Thủ tướng Liz Truss vừa tuyên bố từ chức, để lại một nền kinh tế Anh chìm trong hỗn loạn. Nhưng ngành công nghiệp whisky đang trải qua một giai đoạn bùng nổ. Ảnh: Paul Campbell/PA.
Theo New York Times, nền kinh tế Anh đã chịu tác động từ những ảnh hưởng của Brexit, xung đột Nga - Ukraine và gần nhất là việc Chính phủ đảo ngược gần như toàn bộ kế hoạch thuế và ngân sách. Nhưng tình hình hoàn toàn khác đối với các nhà sản xuất rượu whisky của Scotland.
Hoạt động kinh doanh rượu whisky bùng nổ nhờ đồng bảng Anh giảm mạnh so với các đồng tiền khác. Điều này khiến loại hàng hóa này trở nên hợp túi tiền với những khách hàng bên ngoài Anh.
"Không nghi ngờ gì nữa, biến động trên thị trường ngoại hối đã có sức ảnh hưởng lớn", ông John Stirling - đồng sáng lập Arbikie Distillery (có trụ sở ở Scotland) - bình luận.
Hoạt động kinh doanh rượu whisky bùng nổ nhờ đồng bảng Anh yếu đi so với các tiền tệ khác. Ảnh: New York Times.
Xuất khẩu tăng mạnh
Theo dữ liệu chính thức, xuất khẩu rượu whisky của Anh đã tăng lên trong 2 năm qua. Riêng trong giai đoạn tháng 7/2021 đến tháng 7/2022, xuất khẩu rượu whisky ghi nhận mức tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là nhu cầu từ Mỹ và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đi lên.
Nhu cầu đối với Scotch (whisky được sản xuất tại Scotland) tăng lên khi đồng bảng Anh được giao dịch gần mức yếu nhất lịch sử. Tháng trước, đồng tiền của Anh đã lao dốc xuống 1,035 USD đổi 1 bảng Anh, ngưỡng thấp chưa từng có, sau khi chính quyền của bà Liz Truss công bố kế hoạch giảm thuế.
Đến nay, kế hoạch giảm thuế của Anh đã được đảo ngược gần như hoàn toàn, nhưng đồng bảng Anh vẫn sụt giảm so với các tiền tệ chính, bao gồm tiền của Mỹ, Pháp, Đài Loan, Ấn Độ, Singapore và Trung Quốc. Đáng nói, đây đều là những điểm đến hàng đầu của Scotch.
Theo dữ liệu chính thức, trong 12 tháng tính đến tháng 7, 18% rượu whisky xuất khẩu từ Anh (tính theo giá trị) đã đến Mỹ.
Các nhà sản xuất rượu whisky của Anh kinh doanh tốt bất chấp những thách thức của nền kinh tế. Ảnh: New York Times.
Anh cũng đang đối mặt với những vấn đề kinh tế mang tính hệ thống. Đó là năng suất lao động yếu, tốc độ tăng trưởng tiền lương thấp, tình trạng thiếu hụt lao động và bấp bênh trong đầu tư kinh doanh.
Mới đây, Chính phủ Anh báo cáo giá tiêu dùng tại nước này đã tăng vọt 10,1% trong tháng 9, so với mức tăng 9,9% của tháng 8. Một phần nguyên nhân là giá thực phẩm tăng mạnh nhất trong hơn 40 năm.
Lạm phát cao sẽ tác động tới chi tiêu tiêu dùng và đầu tư kinh doanh. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Anh sẽ giảm từ 3,6% trong năm nay xuống âm 0,3% vào năm tới.
Giai đoạn bùng nổ
Nhưng các công ty rượu whisky như James Eadie có thể vượt qua những thách thức chung của nền kinh tế. "Nếu nhìn vào 2-3 năm qua, chúng ta đang trải qua một giai đoạn bùng nổ", ông Rupert Patrick - Giám đốc điều hành của James Eadie - bình luận.
"Tất cả chúng tôi đều tự hỏi, vì sao mọi thứ lại tốt đến vậy vào thời điểm này", ông chia sẻ.
Theo ông Leonard Russell - Giám đốc điều hành của Ian Macleod Distillers ở Scotland, đồng bảng Anh suy yếu đã giúp thúc đẩy xuất khẩu rượu whisky. Nhưng ông cho rằng động lực lớn nhất của công ty là nhu cầu Scotch cao cấp tại Trung Quốc tăng lên.
Tất cả chúng tôi đều tự hỏi, vì sao mọi thứ lại tốt đến vậy vào thời điểm này
Ông Rupert Patrick - Giám đốc điều hành của James Eadie
Đồng bảng yếu hơn giúp các công ty xuất khẩu tại Anh hưởng lợi. Tuy nhiên, họ cũng phải tiêu tốn nhiều hơn cho những nguyên vật liệu nhập khẩu, chẳng hạn thùng đựng rượu nhập khẩu từ Mỹ.
Dù vậy, khi chi phí nhập khẩu tăng lên, những nhà sản xuất rượu whisky chịu tác động ít hơn các doanh nghiệp khác. Bởi đa số nguyên liệu của họ được sản xuất trong nước.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác không hưởng lợi nhiều từ sự suy yếu của đồng bảng, chẳng hạn các hãng xe của Anh, vốn phụ thuộc vào những linh kiện nhập khẩu.
Tuy nhiên, các hãng rượu whisky của Anh cũng không miễn nhiễm với một số thách thức chung, chẳng hạn chi phí đi vay tăng vọt. Ông William Wemyss - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của Wemyss Malts - cho biết một số nhà sản xuất rượu whisky phải sống dựa vào những khoản vay. Bởi rượu whisky cần nhiều năm, thậm chí hàng thập kỷ, để có thể đem bán.
Do đó, trong những năm qua, nhiều hãng rượu whisky vẫn đang hưởng lợi từ lãi suất thấp. Việc chi phí lãi vay đi lên sẽ gây ra nhiều vấn đề cho ngành công nghiệp.
Giá năng lượng cao hơn cũng ảnh hưởng đến các nhà sản xuất bởi quy trình sản xuất rượu whisky tiêu tốn nhiều năng lượng. Một cuộc khảo sát của Hiệp hội Scotch Whisky hồi tháng 8 chỉ ra gần 1/3 nhà máy chưng cất rượu đã ghi nhận chi phí năng lượng tăng gấp đôi.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/kinh-te-anh-om-yeu-nganh-cong-nghiep-whisky-van-song-khoe-a184404.html