Dòng tiền vẫn dè dặt, khối ngoại quay lại mua ròng
Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn tăng mạnh trong nửa cuối phiên chiều đã kéo chỉ số chung tăng lên. Trừ UPCoM-Index đóng cửa tăng nhẹ 0,11 điểm (+0,14%), chỉ số hai sàn niêm yết vẫn giảm so với phiên hôm qua.
VN-Index đóng cửa giả 0,15% xuống còn 1.058 điểm. HNX-Index giảm 0,89% xuống 225,88 điểm. Tuy nhiên, so với mức thấp nhất trong phiên, chỉ số sàn HoSE đã hồi phục tới hơn 10 điểm.
VN-Index nỗ lực đi lên trong nửa cuối phiên chiều nhưng chưa thể đóng cửa trong sắc xanh.
Sự hồi phục trong phiên hôm nay có công lớn của các trụ đỡ, đứng đầu là VCB. Trong nửa cuối phiên chiều, cổ phiếu Vietcombank tăng mạnh từ 68.000 đồng lên 69.200 đồng ở thời điểm kết phiên. Ngoài ra, GAS, FPT, VNM, ACB cũng là các trụ cột chính nâng đỡ VN-Index. Trong khi đó, TCB, HPG, MBB, GVR và DGC là top 5 cổ phiếu tác động tiêu cực đến thị trường. Trên sàn HNX, IDC là đầu tàu kéo giảm chỉ số chung khi ông lớn ngành bất động sản khu công nghiệp giam tới 3,9%>.
Sau phiên giao dịch ngày 19/10 ghi nhận mức thanh khoản thấp nhất 2 năm, giá trị giao dịch toàn thị trường nhích nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 9.367 tỷ đồng. Điểm sáng là khối ngoại đã giải ngân ròng trở lại sau 2 ngày liên tiếp bán róng. Tuy nhiên, dòng tiền khối ngoại chỉ tập trung ở một số cổ phiếu, nhiều nhất thời gian này là VNM. Khối ngoại đã liên tục giải ngân vào cổ phiếu Vinamilk trong 10 phiên gần đây. VNM cũng đã duy trì chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp.
Ở chiều ngược lại, HPG vẫn là cổ phiếu bị bán ròng mạnh nhất (72,5 tỷ đồng) với giá trị bán ra hơn 160 tỷ đồng trong khi chỉ mua vào 87,5 tỷ đồng. HPG cũng là cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất với hơn 26 triệu cổ phiếu “sang tay”, trị giá hơn 474 tỷ đồng. Bình quân, cứ mỗi 3 cổ phiếu HPG được khớp lệnh trên sàn, lại có 1 cổ phiếu là do các nhà đầu tư nước ngoài bán.
HPG chưa dứt chuỗi giảm, áp lực bán ở nhóm chứng khoán vẫn mạnh
Trái ngược với xu thế mua ròng của VNM, khối ngoại đã bán ròng cổ phiếu HPG trong ba phiên gần đây. Đồng thời, cổ phiếu này cũng đã giữ mạch giảm liên tiếp trong 5 phiên vừa qua và đang tiến sát về vùng đáy xác lập 2 tuần trước. Đà giảm của giá cổ phiếu cũng kéo quy mô vốn hóa thị trường của Hòa Phát chỉ còn hơn 105.247 tỷ đồng, ngày càng trượt xa khỏi top 10 vốn hóa.
Kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp đang dần lộ diện. Đã có doanh nghiệp thép báo lỗ. Hòa Phát hiện chưa công bố kết quả kinh doanh nhưng bức tranh không mấy sáng sủa của ngành thép và chính Hòa Phát cũng từng được Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long đề cập.
Không riêng nhóm thép, hoạt động kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán cũng được dự báo sẽ rất tiêu cực trong bối cảnh giá cổ phiếu lao dốc và thanh khoản sụt giảm. Giá cổ phiếu dòng chứng khoán tiếp tục giảm sâu trong phiên giao dịch hôm nay với mức giảm ở đa số cổ phiếu đều trên 1%.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/chung-khoan-2010-dong-tien-mat-hut-no-luc-cuoi-phien-chua-the-keo-sac-xanh-tro-lai-a183632.html