Ngọc Sơn, người được bổ nhiệm giữ chức Phó giám đốc Công ty từ 8/3/2022, làm quyền Chủ tịch Công ty để giải quyết một số công việc gồm: kiện toàn tổ chức bộ máy và các chức danh lãnh đạo, quản lý tại DAMCO; giải quyết các chế độ, chính sách, hưu trí... cho người lao động của DAMCO.
Cá nhân này còn được giao tham gia các vụ kiện với vai trò là người đại diện theo pháp luật của DAMCO và thực hiện các nhiệm vụ khác của chức danh Chủ tịch Công ty theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thua lỗ ngập mặt
Có khá nhiều lý do dẫn tới sự sa sút của DAMCO, trong đó có việc đơn vị này phải 4 lần di chuyển địa điểm sản xuất từ khu vực nội đô về Khu công nghiệp Hòa Khánh theo chủ trương của TP. Đà Nẵng trong giai đoạn từ 2006 đến 2010.
Do di dời liên tục, tình hình sản xuất không ổn định, doanh thu thấp, người lao động phải di chuyển gần 20 km từ trung tâm TP. Đà Nẵng về Khu công nghiệp Hòa Khánh, nên đã dẫn đến tình trạng công nhân nghỉ việc hàng loạt. Tính từ năm 2006 đến cuối năm 2010, hơn 600 lượt cán bộ, công nhân DAMCO đã xin nghỉ việc. Công ty phải chi trả tiền chế độ nghỉ việc cho người lao động hơn 12 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Giám đốc DAMCO (người đã quá tuổi nghỉ chế độ từ 6 năm trước) cho biết, sau khi xây dựng xong Nhà máy Cơ khí ô tô Hòa Khánh, DAMCO chuyển sang sản xuất xe khách Hyundai 29 CN, được khách hàng rất ưa chuộng. Tuy nhiên, lúc này Vinamotor lại được Chính phủ cho phép ký hợp đồng độc quyền nhập khung gầm có gắn động cơ Hyundai và được miễn 20% thuế nhập khẩu khung gầm có gắn động cơ. Điều này khiến DAMCO càng làm càng lỗ, không thể cạnh tranh với chính công ty mẹ - Vinamotor.
Chính các khoản lỗ lũy kế rất lớn được tích tụ nhiều năm đã khiến việc cổ phần hóa DAMCO tuy được Bộ GTVT khởi động từ năm 2011, nhưng không thể thực hiện được. Vào năm 2014, khi tiến hành cổ phần hóa công ty mẹ - Vinamotor, Bộ GTVT đã tách riêng DAMCO để thực hiện tái cơ cấu tài chính theo hình thức mua bán nợ với đơn vị nhận nợ là Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC).
Do vướng mắc thủ tục về đất đai nên quá trình cổ phần hóa DAMCO đã kéo dài suốt 10 năm qua với 5 lần tiến hành xác định giá trị doanh nghiệp. Tại lần xác định giá trị doanh nghiệp vào tháng 9/2018, giá trị thực tế của DAMCO tại thời điểm 31/12/2017 là 87,7 tỷ đồng, nhưng tổng nợ thực tế phải trả là 143,7 tỷ đồng, nên giá trị thực tế phần vốn nhà nước là âm 56 tỷ đồng.
Sau khi bán một phần nợ cho Công ty TNHH Tập đoàn Thành Đạt - đơn vị từng được chọn là cổ đông chiến lược khi cổ phần hóa DAMCO, tổng dư nợ phải thu của DATC tại DAMCO vẫn còn 88 tỷ đồng (nợ gốc 51 tỷ đồng). Thực chất đây là số tiền mà DATC đã bỏ ra trong quá trình tái cơ cấu tài chính phục vụ cổ phần hóa DAMCO theo hình thức mua bán nợ nhưng bất thành trong những năm trước đó. Ngoài khoản nợ lớn nói trên, DAMCO còn nợ Thành Đạt 21 tỷ đồng và Tập đoàn ô tô số 1 Trung Quốc 17,3 tỷ đồng.
Điều đáng nói là, do quá trình tái cơ cấu kéo quá dài (gần 10 năm), lại không được bơm thêm nguồn lực để phục hồi, hoạt động của DAMCO trong những năm qua tiếp tục lao dốc không phanh. Trong năm 2021, DAMCO tạo ra được 3 tỷ đồng doanh thu, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, nhưng đã kịp lỗ thêm 3,3 tỷ đồng, đẩy khoản lỗ lũy kế vọt lên 174 tỷ đồng.
Từ vị thế doanh nghiệp lớn với hơn 400 lao động vào năm 2006, DAMCO đã thực sự chết lâm sàng với bộ khung nhân sự gồm Ban giám đốc có 3 người; Văn phòng Công ty có 8 người. Các đơn vị trực thuộc: Nhà máy Cơ khí ô tô (đã ngừng hoạt động từ năm 2014); Nhà máy Cơ khí điện cơ (chỉ còn 6 lao động); Xí nghiệp Sửa chữa và Bảo dưỡng (đã ngừng hoạt động từ năm 2019).
Về số người lao động, trong danh sách năm 2022 của DAMCO là 78 người, nhưng số lao động thực tế đang đi làm chỉ có 17 người. Hiện DAMCO đang nợ lương người lao động, nợ bảo hiểm xã hội, nợ trợ cấp thôi việc kéo dài.
Điều đáng nói là DAMCO đang còn nợ Bảo hiểm Xã hội TP. Đà Nẵng (12 tỷ đồng), nợ Công ty Phát triển và Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Đà Nẵng - Daizico (4,5 tỷ đồng) tiền thuê đất tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, nên phương án bán toàn bộ doanh nghiệp có kế thừa công nợ vẫn chưa thể thực hiện được.
Trong Văn bản số 20/CVCT gửi Bộ GTVT vào ngày 20/4/2022, lãnh đạo DAMCO tiếp tục kiến nghị bộ chủ quản cho phép công ty phối hợp với DATC tổ chức bán lô đất số A5 tại Khu trung tâm bến xe, quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) để có nguồn thanh toán khẩn cấp hai khoản công nợ của Bảo hiểm Xã hội TP. Đà Nẵng và Daizico. Lô đất rộng 1.755 m2 này chính là tài sản có giá trị nhất tính đến lúc này của DAMCO. Hiện giấy chứng nhận quyền sử dụng lô đất số A5 được DAMCO cầm cố thế chấp tại DATC từ năm 2011, làm cơ sở để DATC thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa Công ty.
Bên cạnh đó, lãnh đạo DAMCO đề nghị Bộ GTVT có văn bản can thiệp với Bảo hiểm Xã hội TP. Đà Nẵng cho công ty được gia hạn số tiền nợ bảo hiểm xã hội 12,2 tỷ đồng cho đến thời điểm đơn vị hoàn tất quá trình chuyển đổi.
“Đây là vấn đề gây nhiều bức xúc khi hàng chục cán bộ đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không thể hoàn thành các thủ tục để được hưởng chế độ”, ông Sơn cho biết.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/vat-va-tim-cua-sinh-cho-xac-song-damco-a183504.html