Dow Jones tăng 700 điểm, hoàn tất tuần tăng mạnh nhất 4 tháng

Dow Jones tăng 700 điểm, hoàn tất tuần tăng mạnh nhất 4 tháng

chung-khoan-my-1666405220.jpeg Hai nhà giao dịch trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters.

 

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (21/10), khép lại một tuần đầy biến động với thành quả tăng ấn tượng, bất chấp một số báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng và sức ép từ lãi suất tăng. Giá dầu thô cũng đi lên trong phiên này, dù tiếp tục bị giằng co giữa những yếu tố trái chiều.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 748,97 điểm, tương đương tưang 2,47%, chốt ở mức 31.082,56 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 2,37%, đạt 3.752,75 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,31%, đạt 10.859,72 điểm.

Phiên tăng này bổ sung vào thành quả tăng trước đó trong tuần. Thị trường đã có hai phiên tăng mạnh vào ngày thứ Hai và thứ Ba trước khi chuyển sang giảm vào ngày thứ Tư và thứ Năm. Tính cả tuần, S&P 500 và Dow Jones tăng tương ứng 4,7% và 4,9%; trong khi Nasdaq tăng 5,2%. Đây là tuần tốt nhất của cả 3 chỉ số kể từ tháng 6 trở lại đây – theo hãng tin CNBC.

Thị trường tăng điểm bất chấp lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lập đỉnh mới của 15 năm và xuất hiện một số báo cáo tài chính quý 3 không như kỳ vọng của các công ty niêm yết.

“Khi bước vào phiên cuối cùng của tuần, thị trường đã ở trong trạng thái kỹ thuật bán quá nhiều. Và như chúng ta đã chứng kiến nhiều lần trước đây, mọi thứ khi bị dồn nén quá mức đều dễ dàng bật trở lại”, Giám đốc phụ trách giao dịch và phái sinh của Schwab Center for Financial Research, ông Randy Frederick, nhận định với CNBC.

“Nhưng bất kỳ sự phục hồi nào như vậy mà chúng ta từng có đều không bền vững… Sự phục hồi ngày hôm nay chưa chắc sẽ tiếp diễn trong tuần tới. Mà nếu có, tôi cũng không cho là sẽ kéo dài hơn ngày một ngày hai”, ông Frederick nói thêm.

Cổ phiếu ngân hàng là một điểm sáng của thị trường trong phiên này, với Goldman Sachs tăng 4,6% và JPMorgan Chase tăng 5,3%.

American Express và Verizon, hai thành viên của Dow Jones, chứng kiến giá cổ phiếu giảm tương ứng 1,6% và 4,5% sau khi công bố kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng. Cổ phiếu Snap “bốc hơi” 28% sau khi công ty công bố doanh thu quý 3 chỉ đạt 1,13 tỷ USD, thấp hơn so với dự báo.

Sau khi lập đỉnh vào buổi sáng, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã quay đầu giảm do một bài báo của tờ Wall Street Journal nói rằng một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang cảm thấy lo ngại về khả năng thắt chặt chính sách tiền tệ quá tay bằng những đợt tăng lãi suất với bước nhảy lớn. Thông tin này dường như cũng có tác dụng kích giá cổ phiếu tăng.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về mức 4,2209%, sau khi đạt 4,226% - mức cao nhất kể từ năm 2007.

Việc Fed tăng lãi suất quyết liệt để chống lạm phát là một nhân tố chủ chốt khiến chứng khoán Mỹ rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market) trong năm nay. Các nhà giao dịch đã liên tục nâng mức lãi suất kỳ vọng mà họ cho rằng ở đó Fed sẽ dừng tăng, đặt ra sức ép giảm ngày càng lớn đối với thị trường.

“Chúng ta thực sự cần Fed tạm dừng việc tăng lãi suất. Không cần phải đến mức Fed ngừng hẳn việc tăng lãi suất trong tương lai, mà chỉ cần họ nói rằng nếu các dữ liệu kinh tế đi đúng hướng thì đến nửa đầu năm 2023 sẽ không cần phải tăng lãi suất thêm”, chiến lược gia trưởng của Stifel, ông Barry Bannister, nói với CNBC.

Chứng khoán châu Âu giảm điểm trong phiên ngày thứ Sáu, khi nhà đầu tư lo ngại về lạm phát và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế từ nỗ lực chống lạm phát của các ngân hàng trung ương. Giới chuyên gia cho rằng việc kinh tế châu Âu rơi vào suy thoái đã là điều gần như chắc chắn. Chỉ số Stoxx 600 của thị trường chứng khoán khu vực giảm 0,62% trong phiên này.

Tuy nhiên, chỉ số MSCI All Country-World Index tăng 1,52%, chủ yếu nhờ phiên tăng mạnh của chứng khoán Mỹ. MSCI châu Á-Thái Bình Dương giảm 0,23%; Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,43%.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,64%, chốt ở 85,05 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London tăng 1,21%, đạt 93,5 USD/thùng.

Giá dầu đã có một phiên giằng co giữa một bên là lực hỗ trợ từ hy vọng nhu cầu khởi sắc ở Trung Quốc và sự suy yếu của đồng USD; một bên là nguy cơ suy giảm nhu cầu dầu do khả năng suy thoái kinh tế toàn cầu và ảnh hưởng của lãi suất tăng đối với tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, giá dầu cũng đang được nâng đỡ bởi quyết định cắt giảm sản lượng gần đây của liên minh OPEC+, nhóm của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.

Tuần này, giá dầu WTI giảm khoảng 1,5% trong khi giá dầu Brent tăng khoảng 0,8%. Tuần trước, giá của cả hai loại dầu cùng giảm.

Link nội dung: https://vietnamindex.vn/dow-jones-tang-700-diem-hoan-tat-tuan-tang-manh-nhat-4-thang-a184086.html