La Saveur Hoà Bình của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đô thị sinh thái Dầu khí Hòa Bình (Công ty Dầu khí Hoà Bình). Dự án có quy mô 60ha, toạ lạc tại xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Dự án gồm 587 căn biệt thự, 69 shophouse, 2 khối nhà cao tầng với khoảng 300 căn hộ khách sạn. Các tiện ích đi kèm gồm hệ thống nhà hàng, phòng hội thảo, tổ chức sự kiện, hồ bơi – massage – spa, trung tâm chăm sóc sức khỏe, bến du thuyền, sân tập golf, tennis, vườn nướng BBQ, chợ tình, bảo tàng không gian văn hóa Mường, công viên vui chơi giải trí, thung lũng hoa 4 mùa…
Dự kiến dự án sẽ hoàn thiện trong quý IV/2022 và đang được mở bán rộng rãi.
Tuy nhiên, trên thị trường, La Saveur Hoà Bình đang trong tình trạng “loạn giá” khi giá các căn biệt thự được chào bán với sự chênh lệch rất lớn. Trên một diễn đàn về bất động sản, giá bán dao động từ 11 triệu đồng tới… 50 triệu đồng mỗi m2.
Cụ thể, ngay trong 2 tin rao vặt được đặt cạnh nhau, 1 tin đưa ra mức giá 15 tỷ đồng cho 300m2 (tương đương 50 triệu đồng/m2), 1 tin chào bán ở mức 9 tỷ đồng cho 852m2 (tương đương 11 triệu đồng/m2). Ở nhiều bài viết khác, mức giá được giới thiệu lúc thì 15 triệu đồng, khi thì 20 triệu đồng/m2.
Không chỉ có vậy, trên Internet đã xuất hiện không ít tin rao vặt “cắt lỗ” La Saveur Hoà Bình. Mức giá được đưa ra là gần 20 triệu đồng/m2, không thấp nhưng lại “rẻ” hơn rất nhiều so với mức cao nhất 50 triệu đồng/m2.
Có thể thấy giá bán mỗi căn biệt thự tại La Saveur Hoà Bình dao động từ vài tỷ đồng lên đến hơn chục tỷ đồng. Mặt bằng giá cao này hứa hẹn sẽ mang đến cho chủ đầu tư là Công ty Dầu khí Hoà Bình nguồn tiền lớn. Thực tế lại không phải như vậy.
Công ty Dầu khí Hoà Bình thành lập ngày 30/6/2011 với người đại diện pháp luật là bà Lương Hoàng Lan. Có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động nhưng Dầu khí Hoà Bình lại cho thấy bức tranh tài chính vô cùng yếu kém.
Trong 5 năm gần đây (từ 2017 đến 2021), Công ty không hề phát sinh doanh thu và lợi nhuận gần như bằng 0 đồng. Kết quả là hồi cuối năm 2017 và 2018, dù có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, Công ty phải gánh khoản âm vốn chủ sở hữu 6,4 tỷ đồng.
Sang năm 2018 và 2020, dù không có doanh thu, lợi nhuận, không góp thêm vốn nhưng không hiểu bằng cách nào vốn chủ sở hữu của Công ty Dầu khí Hoà Bình lại tăng lên 28,2 tỷ đồng.
Tới ngày 30/3/2021, Công ty tăng vốn điều lệ lên 100 tỷ đồng. Nhờ đó, vốn chủ sở hữu đạt 113 tỷ đồng. Trước đây, Công ty Cổ phần Bất động sản dầu khí là cổ đông lớn nhất. Tuy nhiên, sau này Công ty thoái vốn hoàn toàn. Tới ngày 24/7/2017, bà Lương Hoàng Lan trở thành cổ đông lớn nhất khi sở hữu 57% vốn Công ty.
Trước khi phát triển vào chào bán dự án La Saveur Hoà Bình, Công ty Dầu khí Hoà Bình đã bị chỉ ra nhiều sai phạm trên địa bàn tỉnh Hoà Bình.
Cụ thể, năm 2018, Thanh tra tỉnh Hòa Bình kết luận nhiều sai phạm tại dự án xây dựng khu nhà ở cao cấp Dầu khí Hòa Bình (tên thương mại Eco Valley) như: Chưa ký hợp đồng thuê đất đối với 14.735m2 đất thương mại dịch vụ, dịch vụ du lịch sinh thái được bàn giao mốc giới từ 20/10/2014 để thực hiện nghĩa vụ tài chính; chưa chi trả gần 13,5 tỷ đồng tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng cho 7 hộ dân; thực hiện san lấp một phần mặt bằng, nền đường trong khu vực dự án, xây dựng nhà điều hành, xây dựng 2 nhà mẫu biệt thự mỗi nhà có diện tích 1 tầng là 126m2 khi chưa được cấp có thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng.
Thanh tra tỉnh Hòa Bình khẳng định trách nhiệm thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Lương Sơn, UBND xã Nhuận Trạch và chủ đầu tư dự án.
Sang năm 2019, chủ đầu tư dự án Eco Valley bị tố xây dựng “chui” biệt thự vì tháng 01/2019 Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình mới chỉ cấp phép Giấy phép xây dựng giai đoạn 1 của dự án. Trong đó, Công ty Dầu khí Hoà Bình chưa được cấp phép xây dựng biệt thự nhưng Công ty đã gấp rút hoàn thiện rất nhiều căn.
Đáng chú ý, Eco Valley và La Saveur Hoà Bình có rất nhiều điểm chung như cùng có quy mô 60ha, cùng do chủ đầu tư Dầu khí Hoà Bình phát triển và cùng ở xã Nhuận Trạch, huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình.
Link nội dung: https://vietnamindex.vn/la-saveur-hoa-binh-bi-ban-cat-lo-chu-dau-tu-co-thoi-diem-am-von-a184450.html